Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình nêu vấn đề liệu có sự “thiếu sâu sát”, “sợ mất thành tích” trong đánh giá tình trạng xâm hại trẻ em trong cơ sở giáo dục và những gì chúng ta nhìn thấy mới chỉ là “phần nổi của tảng băng” hay không?
Nhiều nguy cơ xâm hại trẻ em trên internet
Ngày 13.1, trình bày tham luận tại hội thảo “Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và trong cơ sở giáo dục” do đoàn giám sát thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Quốc hội tổ chức, ông Đặng Hoa Nam,
Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay Việt Nam có 68 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó số tài khoản Facebook là 63 triệu. Hơn 1/3 trong số người sử dụng internet ở Việt Nam trong độ tuổi từ 15 - 24. Theo ông Nam, hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể và đầy đủ về số lượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, nhưng đã có rất nhiều trẻ em bị xâm hại và trẻ em đứng trước nhiều rủi ro, nguy cơ xâm hại trong môi trường mạng.
Trong khi đó, ông Phan Mạnh Trường, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, thông tin chỉ tính riêng các vụ xâm hại tình dục trên mạng, trong 3 năm vừa qua, cơ quan chức năng chỉ phát hiện, xử lý 156 vụ việc xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng, liên quan tới 167 đối tượng, 155 nạn nhân.
Tuy nhiên, ông Trường thừa nhận “con số này chưa phản ánh đúng thực tế vì bản chất tội phạm mạng là tội phạm ẩn, rất khó phát hiện”. Cũng theo đại diện Bộ Công an, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng để lại hậu quả lớn hơn nhiều so với các vụ xâm hại thông thường. Bởi lẽ, khi một trẻ em bị xâm hại ngoài xã hội thì chỉ một vài người chứng kiến; nhưng một khi đã ở trên môi trường mạng hoặc bị đưa lên môi trường mạng thì hậu quả rất lớn.
“Hình ảnh đó có thể theo các em suốt cả cuộc đời, thậm chí cả thế hệ sau nữa”, ông Trường nêu. Từ đó ông cho rằng, cần phải có những giải pháp quyết liệt, trong đó có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Bộ Thông tin - Truyền thông trong việc “làm sạch” môi trường mạng, đảm bảo quyền tiếp cận internet chính đáng của trẻ em.
Trách nhiệm rất lớn của gia đình
Trong khi đó, đề cập vấn đề xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Học viện Cảnh sát nhân dân, dẫn số liệu của Bộ Công an cho biết, từ năm 2015 đến hết tháng 6.2019, các lực lượng công an trên toàn quốc đã phát hiện hơn 7.800 vụ xâm hại trẻ em (dưới 16 tuổi), với gần 8.600 đối tượng, xâm hại 8.091 em.
“Tuy nhiên, số liệu thống kê tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục vẫn chưa đầy đủ”, ông Thủy nói, đồng thời khẳng định thời gian gần đây, những vụ xâm hại tình dục đối với học sinh đang xảy ra ngay trong chính trường học và xuất phát từ một số giáo viên. “Việc thầy cô giáo xâm hại tình dục trẻ em đã làm lệch lạc chuẩn mực đạo đức xã hội, làm các em không còn tin vào thầy cô, khiến dư luận hết sức bất bình”, ông Thủy khẳng định.
Theo ông Thủy, tình trạng xâm hại trẻ em nói chung và trong cơ sở giáo dục nói riêng thời gian qua có trách nhiệm rất lớn của gia đình. “Nhiều phụ huynh mải mê làm ăn, lo toan cuộc sống nên ít quan tâm đến con em mình hoặc do bố mẹ ly thân, ly hôn nên phó mặc việc quản lý, giáo dục con cái cho ông bà hoặc những người khác, cho cả các nhà trường”, ông Thủy nêu và đề nghị sửa đổi bổ sung nhiều quy định trong hệ thống pháp luật để nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương trong việc phòng, chống tình trạng xâm hại trẻ em, đặc biệt là trong nhà trường.
Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng hiện nay số liệu về xâm hại tình dục trong các cơ sở giáo dục vẫn chưa ổn định. Đoàn giám sát của Quốc hội đi đến tỉnh nào cũng được khẳng định là số liệu giảm.
“Liệu có hiện tượng thiếu sâu sát, sợ mất thành tích ở đây hay không? Một trường xảy ra là hiệu trưởng, bí thư mất thành tích. Có phải chúng ta đang cố gắng giằng nó lại? Tôi cho là trong vấn đề xâm hại trẻ em chúng ta mới chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng mà thôi”, ông Bình nhận định, đồng thời nhấn mạnh, để giải quyết tình trạng này hệ thống quản lý nhà nước, bao gồm cả hành pháp, lập pháp, tư pháp phải cụ thể và kiên quyết hơn. “Nhận thức thì có rồi nhưng Việt Nam thường là chưa đi tới cuối cùng”, ông Bình nói.
Cần giải quyết nạn người trẻ bị bắt nạt trên mạng xã hộiTrong tháng 10.2019, Báo Thanh Niên có loạt bài phản ảnh ngày nay giới trẻ không chỉ bị bắt nạt ngoài đời thật, trong nhà trường mà ngày càng nhiều trường hợp bị bắt nạt trên mạng xã hội.
Trong loạt bài này, theo tiến sĩ Lê Nguyên Phương, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những tai hại của bắt nạt qua mạng. Trẻ bị bắt nạt thường bị lo lắng, trầm cảm, kém tự tin và thỏa mãn với cuộc sống. Trẻ có thể sa vào nghiện ngập để trốn chạy - giảm khổ đau. Việc học của chúng có thể trở nên khó khăn và chúng có thể chán học hơn khi người bắt nạt là một học sinh cùng trường.
Chắc chắn chúng ta cần hình phạt, luật pháp nghiêm khắc cho những kẻ bắt nạt trên mạng. Chúng ta cũng cần những chương trình phòng chống tại học đường, tại khu phố, và trên mạng xã hội để giải quyết vấn nạn của thời đại số này. Tuy nhiên, vấn nạn bắt nạt trên mạng chỉ có thể giải quyết được nếu cả xã hội đồng lòng thay đổi nhận thức của mình.
|
Bình luận (0)