Để có không gian xanh dạy và học mướt mát tầm mắt của trường tôi là nhờ vào nhiều năm trước, các thầy cô đã đổ bao công sức, mồ hôi vào "công trình xanh" này. Khi đó, trường thiếu thốn đủ thứ. Sân trường ngập một màu cát trắng. Lúc nào cũng nóng hầm hập, dù có quạt trần cũ kỹ ể oải quay mỗi ngày nhưng toàn thể thầy trò đều chẳng thấy thoải mái.
Công suất quạt trần luôn được sử dụng tối đa nhưng vẫn không mát mẻ gì cả. Vì nóng quá nên học sinh thường sử dụng nước làm mát, rửa mặt rửa tay sau các tiết học nhất là các tiết học thể dục ngoài trời. Không ít em mở lượng nước rất lớn so với nhu cầu. Tiền điện nước tăng nhiều. Thiết bị hỏng hóc nhanh, sửa chữa quanh năm.
Thầy cô bắt tay vào thay đổi môi trường. Đất, rơm, được phủ khắp nơi. Cây xanh được trồng quanh sân, chăm sóc cẩn thận. Thảm cỏ phủ 1/3 diện tích sân trường. Sau vài năm, trường tôi bắt đầu cho bóng mát. Thầy trò đều vui. Tiết chào cờ ngoại khóa và một số tiết học như Mỹ thuật, nhạc, Ngữ văn..thầy trò ngồi dưới bóng râm của hàng cây. Các em hăng hái vì mát mẻ, thoải mái. Chất lượng học thay đổi. Hết tiết học, không còn cảnh học sinh rủ nhau chạy đến vòi mở nước rửa mặt xối xả nữa. Tổ chăm sóc cây kiểng được thành lập có cả thầy và trò. Hệ thống loa được bố trí lại, ít hơn nhưng nơi nào cũng nghe rõ, giảm tiêu hao điện.
Mỗi ngày đến lớp thực sự là những ngày vui
Nhà trường cho thiết kế lại la-phông để giảm nóng các phòng. Hệ thống điện được lắp đặt lại. Cầu dao điện các khu vực trong trường được chuyển về văn phòng để dễ kiểm soát, an toàn hơn. Các rơ-le tự động được trang bị ở mỗi tầng lầu, có ký hiệu cảnh báo nguy hiểm để học sinh biết.
Việc mở điện trước đây do học sinh ở lớp tắt mở tùy ý, nay do nhân viên văn phòng quản lý đóng mở có giờ giấc nhất định. Sáng mở muộn và chiều đóng sớm một giờ. Các em tiết kiệm điện vì gánh nặng tài chính của trường và vì sự chia sẻ với những nơi chưa được thụ hưởng nhu cầu về điện trong xã hội.
Tiết kiệm điện là sử dụng hợp lý đúng nhu cầu, vừa mức cần thiết không lãng phí, có kế hoạch, khoa học giảm chi phí, tự giác bảo vệ môi trường. Các em hiểu được do đóng cửa kính, dù mở tối đa các quạt trần , quạt treo tường, không khí khó lưu thông gây ngột ngạt. Nay, mở hết các cửa cho thoáng, gió trời tràn về, mát, không cần mở hết các quạt, giảm tốn hao điện. Các phòng học cho không khí trong lành.
Phía có ánh sáng chiếu vào được gắn các màn vải chắn nắng. Địa phương làm nghề trồng hoa kiểng nên trường phát động các lớp phủ xanh bằng các loài hoa kiểng vừa đẹp vừa góp phần chống nóng, lại làm trong sạch môi trường, chống khói bụi, nâng cao sức khỏe học sinh. Các lớp tùy chọn các loài hoa kiểng khác nhau nên không gian rất đẹp. Nhiều lần huyện tỉnh về kiểm tra, trường đều được công nhận đạt chuẩn xanh sạch đẹp
Cùng với không khí, ánh sáng cũng tràn ngập không gian phòng, học sinh không cần mở đèn vẫn ghi bài và quan sát tốt thao tác của thầy cô. Việc mở đèn quạt là do thói quen và ảnh hưởng từ các lớp bạn chứ chưa phải do thiếu sáng.
Nhà vệ sinh tận dụng ánh sáng trời, sáng, sạch sẽ. Hành vi lãng phí nước được khắc phục. Các em biết tự giác điều chỉnh và nhắc nhau thực hiện tốt tiết kiệm điện, nước. "Chiến dịch" sử dụng chai lọ nhựa, thu gom để tái chế cũng được phát động trong học sinh.
Thầy cô cũng nêu gương trồng hoa kiểng ở các phòng làm việc, ban ngày không mở đèn trần, cá nhân dùng đèn bàn. Phòng máy vi tính chỉ mở điều hòa khi học sinh đến và chỉnh không dưới 26 độ C. Phòng hiệu trưởng chỉ mở quạt khi có khách. Trường tôi xây dựng vườn hoa công sở, khu hoa kiểng chung nên không gian mát mắt, tâm thế dạy và học vui vẻ. Học sinh dùng xe đạp thay xe điện, an toàn, tiết kiệm .
Nắng nóng nhưng trường tôi luôn xanh mướt mát, giảm tiêu hao điện. Mỗi ngày đến lớp thực sự là những ngày vui của thầy cô và học sinh trường tôi trên mảnh đất yêu thương Sen hồng.
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 là nơi để độc giả chia sẻ các câu chuyện hay, sáng kiến mới, phương thức tiết kiệm điện hiệu quả, đã được chứng minh từ thực tế của các hộ gia đình, cơ quan công sở, doanh nghiệp... để mọi người cùng tham khảo, thực hiện.
Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, kéo dài đến hết ngày 10.7.2024.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: [email protected] hoặc đường bưu điện, gởi về tòa soạn Báo Thanh Niên (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen. Thể lệ chi tiết được đăng tải trên thanhnien.vn.
Bình luận (0)