“Đổ hết cho em, lấy xăng đâu đổ cho người khác?”
Ngày 18.2, nhiều bạn đọc tại TP.HCM phản ánh đến Báo Thanh Niên về tình trạng rất nhiều cây xăng tại các khu vực Q.12, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp… tái diễn cảnh bán xăng theo “định mức”. Một số cây xăng ở các quận này chỉ bán 30.000 đồng (hơn 1 lít xăng), hoặc 50.000 đồng (2 lít) cho một lần đổ, ô tô cũng chỉ được đổ 200.000 đồng/lần.
Một số cửa hàng treo bảng tạm ngưng phục vụ ngày 18.2 |
Chí Nhân |
Khảo sát tại cây xăng H.T trên đường Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, khi chúng tôi yêu cầu đổ đầy bình xăng, người bán trả lời “chỉ bán tối đa cho 50.000 đồng, không thể đổ thêm”. “Ủa sao kỳ vậy?”. “Có xăng đâu để đổ mà hổng kỳ”, “Vậy hết xăng rồi hả? Sao thấy báo nói xăng nhiều lắm mà”. “Xăng nhiều là báo nói chớ cây xăng đâu có nói”. “Thôi ráng đổ cho em đầy đi. Mỗi lần đổ là một lần khó, mất công quá giữa trưa nắng nóng”. “Chỉ được có 50 (50.000 đồng) à. Đổ xăng còn trả giá nữa. Đổ đầy cho em rồi lấy xăng đâu đổ cho người khác?”, người bán quạu. Chúng tôi cố hỏi tiếp: “Xăng giờ hiếm lắm hả chị?” thì người bán khẳng định: “Giá mắc mà không có xăng bán chớ có xăng bán cũng đỡ. Bán xăng giờ cũng khổ lắm, phải ngó trước ngó sau đủ thứ nữa…”.
Cha con đẩy xe, đi bộ cả cây số vì cây xăng ở TP.HCM đóng cửa |
Tiếp tục vòng qua đường Nguyễn Xí, Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh), lượng người mang xe đi đổ xăng rất đông dù đã hơn 12 giờ trưa. Đa số cây xăng vẫn đáp ứng yêu cầu của khách. Tuy nhiên, có trường hợp trạm xăng cạnh Bến xe miền Đông, trên đường Đinh Bộ Lĩnh, dựng biển báo đang “tạm ngưng sửa chữa”. Qua tìm hiểu, một số tài xế xe ôm công nghệ nhận xét: “Mấy cây xăng này bán buôn kiểu “bất tử” lắm, khi thì cho để “tẹt ga” 70.000 đồng một lần đổ. Khi lại báo hết xăng, lúc lại báo ngưng sửa chữa”. Dọc theo đường Đinh Bộ Lĩnh đến giao lộ với Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh), cây xăng lớn ở góc đường này có cùng lúc 2 biển đặt phía dưới chân của mỗi trụ bơm biển báo “Tạm ngưng phục vụ” và không báo lý do. Đây là cây xăng lớn và đông khách nhất ở khu vực này.
Thị trường lại rơi vào tình trạng khan hàng bởi lo ngại giá sẽ tăng tiếp tại kỳ điều chỉnh tới
Tương tự, xung quanh khu vực bến xe buýt Chợ Lớn (Q.5) có đến 3 trạm xăng lớn của các doanh nghiệp đầu mối. Lúc 3 giờ chiều 18.2, trạm nào cũng tấp nập xe vào ra liên tục. Một nhóm tài xế xe ôm công nghệ đang dừng đợi khách trên đường Lý Thường Kiệt đối diện Bệnh viện Hùng Vương cho biết: “Nhiều cây xăng hạn chế bán lắm. Mỗi lần chỉ cho đổ 50.000 đồng. Nhưng họ tinh vi lắm, lúc thì hạn chế lúc cũng cho đổ tùy ý, hình như các cửa hàng sợ bị phạt nếu không bán…”.
Không chỉ với xe gắn máy, nhiều người đi xe hơi cũng chỉ được mua xăng theo kiểu “nhỏ giọt”. Chị Quỳnh Như (P.13, Q.Bình Thạnh) vào cây xăng trên đường Quang Trung (Q.Gò Vấp) được người bán “định mức” 200.000 đồng (chưa tới 8 lít xăng) dù chị muốn đổ đầy bình (gần 1 triệu đồng). Người bán giải thích, giá xăng mua vào cao, không có lãi, thậm chí lỗ. Không bán thì bị phạt nên chấp nhận bán cầm chừng thôi.
Nhiều cây xăng ở TP.HCM tìm cách ‘găm hàng’ |
Ai bảo vệ người tiêu dùng?
Thực tế như vậy nhưng kết quả thanh tra của cơ quan quản lý thị trường và Sở Công thương TP.HCM thì đến ngày 17.2 chỉ ghi nhận 5 cửa hàng thiếu một số mặt hàng như xăng E5 RON 92, xăng RON 95 hoặc dầu, trong đó gồm 2 cửa hàng ở H.Củ Chi và 3 cửa hàng ở H.Hóc Môn. Từ ngày 16.2, Sở Công thương cũng cho biết, 71 điểm bán lẻ xăng dầu của công ty bán lẻ xăng dầu trực thuộc Công ty Xăng dầu khu vực II (Petrolimex Sài Gòn) đã điều chỉnh tăng giờ bán hàng từ 17 - 20 giờ mỗi ngày và có 27 cửa hàng phục vụ 24/24, 23 cửa hàng mở bán với thời gian từ 17 - 20 giờ/24 giờ mỗi ngày… Trả lời thắc mắc về một số cửa hàng luôn trong tình trạng thiếu xăng tạm thời, đại diện Sở Công thương cho hay do các cửa hàng này nhập xăng dầu từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn nên lượng cung ứng không đầy đủ như từ các đầu mối khác. Theo kế hoạch từ đây đến cuối tháng 2, sản lượng của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ tăng cộng với lượng nhập khẩu về chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, vị này cho hay giá dầu thế giới đang có chiều hướng giảm nên tình hình thị trường sẽ ổn định trong thời gian tới.
Cơ quan quản lý vẫn còn hết sức lúng túng và rời rạc trước cơn bão giá xăng dầu thế giới đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân. Người tiêu dùng, doanh nghiệp đang rất lo lắng với tình hình giá cả xăng dầu tiếp tục leo thang, song hình như nhà quản lý không vội lắm. Ngoài ra, vai trò giám sát của cơ quan quản lý thị trường với mặt hàng xăng dầu vẫn chưa quyết liệt nên mới sau 1 tuần điều chỉnh giá, chuẩn bị kỳ điều chỉnh giá mới, thị trường tiếp tục bùng phát những bảng “đang sửa chữa”, “tạm ngưng phục vụ” kiểu này.
Nỗi lo lắng giá cao, khan hàng của người tiêu dùng vẫn ngày càng lớn vì chỉ còn 2 ngày nữa là đến kỳ điều chỉnh giá xăng dầu (ngày 21.2). Một đầu mối kinh doanh xăng dầu phía nam cho hay, những lô xăng giá cao từ Singapore đã và đang trên đường về rồi, chỉ mất 3 ngày để cập cảng khu vực phía nam. Việc bán ra cầm chừng lúc này là điều hiển nhiên bởi thực tế với mức giá tăng gần 1.000 đồng/lít vừa qua, cơ quan điều hành đã “trộn” 2 kỳ vào với nhau để tăng ở mức thấp nhất hỗ trợ cho người tiêu dùng, song lại khiến doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu “không vui” vì giá thế giới thực tế trong 10 ngày trước Tết Âm lịch tăng mạnh, nhưng đã được “bỏ qua”. Vị này cho rằng thị trường lại rơi vào tình trạng khan hàng bởi lo ngại giá sẽ tăng tiếp tại kỳ điều chỉnh tới.
Chính phủ lại nhắc Bộ Công thương bảo đảm nguồn cung xăng dầu
Hôm qua (18.2), Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có văn bản yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chủ động điều hành giá xăng dầu, trong đó cần bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Văn bản cũng nhấn mạnh, cơ quan điều hành cần “chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành giá xăng dầu; kiểm tra, xử lý nghiêm, không để xảy ra các hành vi trục lợi, đầu cơ, vi phạm pháp luật”. Ngoài ra, Bộ Công thương cần chủ động làm tốt công tác thông tin, truyền thông về việc điều hành giá xăng dầu để người dân và doanh nghiệp biết, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Chí Hiếu
Ông Nguyễn Duy Thành, doanh nhân trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, người từng bị cây xăng từ chối bán đầy bình mà chỉ được mua “hạn mức” từ 4 - 8 lít xăng, bức xúc rằng những gì đang diễn ra trên thị trường kinh doanh xăng dầu trong thời gian qua là cực kỳ “méo mó”. Đó là kinh doanh kiểu “bao lời, bao lỗ”. Thế nên khi giá thế giới tăng, biết chắc giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh tăng theo, các nhà kinh doanh xăng dầu tìm mọi cách để trì hoãn việc bán hàng ra. “Một điều cơ bản nhất trong nền kinh tế thị trường là người dân có quyền được mua xăng, dầu đầy bình cho xe máy, ô tô của mình để duy trì việc đi lại, làm ăn. Nhưng cây xăng từ chối bán đủ chỉ vì… để dành bán cho khách khác. Ngành xăng dầu đang được điều hành như kiểu mua tem phiếu bao cấp ngày xưa không?”, vị này đặt vấn đề.
Cũng theo ông Nguyễn Duy Thành, trong những ngày qua, khi cả xã hội nháo nhào vì giá xăng dầu tăng, nơi này bán, nơi kia không bán… nhưng người tiêu dùng không thấy bóng dáng của Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Vậy họ ở đâu? Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM cho biết chưa có ý kiến gì về vấn đề các cửa hàng xăng găm hàng không bán, giá xăng tăng ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng vì… chưa nghe ai phản ánh.
Bình luận (0)