Xây dựng bảo tàng giáo dục khoa cử trong di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn

12/05/2020 06:13 GMT+7

Chiều 11.5, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, chủ trì phiên họp bàn về phương án sử dụng di tích Quốc Tử Giám (cạnh Hoàng thành Huế) sau khi di dời các hiện vật lịch sử ra khỏi di tích này.

Cụ thể, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế được giao tiếp nhận di tích Quốc Tử Giám từ Bảo tàng Lịch sử tỉnh để thực hiện công tác bảo tồn, tu bổ, xây dựng thành bảo tàng giáo dục khoa cử. Sở GD-ĐT phối hợp Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, Sở VH-TT, Phân viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế có kế hoạch xây dựng “lễ đường giáo dục” tại di tích Quốc Tử Giám thành nơi trang nghiêm để tổ chức các hoạt động khai giảng, trao học bổng, phát bằng… Ngoài ra, nơi đây cũng sẽ được kết hợp nhiều hoạt động trưng bày, quảng diễn phù hợp, đặc biệt là những chuyên đề độc đáo gắn liền với văn hóa cung đình như ẩm thực, thời trang; tổ chức nhiều hoạt động phụ trợ, biến không gian di tích thành một phức hợp bảo tàng - dịch vụ...
Quốc Tử Giám ở Huế được hoàng đế Gia Long thành lập năm 1803, học phủ tối cao của triều Nguyễn, là cơ quan quản lý giáo dục, trường “đại học” duy nhất thời phong kiến quy tụ nhân tài, nho sinh cả nước đến học tập, trau dồi tri thức… Sau gần nửa thế kỷ được trưng dụng làm nơi trưng bày hiện vật của Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế, các hiện vật ngoài trời như máy bay, xe tăng, pháo… được di dời đến nơi trưng bày mới ở đường Điện Biên Phủ (Thanh Niên đã thông tin). Việc di dời các hiện vật, nơi làm việc của bảo tàng, giải tỏa khu nhà tập thể trên đất di tích Quốc Tử Giám… đã trả lại không gian và phục vụ công tác bảo tồn, tu bổ, chỉnh trang di tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.