Nghe phát biểu của Bộ trưởng Công an về mức độ khó khăn và phức tạp của tiến trình điều tra đường dây sản xuất xăng giả vừa qua mới thấy chúng ta đang phải đối mặt với không phải đơn thuần là một gian lận thương mại mà là với một kiểu tội ác.
Không chỉ xe cộ bị hư hại, giảm tuổi thọ, hoặc cháy nổ vì dùng xăng giả, mà tính mạng của người sử dụng phương tiện hoặc của khách đi xe như thể bị đem ra đánh đổi cho sự tham lam. Không phải một cửa hàng xăng dầu nào đó cá biệt giở trò ma mãnh, mà cả một mạng lưới nhiều cửa hàng có mặt ở nhiều địa phương.
tin liên quan
Đường dây 'chế' xăng giả liên quan đại gia Trịnh Sướng bị triệt phá ra sao?Cơ quan luật pháp chắc chắn sẽ làm phần việc cần thiết để buộc những kẻ tham lam phải chịu trách nhiệm trước tòa. Nhưng người dân còn mong đợi điều khác nữa ngoài sự trừng phạt của pháp luật. Không thể cứ lừa đảo, cứ gây tội với cộng đồng rồi sau đó ra tòa nhận án, còn xã hội phải tự gánh chịu hậu quả. Chưa kể, điều đáng quan tâm hơn, là sẽ có những kẻ khác “tương kế tựu kế” tiếp tục bày trò lừa đảo xã hội, lừa đảo người tiêu dùng.
Hãy đặt những kẻ vì lòng tham mà gây ra thứ tội ác làm giả xăng dầu gây hư hại tài sản và đe dọa mạng sống con người trước một trả giá khác ngoài trả giá về trách nhiệm pháp lý. Luật pháp phải đặt họ vào trả giá bị tịch thu tài sản và đối mặt với sự tẩy chay của khách hàng. Cơ quan điều tra không thể vì cái gọi là “nhạy cảm kinh tế” để mà không bêu tên những cửa hàng xăng dầu đã cấu kết đồng lõa bán xăng giả kiếm lợi, bất chấp thiệt hại tài sản và tính mạng của đồng bào mình.
Chúng ta không thiếu lòng nhân ái và sự cảm thông. Nhưng lòng nhân ái và sự cảm thông cần phải đặt đúng chỗ, chứ không phải là đặt vào những cửa hàng xăng dầu nhẫn tâm mua bán xăng giả. Nếu có đóng cửa vài chục cửa hàng xăng dầu hại đời hại người để khẳng định thông điệp mạnh mẽ về cam kết của chính quyền trong việc bảo vệ cuộc sống an toàn cho người dân cũng là chuyện phải quyết tâm làm.
Bình luận (0)