Xẩm hát cùng hip hop

26/01/2015 08:35 GMT+7

Xẩm và Đời vừa diễn ra tại Hà Nội đã kích thích được trí tò mò lẫn sự thích thú của công chúng và giới chuyên môn. Ở đó, người ta được nghe những làn điệu xẩm xưa, những bài xẩm nay dựa theo lời thơ mới, xẩm thể nghiệm “giao duyên” cùng hip hop, jazz, world music.

Xẩm và Đời vừa diễn ra tại Hà Nội đã kích thích được trí tò mò lẫn sự thích thú của công chúng và giới chuyên môn. Ở đó, người ta được nghe những làn điệu xẩm xưa, những bài xẩm nay dựa theo lời thơ mới, xẩm thể nghiệm “giao duyên” cùng hip hop, jazz, world music.  

Xẩm hát cùng hip hopTiết mục Dứa dại không gai kết hợp xẩm, hip hop và nhạc điện tử với sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ - Ảnh: Hải Bá

Xẩm và Đời có sự tham gia của các nghệ sĩ trong nhóm Xẩm Hà Thành và các khách mời: NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Ngoan... Nhà thơ Vũ Quần Phương và người đẹp Trà Ngọc Hằng đã tình nguyện xin làm người dẫn chuyện cho Xẩm và Đời. Cuộc trò chuyện giữa hai con người của hai thế hệ giúp khán giả hiểu thêm về lịch sử của xẩm xưa, sự phát triển của xẩm nay.

Trên sân khấu, chị Nguyễn Thị Mận hát điệu xẩm thập âm gợi nhớ đến giọng hát, hình ảnh của mẹ chị - cố nghệ nhân Hà Thị Cầu. Cô bé Hồng Nga năm nay mới tròn 14 tuổi yêu và tìm đến với xẩm như cho thấy dòng chảy xẩm vẫn đang được tiếp nối. Nghệ sĩ beatbox Minh Kiên, vũ công Hoa Đức Công, ca sĩ Hà Linh - những nghệ sĩ trẻ là những cầu nối âm nhạc hiện đại và âm nhạc truyền thống.  

Những người bền bỉ giữ xẩm

Tôi nghĩ nhà nước nên mở cửa hơn, có thể lập một quỹ văn hóa độc lập, tạo điều kiện cho nhiều thành phần tham gia, sẵn sàng lắng nghe nguyện vọng, tiếp nhận hồ sơ của các nhóm và hỗ trợ một khoản cho các nhóm theo từng dự án

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long

Các thành viên trong nhóm Xẩm Hà Thành đã vận động người thân, bạn bè gom góp được gần 100 triệu đồng để chương trình có thể đến được với khán giả. Sau 4 năm, kể từ chương trình đầu tiên gây tiếng vang, đến giờ nhóm Xẩm Hà Thành mới thực hiện được chương trình thứ hai. Các thành viên của nhóm gồm các nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Nguyễn Quang Long, Khương Cường, Đình Dũng, Văn Tuấn đã quen với việc bỏ tiền túi để thực hiện các dự án bảo tồn và phát triển xẩm. Cùng với họ, nhiều người đã tình nguyện yêu, giữ gìn và nuôi xẩm như nhạc sĩ Thao Giang tự nhận làm “ông bầu” không lương của chiếu xẩm Hàng Đào, Đồng Xuân; NSƯT Thanh Ngoan tự nguyện đóng góp kinh phí sưu tầm, phục hồi xẩm trong suốt nhiều năm.

Đã có lúc người ta nghĩ xẩm khó trở lại sau thời gian dài bị đứt gãy, bởi hầu như các làn điệu xẩm xưa đã bị thất truyền. Nhưng các nhà nghiên cứu của Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc VN đã phục hồi thành công. Trong suốt hàng chục năm, nhạc sĩ Thao Giang, NSƯT Văn Ty, nhạc sĩ Hạnh Nhân đã sưu tầm, lưu giữ các làn điệu xẩm. Đến khi bắt đầu phục hồi, các nhà nghiên cứu đã đi khắp nhiều tỉnh thành phía bắc. “Cứ hễ ai nói ở đâu có người biết hát xẩm là chúng tôi lại tìm đến”, nhạc sĩ Quang Long nhớ lại.  

Chỉ biết dựa vào các mạnh thường quân

Xẩm xưa khó có thể phục hồi nếu các nhà nghiên cứu của Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc VN không tự nguyện đóng góp công sức và kinh phí. Nhóm Xẩm Hà Thành khó có thể duy trì hoạt động nếu các thành viên không yêu xẩm một cách tự nguyện. Nếu không có sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, những giá trị tinh túy của cổ nhạc khó lòng được tìm thấy, lưu giữ và tiếp nối trong cuộc sống hiện đại.

Nhà nước không phải không dành kinh phí để hỗ trợ, phát triển cổ nhạc, nhưng hiệu quả đến đâu cần phải xem lại. Ngay như chế độ đãi ngộ nghệ nhân, những báu vật sống, cũng đã bị lãng quên trong thời gian dài. Người ta vẫn chạnh lòng khi nhắc đến cuộc sống nghèo khó của “người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20” - nghệ nhân Hà Thị Cầu. GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian cho biết đã nhiều lần đề nghị hỗ trợ các nghệ nhân cao tuổi mỗi tháng một khoản tiền và mỗi cụ một thẻ bảo hiểm y tế, nhưng chỉ biết chờ đợi vì không có quy chế.

Những nhóm hoạt động độc lập như Xẩm Hà Thành cũng khó có thể nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà nước. “Có điều hơi ngược là, các nhóm hoạt động độc lập thường không xin được kinh phí của nhà nước nhưng lại xin được kinh phí từ các quỹ nước ngoài”, một chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống nói.

“Tôi nghĩ nhà nước nên mở cửa hơn, có thể lập một quỹ văn hóa độc lập, tạo điều kiện cho nhiều thành phần tham gia, sẵn sàng lắng nghe nguyện vọng, tiếp nhận hồ sơ của các nhóm và hỗ trợ một khoản cho các nhóm theo từng dự án. Một số nước phát triển có cách làm rất hay, chẳng hạn lấy tiền thuế nhạc thị trường cao lên, trích một phần trong đó dành cho quỹ phát triển nhạc truyền thống. Hoặc những doanh nghiệp đóng góp khoản tiền cho quỹ được giảm bớt thuế. Đó là cách tốt để tạo ra cú hích cho nhiều thành phần xã hội tham gia vào việc duy trì cổ nhạc. Các quỹ nước ngoài tại VN đã làm như thế với chúng ta, thì tại sao chúng ta lại không tự làm”, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.