Xây công trình ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ kết hợp mở rộng cầu Hòa Xuân

08/12/2020 09:41 GMT+7

Qua quá trình khảo sát, nghiên cứu cùng các chuyên gia, Dawaco đưa ra giải pháp xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ kết hợp mở rộng cầu Hòa Xuân ở hạ lưu cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ 4.500m.

Công ty CP cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, phương án này sẽ không phải đầu tư tuyến ống chuyển dẫn nước thô từ công trình ngăn mặn về Nhà máy nước Cầu Đỏ.
Các hạng mục đầu tư chính bao gồm: xây dựng công trình ngăn mặn kết hợp cầu giao thông rộng 12,75 m với 7 nhịp, mối nhịp dài 42 m (tổng chiều dài: 7 x 42m = 294 m), tải trọng HL 93; làm âu thuyền bên bờ phải để đảm bảo giao thông đường thủy.
Tại vị trí này, lòng sông rộng khoảng 200m, cao độ đáy sông sâu nhất khoảng -7 m; chiều cao cửa van điều tiết mức nước là 8,0 m. Chi phí đầu tư xây dựng dự kiến khoảng 410 tỉ đồng.
Phối cảnh công trình mở rộng cầu Hòa Xuân kết hợp đập ngăn mặn

Phối cảnh công trình mở rộng cầu Hòa Xuân kết hợp đập ngăn mặn

Sự kết hợp này đảm bảo nguồn cấp nước thô ổn định cho Đà Nẵng, đồng thời tiết kiệm chi phí đầu tư chung của nhà nước. Trên cơ sở tính tổng chi phí đầu tư và chi phí vận hành bảo dưỡng theo vòng đời dự án 20 năm, chi phí tăng thêm cho 1m3 nước khoảng 213 đồng/m3. Việc vận hành bảo dưỡng thuận lợi, chi phí ước tính hàng năm dưới 10 tỉ đồng, mang lại hiệu quả đầu tư cao.
TS Đỗ Ngọc Ánh, Phó viện trưởng Viện Thủy điện và năng lượng tái tạo thuộc Viện Khoa học thủy lợi (Bộ NN-PTNT), đánh giá: “Phương án trên vẫn đảm bảo phù hợp quy hoạch, kết hợp tốt giao thông. Về thủy lực, nằm ở đoạn sông thẳng, mở rộng dần, chế độ thủy lực ổn định, dòng chảy thuận lợi. Về địa hình, bề rộng lòng sông khoảng 300 m, lòng sông chỗ sâu nhất -7m sẽ ngăn triệt để mặn xâm nhập, khu vực được bảo vệ lớn do gần cửa biển hơn; đập ngăn mặn vẫn tạo dòng chảy thuận lợi, không ảnh hưởng giao thông thủy do đoạn sông Cẩm Lệ tại Cầu Đỏ có lưu lượng tàu, thuyền qua lại thấp”.

Vận hành linh hoạt

Theo ông Hồ Minh Nam, Phó tổng giám đốc Dawaco, công trình ngăn mặn có chức năng điều tiết, chống xâm nhập mặn, nâng cao đầu nước tự chảy khi tăng công suất nhà máy nước.
Đồng thời, giúp ổn định nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của H.Hòa Vang, nhất là các xã dọc sông Cầu Đỏ - Cẩm Lệ về hướng thượng lưu.
“Các cánh cửa điều tiết công trình ngăn mặn có thể mở hoàn toàn khi nguồn nước tại cửa thu Cầu Đỏ đảm bảo chất lượng và đủ mực nước khai thác. Vào thời điểm mặn xâm nhập vào sông, sẽ vận hành khép dần các cửa van điều tiết đảm bảo độ mặn tại cửa thu nước luôn đạt yêu cầu hoặc đóng hẳn các cửa van điều tiết để ngăn mặn hoàn toàn. Dòng chảy dư thừa sẽ được xả xuống hạ du qua khoang tràn tự do. Trong mùa mưa, các cửa van điều tiết sẽ luôn ở chế độ mở trong suốt quá trình vận hành, đảm bảo dòng chảy thông suốt, không làm mực nước dâng cao lũ”, ông Hồ Minh Nam nói.
Đập ngăn mặn Thảo Long (Thừa Thiên - Huế)

Đập ngăn mặn Thảo Long (Thừa Thiên - Huế)

Công trình ngăn mặn đã được áp dụng ở nhiều địa phương như cống Sông Dinh (Ninh Thuận), cống Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TP.HCM), cống Bào Chấu (Cà Mau), Thạch Nham (Quảng Ngãi), Vân Phong (Bình Định), Thảo Long (sông Hương).
Riêng với đập ngăn mặn Thảo Long, theo các chuyên gia Viện Khoa học thủy lợi VN, đây là công trình ngăn mặn giữ ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Công trình này đã vận hành được 12 năm, có chiều rộng thông nước 472,5m, ngăn thoát nước gồm 15 khoang mỗi khoang rộng 31,5m, hiện đang phát huy tác dụng trong việc khai thác nguồn nước đa mục tiêu cho tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Sông Cẩm Lệ thuộc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, một trong những con sông có trữ lượng khai thác lớn, lưu lượng ứng với tần suất cấp nước Qp=18,73 m3/s, tiềm năng khai thác sản xuất nước sạch với công suất gần 1,4 triệu m3/ngày, cũng là nguồn cấp nước chính của TP.Đà Nẵng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.