Có nên nhận lời xách hộ, trông hộ hành lý?
Nếu lỡ chẳng may nhận lời xách đồ giúp một số đối tượng dàn cảnh tại nơi công cộng mà trong túi đồ đó có chứa hàng cấm, bị phát hiện thì sẽ bị xử lý như thế nào.
Chia sẻ với PV Báo Thanh Niên, chị Vũ Diễm Hương (26 tuổi, Việt kiều Đức) cho biết ngoài gia đình, chị không tin tưởng bất kỳ ai nhờ gửi đồ từ Đức về Việt Nam mỗi khi về thăm quê.
Còn theo du khách Peter Sillett (56 tuổi, quốc tịch Anh) đang đi công tác tại Q.1 (TP.HCM), chia sẻ: "Nếu người nào đó nhờ tôi xách hành lý ở sân bay, tôi sẽ không đồng ý. Không biết ở đây như thế nào nhưng ở bên Anh, nếu bạn mang hành lý của người khác, bạn không biết cái gì trong đó, thì có thể sẽ bị bắt hoặc tệ hơn thế".
Xách hộ, trông hộ hành lý: Ranh giới mong manh giữa lòng tốt và hiểm họa
Khuyến cáo của Bộ Công an
Theo Bộ Công an, trong nhiều trường hợp, giúp người khác cầm hộ hoặc vận chuyển hàng hóa hộ có thể sẽ phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý rất nặng nề khi hàng hóa đó thuộc danh mục bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.
Vì thế, Bộ Công an đề nghị người dân khi được nhờ cầm hộ hàng hóa, nhất là cầm hộ qua biên giới, cần phải kiểm tra, xác định rõ hành vi đó có trái quy định của pháp luật không.
Trường hợp di chuyển tại sân bay, bến tàu, bến xe, nơi công cộng cần cảnh giác với những hành vi lạ, bất thường, không nên xách đồ hộ người lạ khi chưa biết rõ về hành lý.
Bộ Công an khuyến cáo người dân di chuyển tại sân bay, bến tàu, bến xe, nơi công cộng cần giữ hành lý và giấy tờ tùy thân của mình cẩn thận; có trách nhiệm thông báo với nhân viên an ninh hoặc cơ quan công an nơi gần nhất khi phát hiện hoặc bị phát hiện hành lý của mình nghi có chứa chất cấm, hàng cấm và hợp tác để xác minh, điều tra làm rõ các yếu tố cố ý hoặc vô ý của hành vi vận chuyển hàng cấm, chất cấm.
Nếu khó từ chối quá thì xử lý thế nào?
Tuy nhiên, thực tế mà nói thì trong một vài trường hợp, người dân hay du khách cũng khó lòng từ chối yêu cầu giúp đỡ. Kẻ gian có thể giả mạo mẹ bỉm sữa, người cao tuổi, người khuyết tật tay xách nhiều đồ đạc để lợi dụng lòng tốt của người khác.
Theo lời khuyên của các hãng hàng không, trường hợp có người lạ nhờ cầm hộ, xách hộ đồ, hành khách không nên trực tiếp giúp đỡ mà hãy hỗ trợ họ bằng cách liên hệ với những lực lượng nhân viên đang làm nhiệm vụ tại sân bay.
Thông thường, các hãng hàng không và nhân viên phục vụ mặt đất đều bố trí nhân lực ở khắp các khu vực để hướng dẫn, hỗ trợ hành khách trong trường hợp cần thiết. Họ cũng là những người đã được đào tạo, huấn luyện về nghiệp vụ nên sẽ biết cách xử lý tốt nhất trong tình huống có đối tượng xấu cố tình gài bẫy.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, đại diện một công ty cung cấp dịch vụ mặt đất đang phục vụ tại ba sân bay lớn của Việt Nam khẳng định trong hợp đồng ký kết với các hãng hàng không, nhân viên phục vụ mặt đất không có chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ hành lý xách tay cho khách hàng. Ngay cả đối với các chuyến bay hạng sang, nếu trường hợp hành khách cần xách va li hoặc mang túi xách, hãng hàng không sẽ tự phân công nhiệm vụ cho nhân viên của hãng.
Xem nhanh 12h ngày 28.3: Ly kỳ chuyện vỡ nợ thành giám đốc tiền tỉ | Lời khai ‘cha dượng’ Lê Văn Bậm
Bình luận (0)