Vụ việc Công ty Việt Hồng (Hà Nội) cung cấp phần mềm nghe lén điện thoại và hàng ngàn người sử dụng phần mềm của doanh nghiệp này, một lần nữa cho thấy hoạt động bảo vệ an toàn thông tin tại nước ta đang còn nhiều hạn chế; và quyền con người, quyền cơ bản của công dân được ghi nhận tại Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đang bị xâm phạm nghiêm trọng.
>> Hơn 14.000 điện thoại bị nghe lén
Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Cùng với đó, Hiến pháp ghi nhận mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Tuy nhiên, với việc cung cấp phần mềm nghe lén, thu thập các dữ liệu trên điện thoại di động của người khác, Công ty Việt Hồng và các cá nhân có liên quan đã xâm phạm nghiêm trọng tới quyền được bảo đảm an toàn về bí mật cá nhân, bí mật thư tín, điện thoại của người khác.
Chính vì vậy, cần phải xử lý nghiêm Công ty Việt Hồng và các cá nhân có liên quan; trong đó bao gồm cả cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ nghe lén do Công ty Việt Hồng cung cấp. Tùy thuộc vào kết quả xác minh, điều tra về hành vi vi phạm mà cơ quan có thẩm quyền có thể sử dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 73 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13.11.2013 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện) đã quy định rõ phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi “truy cập bất hợp pháp vào mạng hoặc thiết bị số của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của thiết bị số; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ”.
Bên cạnh đó, với việc cố ý truy cập bất hợp pháp điện thoại của người khác, chiếm quyền điều khiển, can thiệp vào chức năng của điện thoại, lấy cắp dữ liệu trong điện thoại của người dùng điện thoại, một số đối tượng trong vụ việc này bao gồm người quản lý và các nhân viên kỹ thuật của Công ty Việt Hồng có tham gia vào việc cài đặt phần mềm nghe lén đã có dấu hiệu phạm tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số của người khác được quy định tại điều 226a bộ luật Hình sự 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Theo quy định tại điều này, người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của thiết bị số; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 20 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Phạm tội có tổ chức, thu lợi bất chính lớn, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 - 7 năm. Trường hợp phạm tội thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 - 12 năm.
Trước thực trạng như hiện nay, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao các địa phương cần đẩy mạnh việc giám sát và tăng cường hơn nữa các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm trong vụ việc của Công ty Việt Hồng để đảm bảo tính nghiêm minh và tính răn đe của pháp luật.
LS Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM)
Bình luận (0)