Gần 80 tỉ đồng... để không
Công trình âu thuyền Tắc Thủ được xây dựng tại ngã ba sông Ông Đốc - Cái Tàu - sông Trẹm, thuộc xã Hồ Thị Kỷ (H.Thới Bình) và xã Khánh An (H.U Minh, Cà Mau) với tổng vốn đầu tư gần 80 tỉ đồng bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới. Công trình thi công bằng bê tông cốt thép, có hình chữ U với chiều dài 206m, chiều rộng âu thuyền là 14m. Đây là công trình thủy lợi có quy mô lớn trong chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau, có nhiệm vụ ngăn mặn xâm nhập, bảo vệ cho hơn 200.000 ha đất thuộc vùng ngọt hóa.
Ngày khởi công dự án người dân trong vùng háo hức kéo đi dự, với niềm tin công trình hiện đại này sẽ giúp đời sống của họ thay đổi nhờ ngăn mặn, giữ ngọt triệt để. Ông Bùi Minh Dũng, Trưởng ấp Xóm Sở (xã Hồ Thị Kỷ, H.Thới Bình), nói: “Tôi thật sự thất vọng, bởi từ khi hoàn thành đến nay đã hơn 3 năm nhưng nó chẳng có tác dụng gì, ngoài chuyện gây cản trở giao thông đường thủy của cả khu vực”.
Sự thất vọng của ông Dũng cũng là thất vọng chung của người dân 3 huyện U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời. Bởi từ khi hoàn thành đến nay, âu thuyền chưa một lần đóng hay mở cửa, ngoại trừ lần... nghiệm thu công trình. Ông Hồ Ngọc Lợi, một cán bộ về hưu ở H.Thới Bình, nói rằng do xót số tiền khổng lồ mà Nhà nước bỏ ra đầu tư không mang lại hiệu quả nên trong một thời gian dài, âu thuyền trở thành “câu chuyện mẫu” của người địa phương mỗi khi tán gẫu về đề tài lãng phí. “Theo dự án, âu thuyền có nhiệm vụ ngăn mặn xâm nhập từ phía tây theo đường sông Ông Đốc, giữ ngọt trong mùa khô, tiêu úng vào mùa mưa kết hợp xả phèn đầu mùa mưa vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp và vùng U Minh. Nhưng sự thật nó không làm được nhiệm vụ đó. Thế là đi toi gần 80 tỉ bạc. Là một đảng viên, tôi rất xót xa. Những lần đại biểu QH, HĐND về tiếp xúc cử tri, bà con ở đây phản ánh về sự lãng phí của âu thuyền, nhưng lần nào cũng chỉ nhận được lời hứa sẽ phản ảnh lại và trả lời”, ông Lợi nói.
Một góc âu thuyền với mớ sắt gỉ sét nằm chắn ngã ba sông |
Còn ông Hồ Văn Thạnh, một cán bộ về hưu nhà cạnh âu thuyền nói với tâm trạng đầy trắc ẩn: “Dòng sông Ông Đốc nối liền sông Cái Tàu về U Minh ra biển Tây; theo dòng sông Trẹm về Kiên Giang, từ lâu đã trở thành tuyến vận tải quan trọng, đồng thời có tác dụng tiêu úng, xổ phèn vào mùa mưa chứ không cần đến âu thuyền Tắc Thủ. Còn muốn ngăn mặn khu vực vào mùa khô, tiêu úng mùa mưa như mục tiêu của âu thuyền Tắc Thủ thì cần phải có hệ thống ngăn mặn sông Biện Nhị, chứ một âu thuyền Tắc Thủ không làm gì được. Nên chuyện lấp sông cũ, ngăn dòng làm âu thuyền như đã qua là điều hoang phí”.
Lẽ ra, theo dự án, sau khi xây dựng âu thuyền Tắc Thủ thì hệ thống các cống đập trên kinh Biện Nhị (H.U Minh), Xẻo Rô trên sông Cái Lớn (Kiên Giang) cũng được đồng loạt xây dựng để phát huy tác dụng của âu thuyền. Nhưng từ đó đến nay các cống đập trên vẫn không nghe ai nhắc đến và nước mặn vẫn “hồn nhiên” chảy vào vùng ngọt hóa. Mà cho dù cống Biện Nhị hay Xẻo Rô có xây dựng hoàn thành, thì phía huyện An Minh của Kiên Giang là vùng quy hoạch nuôi tôm sú, nước mặn cũng sẽ theo kênh xáng Chắc Băng đổ vào vùng ngọt hóa của Cà Mau...
Cản trở giao thông
Chúng tôi tìm đến âu thuyền Tắc Thủ. Cỏ mọc um tùm, trùm lên cả khoảng sân của Trạm quản lý và điều tiết giao thông âu thuyền. Bước vào cổng trạm, chó sủa inh ỏi giống như chuyện thường gặp khi bước vào những ngôi nhà vắng chủ ở vùng nông thôn. Thả bộ ra cặp mé âu, chúng tôi giật mình khi nghe dưới chân mình... rung chuyển. Thì ra do lòng âu quá hẹp, những chiếc tàu không tải khi vào âu bị gió đưa va vào thành âu khiến nó rung rinh. Chỉ vào những mảng bê tông bị vỡ trên thành âu, một cán bộ trạm nói đó là “thương tích” do tàu thuyền va vào.
Hai bộ cửa bằng thép không gỉ vận hành nhờ hệ thống bơm thủy lực, được lắp ở 2 đầu âu thuyền móp méo, hoen gỉ phơi mình dưới nắng mưa và nước sông. Theo lời cán bộ Trạm quản lý và điều tiết giao thông âu thuyền Tắc Thủ (xin được giấu tên) thì: “Do mấy bộ cửa âu hư hỏng ống dầu, trôi ra lòng âu gây cản trở giao thông nên chúng tôi xin ý kiến và hàn dây xích giữ cố định cửa. Bởi nếu không, nó trôi ra lúc nào không hay, hậu quả khó lường”.
Do không hoạt động nên các hệ thống cửa vận hành của âu thuyền đã hư hỏng hoàn toàn. Vị cán bộ này cũng cho biết thêm: “Từ ngày công trình âu hoàn thành đến nay, nó chưa một lần hoạt động, mà chỉ làm căng thẳng thêm tình hình giao thông. Có hôm anh em chúng tôi phải thức trắng đêm điều tiết giao thông. Bởi âu thuyền là đường giao thông một chiều, lơ là một tí là gây tai nạn giao thông ngay”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Thành Đồng, Giám đốc Đoạn quản lý số 14, đơn vị được giao quản lý điều tiết giao thông tại âu thuyền Tắc Thủ, bức xúc: “Chúng tôi chỉ nhận nhiệm vụ điều tiết giao thông một chiều vậy thôi. Sự mất an toàn giao thông của âu, Đoạn đã nhiều lần lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đúng là từ khi xây âu thuyền đến nay chưa thấy tác dụng gì, chỉ thấy nó xuống cấp, hoang tàn, không đạt mục đích nào hết. Mà nếu hoạt động trong khi các cửa khác chưa khép kín thì cũng như không. Giờ chỉ biết hằng năm chúng tôi phải bỏ ra hàng tỉ đồng để trả lương cho nhân viên phục vụ công tác điều tiết của âu”.
Những cán bộ hưu trí và người dân sống gần âu thuyền đều cho rằng: “Không nói ra, nhưng ai cũng thấy cái lãng phí của âu thuyền Tắc Thủ rồi, nên giờ cần xem xét lại là âu thuyền này có nên tồn tại nữa hay không. Nếu đã quyết giữ lại thì phải phát huy hiệu quả, chứ không thể để tiếp tục lãng phí. Bởi hằng tháng, ngân sách nhà nước phải chi cho việc trả lương cho nhân viên điều tiết giao thông, tiền điện thắp sáng (vài chục bóng đèn cao áp) cho cả âu thuyền để đảm bảo an toàn giao thông... là một khoản không nhỏ”. Thế nhưng, khi được hỏi trách nhiệm về công trình gây lãng phí này thuộc về ai thì các nhà chức trách tỉnh Cà Mau nói đây là dự án của Trung ương nằm trên địa bàn nên tỉnh không nắm được (?!)...
Gia Bách
Bình luận (0)