Nhầm lẫn giữa xanh sinh thái và hạ tầng xanh
Ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đặt ra các tiêu chí về phát triển bền vững (ESG), kinh tế xanh đối với các khu công nghiệp. Vì thế, khi tìm địa chỉ mở nhà máy, ngoài yêu cầu về vị trí địa lý phù hợp, chất lượng nhà xưởng, nhà kho, hệ thống logistics, các nhà đầu tư FDI đều yêu cầu về tiêu chuẩn công trình xanh. Đó là lý do các khu công nghiệp đang có xu hướng chuyển đổi sang khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái.
Tuy nhiên, thực tế "điểm nhấn" mà hầu hết các khu công nghiệp hiện hữu đang nói đến là có bao nhiêu diện tích đất đã được xây dựng cảnh quan, cây xanh; đã có chứng nhận LEED hay chứng chỉ LOTUS - những chứng nhận cho công trình kiến trúc xanh. Nhưng nếu chỉ đạt chứng nhận LEED hay LOTUS, các chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả năng lượng, sử dụng tài nguyên, chất lượng môi trường và sức khỏe con người trong quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành các tòa nhà hoặc cơ sở hạ tầng thì không cần đến các khu công nghiệp, một tòa nhà văn phòng cũng có thể đạt được chứng nhận này. Hầu như rất hiếm khu công nghiệp nào đạt chuẩn xanh, sinh thái đúng nghĩa.
Lãnh đạo một số khu công nghiệp truyền thống cho rằng nhà nước đang khuyến khích chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái nhưng thực tế rất khó khăn để thực hiện. Thứ nhất, chi phí chuyển đổi mô hình khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái quá lớn. Thứ hai và cũng quan trọng nhất là chưa có quy chuẩn, tiêu chí cụ thể nào về khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái nên bản thân các doanh nghiệp khá lúng túng. Đó cũng là lý do khiến nhiều nơi chỉ thực hiện theo kiểu "chắp vá" như gia tăng diện tích trồng cây xanh… trong khi toàn bộ khu công nghiệp đó vẫn chưa áp dụng các giải pháp tiết kiệm tài nguyên, việc kiểm soát các chất thải hay chưa ứng dụng công nghệ trong quản lý vận hành, kinh tế tuần hoàn.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2022 khảo sát thực trạng các khu công nghiệp theo khung kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị với 19 nhóm chỉ tiêu chính tại 118 khu công nghiệp trên cả nước. Kết quả cho thấy có tới 50% khu công nghiệp chưa nghe đến khái niệm khu công nghiệp phát triển bền vững, 30% có nghe hiểu về khái niệm khu công nghiệp sinh thái, chỉ có 22% khu công nghiệp có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế, đáng lưu ý 77% khu công nghiệp không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp về các mặt tài chính, xã hội và môi trường… Cuộc khảo sát cũng phần nào chỉ ra một số "điểm nghẽn" trong các khía cạnh về nhận thức, xây dựng chính sách, quản trị của các khu công nghiệp liên quan đến việc phát triển bền vững.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng bản thân các doanh nghiệp phải hiểu rõ việc sản xuất xanh không chỉ là tăng mảng xanh trong nhà máy, không tạo ra rác thải, có hệ thống xử lý chất thải vì các quy định về khu công nghiệp từ lâu đã có các tiêu chí này. Trong khi đó, việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm khí thải, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, đảm bảo hạ tầng cho sản xuất lẫn quy trình sản xuất "xanh" mới là xu hướng cạnh tranh để thu hút dòng vốn FDI trên toàn cầu.
Điểm nghẽn về pháp lý
Với nhu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, các công ty FDI thì việc xây dựng khu công nghiệp xanh, sạch, sinh thái là xu thế tất yếu đang diễn ra trên toàn cầu và ngay tại Việt Nam. Thực tế, hầu như tất cả các khu công nghiệp xanh có tỷ lệ lấp đầy khoảng 80 - 90%, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn ở nhiều lĩnh vực...
Thế nhưng, vẫn còn nhiều điểm nghẽn trong hành trình phát triển khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái khi đây là mô hình hoàn toàn mới tại Việt Nam. Trong đó, thách thức lớn nhất là hệ thống pháp luật liên quan chưa đầy đủ, đồng bộ. Hiện tại, chỉ mới có Nghị định số 35/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, trong đó có đưa ra khái niệm và một số tiêu chí về khu công nghiệp sinh thái. Theo đó, các khu công nghiệp, doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên hỗ trợ về thông tin, khoa học công nghệ, tạo điều kiện xuất khẩu hàng hóa, quảng bá thương hiệu và tham gia chuỗi giá trị; ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng, tổ chức tài chính cũng như các ưu đãi đầu tư.
Trong khi đó, chưa có nhiều quy định chi tiết hay thiếu sự thống nhất giữa các quy định khác. Điển hình là các quy định về tái sử dụng nước, rác thải trong các khu công nghiệp, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Ví dụ, các khu công nghiệp có nền kinh tế tuần hoàn phải quy hoạch khu xử lý chất thải rắn nhưng điều này không được quy định trong luật Quy hoạch. Nếu chủ đầu tư muốn làm thì phải nộp đơn xin làm lại quy hoạch và quá trình này mất rất nhiều thời gian, công sức. Hay tiêu chuẩn hướng dẫn tái chế, tái sử dụng rác thải còn chưa rõ ràng, thống nhất, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thực hiện. Thậm chí, có trường hợp khu công nghiệp thu gom xử lý nước thải, sau đó sử dụng nước để tưới cho trang trại xung quanh (các trang trại là vùng đệm của khu công nghiệp) nhưng khi hỏi cơ quan quản lý để đưa vào sử dụng thì không có đơn vị nào trả lời được chấp thuận hay không.
Trong khi đó, chi phí thực hiện các giải pháp chuyển đổi hoặc xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái đòi hỏi giải pháp kỹ thuật tiên tiến, vốn đầu tư cực kỳ lớn trong khi thời gian hoàn vốn dài nhưng nguồn lực của doanh nghiệp còn hạn chế. Hơn nữa, việc thu hút các doanh nghiệp vào trong khu công nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến, cam kết phát triển bền vững có thể khó khăn. Điều này đòi hỏi các chủ đầu tư khu công nghiệp phải mất nhiều chi phí để giám sát, tuân thủ các thực hành xanh…
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, qua khảo sát khoảng 30 doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp, có 10 vấn đề khó khăn chính, trong đó khó khăn hàng đầu là thủ tục hành chính và pháp lý. Thủ tục hành chính vẫn còn chồng chéo và chưa rõ ràng. Trong khi Nghị định 35/2022 của Chính phủ đã là một sự cấp tiến, nhưng vẫn còn một số tiêu chí chưa rõ ràng. Do đó, rất cần hướng dẫn một cách chi tiết, đặc biệt là việc chuyển đổi sang khu công nghiệp dịch vụ.
Chẳng hạn, các bước chuyển đổi sẽ được thực hiện như thế nào; khi chuyển đổi những cơ chế, chính sách ưu đãi có còn nữa không? Đây là một vướng mắc lớn. Cùng với đó, gần đây nhiều doanh nghiệp có ý kiến liên quan đến định giá đất vì rõ ràng trong 2 - 3 năm vừa qua rất vướng mắc.
Nhìn chung, mặc dù các khu công nghiệp xanh mang lại những lợi ích đáng kể nhưng việc vượt qua những thách thức này đòi hỏi phải có sự hợp tác và cam kết lâu dài. Đặc biệt cần những chính sách rõ ràng, cụ thể hơn để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cũng như thúc đẩy các địa phương chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống thành khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái đúng chuẩn.
Xây dựng hệ thống pháp lý đồng bộ
Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi sang khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái không còn là lựa chọn mà là con đường phải đi và là cuộc chạy đua marathon đường dài.
Trong giai đoạn 2020 - 2024, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) đã hợp tác hỗ trợ chuyển đổi các khu công nghiệp hiện có sang khu công nghiệp sinh thái với 603 giải pháp sản xuất sạch hơn và hiệu quả tài nguyên. Kết quả, nhiều giải pháp đã được 88 doanh nghiệp triển khai, góp phần tiết kiệm 69,2 tỉ đồng/năm, cắt giảm được 8.910 tấn khí CO2/năm. Đây mới chỉ là một chương trình mang tính thí điểm.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng Việt Nam vẫn phải duy trì hài hòa việc phát triển kinh tế và đảm bảo môi trường mà chưa thể hoàn toàn tập trung phát triển kinh tế tuần hoàn. Do vậy đối với việc chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp xanh hay khuyến khích xây dựng khu công nghiệp sinh thái thì cần có các chính sách hợp lý, đồng bộ, phù hợp điều kiện của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Ví dụ, đầu tiên phải siết chặt khâu giám sát, đảm bảo các doanh nghiệp, khu công nghiệp tuân thủ đúng quy định sản xuất đảm bảo môi trường, theo tiêu chuẩn xanh. Đồng thời, phải có chính sách cụ thể, rõ ràng về các tiêu chuẩn của khu công nghiệp sinh thái, trong đó có hỗ trợ về tài chính, hay thậm chí giảm thuế phí cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư để thực hiện khu công nghiệp sinh thái, nhưng đây không phải là bắt buộc mà cần có lộ trình.
TS Hiển nhấn mạnh: Việc phát triển khu công nghiệp trở thành khu công nghiệp sinh thái không chỉ là bằng ý chí chủ quan và mong muốn của riêng chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, mà còn phải là sự hợp tác chung tay của tất cả doanh nghiệp, đồng thời cần sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ và cơ quan quản lý về thể chế chính sách. Muốn doanh nghiệp làm gì thì nhà nước phải ban hành chính sách, hệ thống pháp luật. Doanh nghiệp thấy chính sách đó có lợi thì họ làm, còn nếu chính sách rủi ro, không có lợi thì không ai làm. Việc thiếu các hướng dẫn chi tiết, chưa đồng bộ giữa các quy định liên quan về môi trường, năng lượng sạch hay thậm chí xây nhà ở xã hội trong khu công nghiệp… là những "điểm nghẽn" để phát triển khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái.
"Việt Nam đi rất sớm về chủ trương kinh tế xanh, rất nhiều chương trình hành động nhưng lại thiếu chính sách cụ thể, rõ ràng. Nếu không sớm có các quy định đồng bộ sẽ khiến các địa phương có thể bị hụt hơi trong thu hút vốn đầu tư và Việt Nam có thể mất đi các dự án lớn vào các ngành quan trọng để phát triển đất nước", TS Hiển khuyến cáo.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng để hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn hay xây dựng các khu công nghiệp sinh thái thật sự thì phải có sự rà soát tổng thể các vướng mắc, những quy định chưa thống nhất đang nằm trong nhiều luật, nghị định. Từ đó mới có thể đưa ra các sửa đổi phù hợp. Nhưng làm vậy sẽ quá khó và mất nhiều thời gian. Nhanh nhất và khả thi là xây dựng cơ chế thử nghiệm (Sandbox), cho phép thực hiện thí điểm về việc phát triển khu công nghiệp sinh thái với những chính sách khác biệt, chưa có quy định. Việc thử nghiệm Sandbox trong thời gian 2 - 3 năm và từ đó sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm thực tiễn để dần dần hoàn thiện khung pháp lý đưa vào áp dụng đại trà.
"Nhiều chủ đầu tư các khu công nghiệp lớn sẵn sàng chấp nhận cơ chế thí điểm, sẵn sàng đầu tư để chuyển sang khu công nghiệp sinh thái trong xu hướng phát triển mới. Cần có hướng dẫn, cụ thể hóa các tiêu chuẩn, yêu cầu và lộ trình thực hiện cũng như có chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế hay cơ chế ưu tiên tài chính cho quá trình này", TS Nguyễn Quốc Việt chia sẻ thêm.
Phát triển khung pháp lý thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh
Chuyển đổi xanh hướng đến nền kinh tế xanh, bền vững đòi hỏi các quốc gia có một cách tiếp cận với tầm nhìn toàn diện và cam kết thực hiện những mục tiêu cụ thể. Việt Nam cũng đã có những chuyển động tích cực khi kinh tế xanh gia tăng nhanh trong tỷ trọng nền kinh tế quốc gia, hướng tới sự phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, nhìn chung Việt Nam vẫn còn thiếu những khung pháp lý quy định về phát triển kinh tế xanh cho từng ngành, từng lĩnh vực cũng như những quy định về việc huy động nguồn vốn hỗ trợ tài chính cho sự phát triển kinh tế xanh.
Việt Nam nên kiên trì phát triển các khung pháp lý, gia tăng nguồn lực xã hội trong triển khai hành động thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh; tận dụng kinh nghiệm, kiến thức quốc tế trong phát triển kinh tế xanh để không bị chệch hướng, không phí nguồn lực xã hội. EuroCham mong muốn và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong những nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi xanh cho nền kinh tế, nhất là trong các lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, giao thông xanh, tài chính xanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh phát triển bền vững.
Ông Jean Jacques Bouflet
(Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại châu Âu tại Việt Nam - EuroCham)
Sẽ có 50% địa phương chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái
Báo cáo tổng kết 30 năm phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế của Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã được Chính phủ đồng ý cho thấy, đến năm 2030 sẽ có từ 40 - 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8 - 10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Việc quan tâm xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái được thực hiện đồng thời với việc chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái.
Đưa cơ chế khuyến khích phát triển khu công nghiệp sinh thái vào luật
Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang xây dựng luật Khu công nghiệp và khu kinh tế. Luật đề xuất 6 nhóm chính sách hỗ trợ, đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đáp ứng được xu thế vận động mới trên thế giới như kinh tế xanh, tuần hoàn, năng lượng xanh… Bên cạnh đó, luật dự kiến cũng bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Bình luận (0)