Đội nắng đi đổ xăng trước giờ tăng giá
Đón trước thông tin tăng giá này, từ trưa hôm qua, tại TP.HCM, rất nhiều người dân tranh thủ đi đổ xăng đầy bình bất chấp trời nắng nóng gay gắt. Dạo một vòng các tuyến đường từ Q.1, 3, 5 tới Q.10, 11 có thể nhận thấy, các cây xăng dầu tấp nập khách vào đổ xăng. Nhân viên bán hàng tại các cây xăng cho biết họ không được nghỉ trưa vì khách vào ra liên tục. Nhiều nhất là khách đi ô tô, đặc biệt xe dịch vụ mang biển số vàng (xe dịch vụ chở khách).
Người dân đi đổ xăng trước giờ xăng tăng giá, tại TP.HCM trưa 11.2 |
Chí Nhân |
Tại cây xăng của Petrolimex trên đường Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình), anh Phạm Mạnh Long, tài xế xe công nghệ, cho biết nếu tiếp tục chạy, đến ngày mai xe anh mới hết xăng. Nhưng lo ngại xăng tăng giá mạnh, anh tranh thủ vào “châm thêm” 30 lít. Anh Long nói: “Nếu xăng tăng 1.000 đồng/lít, cũng đỡ được 30.000 đồng; giả sử tăng 1.500 đồng, lợi được 45.000 đồng. Được đồng nào hay đồng nấy chứ kinh doanh xe công nghệ thời này nhặt bạc cắc thôi”.
Người chạy xe ôm canh cánh nỗi lo khi xăng lại tăng giá |
Đến nay, 548 cửa hàng xăng dầu đóng trên địa bàn TP vẫn hoạt động bình thường và đến chiều 11.2 ghi nhận không còn hiện tượng hết hàng, khan hàng nào cả.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM
Tương tự, anh Nguyễn Văn Tuấn, cũng là tài xế ô tô công nghệ, vào đổ xăng tại cây xăng trên đường Nguyễn Chí Thanh (Q.5), nhận xét: Người đi xe máy chủ yếu tiện việc đi ra đường mới tranh thủ đổ xăng luôn, chứ xe máy có đổ đầy bình cũng không được mấy lít, lợi thêm vài ngàn không bao nhiêu. Nhưng ô tô thì khác, lợi nhiều hơn. “Làm nghề chạy xe dịch vụ như chúng tôi di chuyển nhiều, đổ đầy bình một lần ít nhất cả triệu đồng. Bình xe của tôi khoảng 44 lít, đổ đầy cũng lợi được gần cả cuốc xe, bằng cả bữa ăn trưa. Thời buổi này kiếm tiền khó lắm, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó”, anh Tuấn chia sẻ.
Sau khi liên bộ công bố giá xăng dầu mới, theo quan sát của PV Thanh Niên, nhân viên các cây xăng nhanh chóng cập nhật giá mới trên các bảng thông báo đến người tiêu dùng. Trong lúc cập nhật giá mới, các hoạt động mua bán vẫn diễn ra bình thường. Nhưng cũng từ lúc đó, lượng khách vào mua xăng dầu khá thưa thớt. Đặc biệt, tại những cửa hàng xăng đông nghẹt người trên đường Lý Thường Kiệt, Lý Thái Tổ, Võ Thị Sáu, Ba Tháng Hai, Nguyễn Đình Chiểu..., khách vãn hẳn.
Kiếm cơm dựa vào xăng là khổ nhất
Anh Trần Đức Tuấn, nhân viên giao hàng công nghệ (shipper), sau khi đổ xăng ở mức giá mới, thở dài: “Sau tết, giá cả nhiều thứ còn đang ở mức cao. Bây giờ giá xăng lại tăng, làm nghề kiếm cơm dựa vào xăng là khổ nhất. Sợ nhất là giá xăng cứ tăng liên tiếp, lần sau tăng hơn lần trước, không thấy dừng. Năm ngoái thời điểm nay tôi đổ xăng chỉ 18.000 đồng/lít, nay hơn 25.000 đồng/lít, trong khi giá cước giao hàng hoàn toàn không tăng. Cước giao gói hàng nhỏ từ Q.7 về Q.3 vẫn cứ 17.000 đồng, 2 năm nay vẫn vậy, xăng thì đã kịp tăng 7.000 - 8.000 đồng/lít”. Không chỉ giá xăng tăng, anh Tuấn cho hay: “Giá cơm bụi sau tết cũng tăng quá chừng, kiểu này dân lao động nghèo khó sống lắm. Cơm bình dân trước đây mua hộp 25.000 - 30.000 đồng giờ đã tăng lên 35.000 - 40.000 đồng hết rồi. Thêm đợt tăng giá xăng này nữa, không biết tăng tới bao nhiêu luôn”.
Để tránh tình trạng găm hàng trước giờ tăng giá xăng, từ sáng sớm qua 11.2, Sở Công thương TP.HCM đã có đoàn thanh tra đột xuất một số cửa hàng bán xăng dầu trên địa bàn TP. Đến chiều qua, ông Nguyễn Thành Trung, Chánh thanh tra Sở Công thương TP.HCM, thông tin song song với việc Bộ Công thương thành lập đoàn thanh tra cơ động, thanh kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối, phân phối, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước, Sở Công thương TP.HCM trong hai ngày 10 và 11.2 đã có quyết định lập đoàn thanh tra tổng kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, bằng cả hai hình thức thông báo trước và kiểm tra đột xuất.
“Ngay từ tối 10.2, chúng tôi đã tung lực lượng đi khắp các quận huyện, chụp hình và ghi lại hình ảnh hơn 100 cửa hàng xăng dầu đóng trên địa bàn TP. Qua đó phát hiện có 7 cây xăng không bán xăng RON95 vì hết hàng, chỉ bán xăng E5 RON92 và dầu. Ngoài ra, có 2 cây xăng đóng cửa đang trong tình trạng sửa chữa”, ông Trung cho biết.
Cũng trong sáng qua, qua kiểm tra đột xuất 7 cây xăng dầu báo hết xăng RON95 từ tối hôm trước cho thấy, các cửa hàng đều đã đưa hàng về bán bình thường và đủ các mặt hàng. Tuy nhiên, có một cửa hàng vẫn đóng cửa, nhân viên kinh doanh báo với đoàn là do đơn vị cung ứng xăng dầu chưa cung cấp hàng về kịp, nên cửa hàng không bán. “Trước khi rời đi, đoàn cũng cử người ở lại xem việc nhập hàng về đúng với báo cáo của cửa hàng không. Với trường hợp này, chúng tôi đã lập biên bản, sẽ xác minh, mời thương nhân đầu mối cung cấp hồ sơ giấy tờ để kiểm tra. Nếu không đúng trình bày, sẽ có hướng xử lý tiếp”, ông Trung cho hay.
Ngoài ra, qua kiểm tra, có một cửa hàng vi phạm về thời gian bán hàng. Đăng ký mở bán từ 5 giờ sáng đến 21 giờ hằng ngày, song đến 18 giờ ngày 10.2, cây xăng này đã đóng cửa. Đoàn đã lập biên bản, tuy nhiên theo đại diện thanh tra Sở Công thương TP.HCM, việc cây xăng này đóng cửa sớm đã diễn ra vài ngày trước do thiếu hụt nhân viên vì bị nhiễm Covid-19.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết việc kiểm tra đột xuất các cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ diễn ra trong 1 tuần. Còn việc thanh kiểm tra các thương nhân bán buôn, doanh nghiệp đầu mối sẽ bắt đầu từ đầu tuần tới và kéo dài đến cuối tháng 5.
“Trong đợt khan hàng xăng dầu vừa qua, TP.HCM không rơi vào tình trạng bị đóng cửa hàng loạt. Đến nay, 548 cửa hàng xăng dầu đóng trên địa bàn TP vẫn hoạt động bình thường và đến chiều 11.2 ghi nhận không còn hiện tượng hết hàng, khan hàng nào cả. Hy vọng trong vài ngày tới, khi lượng xăng nhập khẩu về nhiều hơn, nhà máy lọc dầu tăng công suất, tình trạng thiếu hàng cục bộ sẽ không xảy ra nữa.
Thị trường xăng dầu sẽ trở lại bình ổn như trước”, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM nói.
Giá bán lẻ xăng dầu tăng mạnh
Chiều 11.2, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã tăng mạnh sau khi liên bộ Công thương - Tài chính cho phép doanh nghiệp điều chỉnh giá. Cụ thể, mỗi lít xăng E5 RON92 bán ra ở mức 24.571 đồng/lít, tăng 976 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 962 đồng/lít, giá bán ra không được quá 25.322 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng tăng giá tương tự khi dầu diesel 0.05S tăng 962 đồng/lít, giá bán ra không cao hơn 19.865 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 18.751 đồng/lít, tăng 958 đồng/lít; còn dầu mazút 180CST 3.5S tăng 666 đồng/kg, giá không cao hơn 17.659 đồng/kg. Lý do điều chỉnh giá được Bộ Công thương giải thích là thị trường xăng dầu thế giới giai đoạn vừa qua có nhiều biến động tăng giá, nguồn cung khan hiếm. Tại kỳ điều hành lần này, liên bộ Công thương - Tài chính chỉ có thể duy trì mức chi Quỹ bình ổn đối với các mặt hàng xăng E5 RON92, dầu diesel và dầu hỏa (ở mức từ 100 - 400 đồng/lít), đồng thời giảm mức trích lập đối với mặt hàng xăng RON95.
Chí Hiếu
Bình luận (0)