Xâm nhập mặn gia tăng vì thiếu hụt phù sa

24/12/2019 06:19 GMT+7

Theo GS Võ Tòng Xuân, nguồn nước từ sông Cửu Long thấp thì mặn xâm nhập sâu và đến sớm cũng dễ hiểu. Hiện khó để đoán biết được thời tiết.

Thế nên vấn đề quan trọng là phải chủ động thích nghi, không có cách nào khác. Thay đổi từ cách sản xuất, tổ chức sản xuất, tận dụng nước mặn thay vì sợ hãi, ngăn chặn. Có thể nghĩ đến các mô hình nuôi thủy sản, tôm, trồng cây chịu mặn như vùng ven biển trồng rừng để nuôi thủy sản sinh thái. Vùng đất nhiễm mặn có thể nghĩ đến cây bo bo sinh khối làm nguyên liệu đốt, cây giọt tuyết, một loại rau bổ dưỡng hợp với đất mặn chẳng hạn...
Một điều rất quan trọng nữa là cần nhìn lại kinh nghiệm từ trong quá khứ, là những cái đìa trên đồng ruộng. Đó là nơi nuôi cá tôm và cũng là không gian trữ nước ngọt mùa mưa để cấp nước tưới tiêu vào mùa khô. Các vườn cây ăn trái cũng cần mở rộng hơn không gian trữ nước ngọt, “thu” nước mưa để dành. “Có thể nói, nông dân đang đứng trước hoàn cảnh cần phải đánh đổi, tức là bỏ miếng đất tạo đìa chứa nước ngọt sống được trong mùa nắng hay là khư khư ôm ruộng chết khô”, GS Võ Tòng Xuân nói và cho rằng, cùng với đó là các giải pháp trồng trọt, sử dụng tiết kiệm nước. Cần nhanh chóng nghiên cứu cây trồng có thể thích nghi với độ mặn.
Chuyên gia Sepehr Eslami, Đại học Utrecht (Hà Lan) nhận định, xâm nhập mặn gia tăng bởi sự thiếu hụt phù sa. Hạn hán năm nay sẽ rất khốc liệt khi mực nước sông Mê Kông đã xuống rất thấp ngay trong mùa mưa vừa qua. Chính việc tích nước vận hành từ các công trình đập như Xayaburi (Lào) mà ngay trong mùa lũ, mực nước thậm chí đã xuống tới mức kỷ lục. Hồ Tonle Sap (Biển Hồ, Campuchia), nơi trữ nước ngọt và điều tiết cho ĐBSCL đẩy nước mặn ra biển trong mùa khô cũng đã chứng kiến cảnh mực nước thấp chưa từng thấy.
Hạn mặn không phải là chuyện mới ở ĐBSCL, nhưng điều khác biệt so với trước đây là thủy triều lớn hơn và các kênh sâu hơn có thể đưa nước mặn xâm nhập sâu hơn vào nội đồng, tàn phá sản xuất. Thiếu hụt phù sa do các đập thượng nguồn chặn lại và khai thác cát đã khiến cho lòng nhiều con sông chính ở ĐBSCL sâu hơn.
Cụ thể các lòng sông ở ĐBSCL, đặc biệt là sông Tiền, sông Hậu đang “chìm” 200 - 300 mm mỗi năm. Trong khi đó, đất đang sụt lún 20 - 30 mm mỗi năm do khai thác nước ngầm quá mức và mực nước biển tăng 3 mm mỗi năm do biến đổi khí hậu. Cùng với đó là biên độ thủy triều gia tăng khiến cho độ mặn ở một số kênh, rạch nội đồng ở ĐBSCL đã tăng gấp đôi chỉ trong 15 năm qua. Điều này chắc chắn gây nên hiện tượng sạt lở, lũ lụt và xâm nhập mặn tai hại hơn.
Để tháo gỡ những vấn đề nan giải trên trước hết cần các giải pháp quản lý chặt chẽ ngay tình trạng khai thác cát, tìm kiếm nguồn thay thế và khôi phục trữ lượng phù sa, thích ứng với điều kiện sạt lở và tìm kiếm biện pháp chống xói mòn… “Cần phải tăng cường công tác ngoại giao với các nước xây đập và khai thác dòng chảy thượng nguồn trong quản lý phù sa, trầm tích trên toàn lưu vực. Sông bao gồm nước và cát. Trong bất kỳ dự án quản lý nước nào, quản lý phù sa nên là một phần của cuộc thảo luận”, chuyên gia Sepehr Eslami nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.