Tháng 8.2017, ông Nguyễn Văn Son, Giám đốc Công ty CP du lịch Tràng An ngang nhiên đưa người, máy móc đến đục khoét núi Cái Hạ (ở thôn Tràng An, xã Trường Yên, H.Hoa Lư), dựng hàng ngàn bậc thang bằng bê tông cốt thép, có chiều dài 510 m từ chân núi lên đỉnh núi.
Việc xây dựng trái phép, “xuyên lõi” di sản Tràng An kéo dài nhiều tháng trời, vị trí xây dựng lại nằm ngay trục đường chính nên không thể nói chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng ở Ninh Bình không biết.
Nhưng chỉ khi báo chí phát hiện, phản ánh thì chính quyền mới vào cuộc xử lý. Đã có 67 cá nhân và tập thể bị xử lý kỷ luật vì để xảy ra việc xâm hại di sản. Công trình “xuyên lõi” di sản cũng được tháo dỡ (hiện còn một vài điểm không thể tháo dỡ vì quá nguy hiểm).
Qua vụ việc này, các cơ quan, ban, ngành tỉnh Ninh Bình xem đây như bài học đắt giá về công tác quản lý di sản.
Những tưởng bài học đắt giá đó còn nguyên giá trị, thì mới đây, tháng 11.2019, tại Khu du lịch sinh thái Thung Nham (thôn Hải Nham, xã Ninh Hải, H.Hoa Lư), 1.810 m2 đất không nằm trong phạm vi xây dựng, đã bị Công ty CP dịch vụ thương mại - du lịch Doanh Sinh ngang nhiên dựng các công trình nghỉ dưỡng, dịch vụ bề thế.
Chính quyền địa phương phát hiện, lập biên bản, xử phạt hành chính, nhưng lại “vẽ đường” cho DN hợp thức hóa những sai phạm. Nguyên tắc đối với vùng lõi di sản, mọi công trình xây dựng dù to hay nhỏ, dù cao hay thấp đều được UNESCO yêu cầu phải báo cáo. Và dù để phát triển du lịch, được cấp phép xây dựng thì cũng phải đảm bảo tính toàn vẹn của di sản. Đáng tiếc là với những sai phạm tại Thung Nham, ông Chủ tịch UBND H.Hoa Lư Bùi Duy Quang, mặc dù đánh giá đây là sai phạm nghiêm trọng, nhưng lại cho rằng “vụ việc này không có gì lớn!”.
Bình luận (0)