Điều đáng chú ý là tầm nhìn của cả 2 bên đưa bóng đá Việt Nam hướng tới có mặt tại World Cup 2026 với 48 đội tham dự. Mục tiêu là vậy nhưng vấn đề của bóng đá Việt Nam tồn tại bao lâu nay chính là sự mâu thuẫn giữa nói và làm.
Khi đến với bóng đá Việt Nam, ông Park đã giúp chúng ta định vị lại chỗ đứng trong làng cầu khu vực và châu Á. Nhìn vào thành tích của các đội U.23, Olympic và tuyển quốc gia Việt Nam, ắt hẳn bạn bè quốc tế dễ bị ngộ nhận chúng ta đã có sự phát triển toàn diện, vượt bậc. Thực tế đánh giá đó chỉ đúng một phần.
Thật sự bóng đá trẻ Việt Nam đã có nhiều tiến bộ nhờ một số nơi chú trọng hơn đến công tác đào tạo. Hoàng Anh Gia Lai là nơi tiên phong kiên trì đầu tư, nuôi dưỡng các lớp cầu thủ trẻ. CLB Hà Nội, PVF, Viettel nhờ nguồn tài chính vững mạnh nên cũng có chiến lược bài bản hơn cho những lớp kế cận. Sông Lam Nghệ An, Đồng Tháp... nghèo về tiền nhưng cố gắng nuôi dưỡng, duy trì các tuyến trẻ vì tính truyền thống và đòi hỏi của đông đảo người hâm mộ. Nhưng cũng chỉ có vậy!
Trước đây chúng ta từng xây dựng chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, nhưng nhìn toàn cục đến nay chẳng đạt được là bao so với mục tiêu đề ra. Một số người am hiểu bóng đá Việt Nam từng thốt lên rằng, chúng ta nói nhiều hơn làm. Mục tiêu chiến lược vạch ra rất hoành tráng nhưng mọi thứ gần như bất động cho đến khi thầy Park xuất hiện và bắt tay “nhóm lửa”. Vui với những thành quả vừa qua nhưng bản thân ông Park không hề tự mãn bởi ông đã thấy những vấn đề nội tại của bóng đá Việt Nam. Vì vậy, để đạt được mục tiêu chiến lược sắp tới, chỉ quyết tâm của riêng ông thầy người Hàn là chưa đủ.
VFF, VPF phải hành động thật sự nghiêm túc để cải thiện các giải quốc nội như V-League, hạng nhất. Thay vì khuyến khích các CLB phải làm được những gì tốt nhất thì cần yêu cầu họ phải đạt được những tiêu chuẩn bắt buộc về điều kiện sân bãi, tài chính, xây dựng các tuyến kế cận U.15, U.17, U.19... Thậm chí những nhà điều hành mạnh tay loại bỏ các đội không đúng chuẩn chất, đừng hài lòng với tình trạng “đông mà không tinh”. Nhân sự tổ chức điều hành, quản lý bóng đá phải được hoàn thiện. Nhà quản lý, HLV, trọng tài... cần phải hướng đến đạt chuẩn nghề về ngoại ngữ, năng lực quản trị...
Bóng đá học đường cần được chú trọng vì diện tuyển chọn tài năng ở lĩnh vực này khá rộng. Đó là cơ hội để chúng ta phát hiện nhân tài. Hệ thống đào tạo trẻ ở các trung tâm, CLB cần được tạo điều kiện về chính sách để nhân rộng các mô hình khá thành công.
HLV Park Hang-seo luôn mẫn cán với công việc, nghiêm túc với trách nhiệm của mình nhưng ông chỉ là nỗ lực riêng lẻ. Chúng ta cần phải vận hành và kích hoạt mạnh mẽ ở bộ máy quản lý. Không giải quyết được hàng loạt vấn đề đó thì đừng mong bóng đá Việt Nam chinh phục được đỉnh cao mới.
Xây chắc được bệ phóng mới là căn cơ cho tương lai bóng đá Việt, chứ đừng tự mãn với thành quả vừa qua mà ỷ lại vào ông Park.
Bình luận (0)