Xanh hóa giao thông - Để doanh nghiệp 'gánh' thì khó bền

13/02/2025 07:57 GMT+7

Khi các thành phố lớn tại Việt Nam vừa khởi động chương trình chuyển đổi phương tiện, xanh hóa giao thông thì cũng là lúc các chính sách của nhà nước chạm thềm 'hết hạn'. Các chuyên gia cho rằng nếu không xây dựng một gói khuyến khích đồng bộ, dài hơi, công cuộc chuyển đổi giao thông xanh của Việt Nam sẽ khó thành hiện thực.

Chỉ còn vài ngày nữa, chính sách ưu đãi 0% lệ phí trước bạ đối với ô tô điện sẽ kết thúc (1.3) nhưng đến nay, các cơ quan vẫn chưa quyết định được có tiếp tục gia hạn, hay sẽ giảm ưu đãi đối với người mua xe điện.

Xanh hóa giao thông - Để doanh nghiệp 'gánh' thì khó bền- Ảnh 1.

Chi phí rẻ hơn nhiều so với xe xăng đang là một trong những lợi thế giúp xe điện nhanh chóng được người Việt tin chọn

ẢNH: T.N

Nhận thức thay đổi, nhưng chưa đủ mạnh

Kết thúc 2024, hãng xe điện duy nhất của Việt Nam - VinFast lập kỷ lục vượt qua tất cả thương hiệu xe xăng và điện quốc tế để trở thành hãng xe bán chạy nhất thị trường. Cột mốc đáng nhớ này của VinFast được ghi nhận chỉ sau hơn 2 năm kể từ khi chính thức chuyển hướng sang thuần điện. Đây là điều chưa hãng xe nào trên thế giới có thể làm được.

VinFast chiếm thị phần số 1 Việt Nam với doanh số bán VF 3 và VF 5 cao vượt trội, thậm chí bằng nhiều hãng bán… cả năm, cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng xe điện và ủng hộ xu hướng di chuyển xanh.

Đồng tình rằng người tiêu dùng Việt Nam đã phần nào thay đổi nhận thức, đang thấm dần sự thúc bách về việc phát triển xanh, chuyển đổi giao thông xanh, song, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, sự chuyển biến trong nhận thức chưa đủ lớn đến mức thúc đẩy ý thức mua xe điện mạnh như thời gian vừa rồi.

Theo ông, nhận thức đi liền với động lực kinh tế, đó là những cam kết ưu đãi của VinFast gây choáng cho nhiều người. Từ việc miễn phí tiền điện suốt 2 năm, tri ân gói bảo dưỡng, hỗ trợ lãi suất và rủi ro tiếp cận vốn vay, cho tới hỗ trợ tạo ra mạng lưới nạp điện tiện lợi, đơn giản tới mức tối thiểu những thủ tục trong quá trình đổi xe… VinFast đã ứng trước vốn, bỏ ra chi phí cực lớn nhằm khuyến khích sự thay đổi trong thị trường. Cùng với đó là những "chiêu" tiếp thị hiệu quả, đưa ra những chương trình ai mua trước, mua sớm được hưởng nhiều quyền lợi… VinFast đã đánh thẳng vào lợi ích kinh tế, tạo ra động cơ để mọi người muốn mua xe điện. VinFast làm thế để người dân hiểu, người dân chọn xe điện, người dân hưởng lợi ích, đóng góp cho một xã hội xanh.

Nghiên cứu của PGS-TS Nguyễn Hồng Thái (Trường ĐH GTVT) về các yếu tố ảnh hưởng đến ý định mua xe điện của người tiêu dùng cá nhân tại các đô thị Việt Nam cũng chỉ ra rằng, có 4 yếu tố chính tác động đến hành vi mua xe điện của người dân, trong đó đầu tiên là nhận thức lợi ích kinh tế khi sử dụng xe điện. Yếu tố này bao gồm việc đầu tư sử dụng xe điện tiết kiệm chi phí; sử dụng xe điện có chi phí vận hành thấp; chi phí, thủ tục đăng ký xe điện chi phí thấp và đơn giản. Tiếp theo sau mới là các yếu tố về sự thuận tiện, an toàn sử dụng và nhận thức sử dụng xe điện thân thiện với môi trường.

Đáng chú ý, nghiên cứu ứng dụng trên địa bàn TP.HCM cho thấy, có 23/27 biến quan sát được người dân đánh giá chưa cao, chỉ có 4/27 biến quan sát được đánh giá tương đối tốt. Điều đó có nghĩa rằng vẫn còn khá nhiều rào cản trong thu hút người dân đô thị mua phương tiện xe điện.

Do đó, PGS-TS Nguyễn Hồng Thái nhấn mạnh để thúc đẩy sự phát triển xe điện cá nhân ở TP.HCM nói riêng cũng như các đô thị Việt Nam nói chung, cần nghiên cứu xây dựng lộ trình phát triển xe điện có tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng. Ở đó cung cấp các chính sách ưu đãi tài chính cho việc sản xuất, sở hữu và sử dụng xe điện, cung cấp chính sách thúc đẩy sự phát triển hệ thống trạm sạc và hoán đổi pin. Đồng thời, xây dựng hệ thống quy chuẩn và tiêu chuẩn toàn diện liên quan đến xe điện, áp dụng quy chuẩn mức tiêu thụ nhiên liệu bắt buộc cho ô tô và xe máy.

"Việt Nam cần sớm có một chính sách và khuôn khổ pháp lý rõ ràng, đầy đủ, toàn diện phát triển phương tiện giao thông điện, mang lại sự ổn định trung và dài hạn cho việc hoạch định các khoản đầu tư đáng kể trong tương lai", PGS-TS Nguyễn Hồng Thái kiến nghị.

Xanh hóa giao thông - Để doanh nghiệp 'gánh' thì khó bền- Ảnh 2.

Na Uy là quốc gia đầu tiên trên thế giới có số lượng xe điện vượt qua xe xăng. Yếu tố lớn nhất giúp Na Uy thành công trong việc thúc đẩy xe điện đến từ ưu đãi của Chính phủ thông qua giảm thuế giá trị gia tăng và thuế đăng ký...

ẢNH: AFP

Cần sự góp sức của cả cộng đồng

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM nhìn nhận, để hỗ trợ việc chuyển đổi xanh, hầu hết các quốc gia đều dành nhiều nguồn lực để đầu tư toàn bộ cơ sở hạ tầng, như trạm sạc ở những nơi công cộng, bến bãi, nhà chờ, trạm dừng…; đồng thời có nhiều chính sách cho các đối tượng này.

Đơn cử, Thái Lan giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện từ 8% xuống còn 2%, thuế nhập khẩu từ 0 - 40%, mỗi xe sản xuất trong nước bán ra được trợ cấp 4.600 USD. Singapore và Malaysia tổ chức lắp đặt trạm sạc điện ở các nơi công cộng... Tại Na Uy, để có 70 - 80% phương tiện sử dụng năng lượng điện như hiện nay, nước này đã ban hành hàng loạt chính sách như hỗ trợ thuế, giảm phí đường bộ, miễn phí đậu xe, tổ chức làn chạy riêng cho xe buýt điện… Còn tại Trung Quốc, trong giai đoạn 2012 - 2022, mỗi người dân mua xe điện được chính phủ hỗ trợ một khoản tiền hoàn trả lên đến 8.300 USD; những người mua xe điện dưới 41.000 USD được trợ thuế 10% giá trị xe cho tới tận năm 2025 và sẽ tiếp tục giữ mức trợ thuế 5% vào 2 năm sau đó.

Ở Việt Nam, các chính sách từ nhà nước hiện còn ít và ngắn ngủi: chính sách miễn phí trước bạ cho xe điện chỉ kéo dài 3 năm (2022 - 2025); chính sách miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt từ 30% xuống 15% chỉ kéo dài đến tháng 8.2027. Ngành GTVT đã trình Thủ tướng chính sách tài trợ 1.000 USD khi đầu tư một xe ô tô điện, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận.

"Do vậy, ở phạm vi chính sách chung cho cả nước, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành những chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư xe điện như: tiền hỗ trợ nhà đầu tư, người mua xe tiên phong, lãi suất vay ưu đãi, thời gian trả góp dài theo chu kỳ đầu tư, ưu tiên khi xe lưu thông, đậu đỗ… Song song, mỗi bộ chuyên ngành liên quan cần sớm công bố các quy chuẩn của từng ngành như trạm sạc cấp quốc gia, cấp địa phương; quỹ đất dành cho xây dựng trạm sạc, bến bãi đậu đỗ xe; chi phí đơn giá, định mức cho từng nhóm xe lớn nhỏ... để có thể nhanh chóng xây dựng các trạm sạc trên khắp các địa phương cũng như các tuyến đường liên tỉnh, cao tốc...", ông Lê Trung Tính đề xuất.

PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, thành quả nào cũng phải có sự hy sinh và phải khẳng định VinFast đang đỡ cho gánh nặng cho nhà nước, cho xã hội. Hành động này cũng đúng theo mạch mà nhiều chương trình từ thiện, cộng đồng, mang tính xã hội của Vingroup đã làm từ trước đến nay luôn là những khoản chi rất "khủng" để đổi lại lợi ích lớn cho xã hội. Thế nhưng, một mình doanh nghiệp gánh thì không thể bền được.

Chuyển đổi xanh không thể chỉ là hành động đơn lẻ, đơn độc của từng doanh nghiệp mà cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp ở tất cả lĩnh vực, của mỗi người dân. Ở đó, người tiêu dùng cần hiểu rõ mục đích của doanh nghiệp để tự hào và ủng hộ, còn nhà nước nên tiếp cận hướng sử dụng xe điện như một chương trình quốc gia thông qua các chính sách cụ thể tạo đầu ra cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cần sự ủng hộ, phối hợp của chính quyền địa phương để thực hiện các chương trình chuyển đổi giao thông xanh hướng tới đô thị xanh.

Những chương trình như vậy sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp và mang đến sự lan tỏa giá trị xanh cho xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.