'Xây dựng chính sách thu dựa nhiều vào huy động từ quảng đại quần chúng là khó'

23/05/2018 09:58 GMT+7

“Thuế môi trường với xăng dầu và thuế tài sản đều rất nhạy cảm, nên chọn những cách thức để tăng thuế, thu ngân sách, nhưng phải giữ được sức dân”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) nêu quan điểm.

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch năm 2018, nêu quan điểm về một số chính sách thuế gây tranh cãi gần đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Vân Chi (Nghệ An), người từng giữ chức Vụ trưởng Vụ chính sách của Tổng cục Thuế, cho rằng: “Phản ứng của dư luận xã hội phần nào thể hiện một cách thực chất khả năng chịu đựng của khu vực dân cư với những khoản thuế mà nếu chúng ta đánh sẽ tác động đến đại trà người dân; cho thấy các phương án chưa thực sự khả thi”.
Đại biểu Nguyễn Vân Chi cho rằng: “Qua đây cho thấy, nếu chúng ta xây dựng chính sách thu dựa nhiều vào huy động hơn nữa từ khu vực quảng đại quần chúng là khó. Hướng sửa đổi chính sách không nên tăng huy động từ đối tượng như vậy, mà nên tập trung nhiều hơn vào giải quyết những vấn đề chưa phù hợp với chuẩn mực, làm giảm thu ngân sách”.
Đại biểu Nguyễn Vân Chi đơn cử, thuế giá trị gia tăng (VAT), văn bản pháp luật cho những trường hợp được khấu trừ VAT đầu vào, nhưng đầu ra lại không thuộc diện chịu thuế.
“Ví dụ chuyển nhượng các dự án trong nước chẳng hạn. Đầu ra không thuộc diện chịu thuế, nhưng VAT đầu vào lại được khấu trừ rất nhiều. Điểm này không phù hợp với chuẩn mực chung về thuế”, đại biểu Nguyễn Vân Chi đơn cử.
Ngoài ra, đại biểu này cho rằng, việc thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi rất rộng, như ưu đãi theo lĩnh vực, theo địa bàn, ưu đãi cho đầu tư mới, ưu đãi cho đầu tư mở rộng,... là rất phức tạp và tạo ra bất bình đẳng, khi cùng loại dự án ở địa bàn này được ưu đãi, địa bàn kia không được ưu đãi. Đặc biệt, việc ưu đãi tràn lan cũng khiến nó trở nên không thực sự có hiệu quả và rất khó cho quản lý.
“Đấy là những lỗi trong chính sách mà chúng ta cần sửa đổi để tăng thu, vừa đảm bảo hiệu quả, công bằng và đây là những dư địa để thu lớn hơn là tăng thu với khu vực dân cư”, bà Nguyễn Vân Chi nêu quan điểm.
Tập trung quản lý thu để tránh thất thoát
Vẫn theo bà Chi, một điểm nữa trong thất thu thuế có thể “vá” được là tập trung vào quản lý thu để thu được đúng như luật quy định.
Thứ nhất là tăng cường quản lý để đưa khu vực kinh tế phi chính thức vào chính thức, như những hộ kinh doanh tương đối lớn, các hộ sản xuất nông nghiệp... nhưng đang thu thuế khoán. Thứ hai là tăng cường quản lý, tránh hiện tượng gian lận, trốn lậu thuế, đặc biệt là chuyển giá.
Đại biểu Chi cũng thắc mắc, trước đây chống chuyển giá được Chính phủ đề cập nhiều hơn trong báo cáo, nhưng gần đây lại thiếu vắng. “Chính phủ vừa ban hành Nghị định 20 về chống chuyển giá, nhưng kết quả thực tế thì chưa thấy rõ lắm. Đặc biệt, tới đây chúng ta có những ưu đãi riêng cho những khu vực đặc biệt thì có thể tăng thêm rủi ro của việc chuyển giá trong nội bộ quốc gia”, đại biểu cảnh báo.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Vân Chi, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An), cũng cho rằng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu và thuế tài sản đều rất nhạy cảm, nên chọn những cách thức để tăng thuế, thu ngân sách nhưng phải giữ được sức dân.
Vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội chiều qua (22.5) cũng đã đề cập. Ông Dũng khẳng định, việc xây dựng luật Thuế tài sản đã có đầy đủ căn cứ pháp lý và bản dự thảo bước đầu Bộ mới chỉ đưa ra lấy ý kiến. Sau khi dư luận góp ý, Bộ sẽ tiếp thu điều chỉnh rồi mới đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, sau đó trình Chính phủ, Chính phủ thông qua mới đưa lên trình bổ sung vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh... “Nếu làm được là cho nhiệm kỳ sau”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.