Xây dựng Cảnh sát biển đủ mạnh

09/06/2018 06:39 GMT+7

Thảo luận tại hội trường ngày 8.6 về luật Cảnh sát biển, các đại biểu Quốc hội đã tranh luận về việc có nên quy định đây là lực lượng vũ trang hay không.

Nhấn mạnh Biển Đông có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, và đang là một trong những vùng biển có nhiều tranh chấp phức tạp nhất thế giới, đại biểu (ĐB) Phạm Đình Cúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) đồng ý với việc phải xây dựng lực lượng Cảnh sát biển (CSB) đủ mạnh.
Vì thế, ĐB Cúc cho rằng nên nghiên cứu kỹ lại khoản 1 điều 4 của dự thảo quy định “CSB VN đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động”. Quy định như vậy sẽ dẫn đến ngộ nhận CSB là một lực lượng nằm ngoài Bộ Quốc phòng, có tổ chức tương đương với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, mà thực chất CSB chỉ là một lực lượng nhỏ trong lực lượng vũ trang.
Tranh luận với ĐB Cúc, ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) dẫn luật Quốc phòng vừa được QH thông qua trong cùng buổi sáng 8.6, quy định Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVT ND) gồm 3 bộ phận cấu thành: quân đội nhân dân, công an nhân dân và lực lượng dân quân tự vệ, tức không có lực lượng CSB.
ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TP.HCM) cho rằng, về cả thực tiễn và pháp lý đều cho thấy lực lượng CSB là LLVT. “Hiện nay, lực lượng CSB của Trung Quốc đã được Quân ủy T.Ư nước này đưa về Ủy ban Quân sự, không còn để ở Cục Hải dương nữa. Lực lượng CSB của Nhật cũng đã đưa tổ chức vào phòng vệ Nhật Bản. Như vậy, chúng ta phải hiểu làm điều này không ngại gì với quốc tế”, ĐB Hoàng thông tin.
Dù sau đó người điều hành là Phó chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đã đề nghị các ĐB không cần tranh luận quá nhiều về nội dung này, vì CSB tương tự như biên phòng trên đất liền, liên quan đến phòng thủ đất nước, nhưng các ĐB vẫn tiếp tục tranh luận quanh vấn đề này.
Sau khi có liên tiếp 2, 3 ý kiến tranh luận khác, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên), Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, khẳng định nếu gọi CSB là LLVT sẽ mâu thuẫn ngay với điều 23 của luật Quốc phòng, nên đề nghị quy định theo hướng CSB là một bộ phận cấu thành của QĐND VN, cơ cấu thuộc Bộ Quốc phòng để khỏi bàn cãi phải là LLVT hay không.
Lý giải với các ĐB về quy định còn khó nắm bắt trong luật liên quan đến vị trí của lực lượng CSB, đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết: “Quy định như trên tránh hiểu CSB là lực lượng quân sự, dẫn đến bất lợi trong ứng xử giữa lực lượng chấp pháp của các quốc gia khác với CSB trên khu vực Biển Đông, không để các thế lực thù địch lợi dụng, khiêu khích, tạo xung đột vũ trang, góp phần giữ gìn vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển bền vững”.
Cân nhắc nâng kịch trần thuế BVMT với xăng vào cuối năm 2018
Với 426/426 ĐB tán thành, Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 đã được QH thông qua vào chiều 8.6. Theo đó, QH bổ sung 5 dự án luật, 1 nghị quyết vào chương trình 2018 là nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH về Biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Với chương trình này, thuế BVMT với xăng dầu dự kiến sẽ được tăng kịch trần, lên mức 4.000 đồng/lít vào cuối năm nay. QH cũng quyết định điều chỉnh thời gian trình 2 dự án luật, gồm luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thi hành án hình sự sang cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 6 và luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế BVMT lùi từ cho ý kiến tại kỳ họp này sang kỳ họp thứ 8 vào cuối năm 2019.
Như vậy, theo đúng quy trình, ít nhất kỳ họp thứ 9 diễn ra vào đầu năm 2020, dự án luật mới được thông qua, đồng nghĩa với trần thuế BVMT với xăng sẽ giữ ổn định ở mức 4.000 đồng/lít thay vì mức 8.000 đồng/lít mà Bộ Tài chính đề xuất. Ba dự án: luật Dân số; luật Quản lý phát triển đô thị; luật Công an xã đã được đưa khỏi chương trình 2018.
Với 88,3% ĐB tán thành, sáng 8.6, QH chính thức thông qua luật Quốc phòng (sửa đổi). Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019. Trước khi biểu quyết toàn bộ dự án luật, QH đã bỏ phiếu thông qua điều 15 quy định về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng. Với lý giải Bộ Quốc phòng đang thực hiện việc tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp (DN) theo quyết định của Thủ tướng, đưa số lượng DN từ 88 xuống 17; sẽ không còn DN quốc phòng hoạt động kinh tế đơn thuần và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bình đẳng như các DN khác; các ĐB QH đã thống nhất thông qua điều này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.