Xây dựng chính quyền gần dân, trọng dân và vì dân

17/07/2018 08:34 GMT+7

Đây là một trong những nhiệm vụ được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 120 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, diễn ra sáng 16.7 tại Hà Nội.

Còn hiện tượng trù dập, ức hiếp quần chúng
Lâu nay, nhiều nơi cứ nói là thực hiện dân chủ, nhưng thực chất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở đó vẫn mượn danh tập thể để hợp thức hóa những quyết định, ý chí chủ quan của cá nhân mình. Một số người có chức, có quyền còn quan cách, gia trưởng, thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Phát biểu tại hội nghị, đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) cơ sở, góp phần phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, đất nước, song nhiều đại biểu cũng chỉ ra khá nhiều mặt còn tồn tại, yếu kém trong công tác này.
Dẫn câu chuyện vụ Formosa năm 2016 và sự kiện tại một số tỉnh trong các ngày 10 - 12.6 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN Trần Thanh Mẫn thẳng thắn nhìn nhận việc lắng nghe, nắm bắt tình hình nhân dân, giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở còn chưa sâu sát, có nơi có phần bị động, lúng túng.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khi tổng kết công tác dân vận chính quyền, thực hiện QCDC cơ sở trong hệ thống hành chính cũng thừa nhận bên cạnh những tiến bộ vẫn còn không ít bất cập, đòi hỏi hệ thống hành chính phải nỗ lực cao hơn. “Ngay trong thời gian gần đây, không ít vụ việc gây bức xúc trong dư luận, gây tổn thất lớn về kinh tế, khó khắc phục trong thời gian ngắn cũng xuất phát từ nguyên nhân không thực hiện tốt QCDC cơ sở, không thực hiện đúng phương châm dân biết, dân bàn, dân làm dân kiểm tra”, ông Đam nhấn mạnh.
Đồng tình với tham luận của các đại biểu, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định việc phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương, giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi còn hạn chế. “Lâu nay, nhiều nơi cứ nói là thực hiện dân chủ, nhưng thực chất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở đó vẫn mượn danh tập thể để hợp thức hóa những quyết định, ý chí chủ quan của cá nhân mình. Một số người có chức, có quyền còn quan cách, gia trưởng, thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng”, Tổng bí thư chỉ rõ.
Tổng bí thư cũng cho rằng, việc thực hiện QCDC trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước, khu vực dân doanh còn nhiều khó khăn; có lúc, có nơi còn có tình trạng vi phạm dân chủ, gây bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp nhưng giải quyết chưa triệt để, nhất là trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, đền bù, tái định cư khi thu hồi đất. Bên cạnh đó, theo Tổng bí thư, vẫn còn tình trạng một bộ phận người dân lợi dụng dân chủ để yêu cầu, đòi hỏi không chính đáng, không đúng pháp luật, coi thường kỷ cương, phép nước, thậm chí bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo tham gia biểu tình, gây rối, tụ tập đông người, làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật.
Lo cho dân là phải làm sao để dân biết lo cho mình
Chia sẻ kinh nghiệm địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan nhấn mạnh cần phát huy dân chủ, tạo động lực để người dân tự quyết, tự chịu trách nhiệm. Theo ông Hoan, chúng ta phải lo cho dân, nhưng lo làm sao để người dân tự biết lo cho mình. Cái đó quan trọng hơn là đi xin đồng này rồi cho dân đồng kia.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, xây dựng QCDC cơ sở phải đặt trong tổng thể việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, từ cấp T.Ư trở xuống chứ không chỉ cơ sở. “Cơ sở ở đây không chỉ là địa phương, nông thôn, xã, phường mà là cơ sở nằm ngay trong các cơ quan, tổ chức T.Ư. Từng cơ quan chúng ta đều có tổ chức cơ sở cả chứ không phải chúng ta đi ban phát dân chủ cho bên dưới. Chính từng cơ quan ở T.Ư phải làm tốt công tác dân chủ cơ sở”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Tổng bí thư yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm chính sách, pháp luật được thực thi có hiệu quả. “Cần nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính quyền thật sự thân thiện, gần dân, trọng dân và vì dân”, Tổng bí thư chỉ đạo.
Cũng theo Tổng bí thư, một trong những yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả của việc xây dựng và thực hiện QCDC, đó chính là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu những vị trí này phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, công khai, minh bạch trong điều hành của chính quyền, đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các hành vi xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.