Xây dựng cơ chế để người lao động phát huy năng lực

08/08/2019 00:00 GMT+7

Tốc độ tăng năng suất của VN đang nhanh nhất khu vực ASEAN, giúp thu hẹp khoảng cách với các nước

Ngày 7.8, khi chủ trì hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng đà tăng năng suất lao động cao nhất ASEAN của VN sẽ được duy trì để sớm thu hẹp khoảng cách với các nước về chỉ số này.

Tiềm lực còn rất lớn

Điều đầu tiên cần làm để thúc đẩy tăng năng suất lao động chính là cải cách thể chế nhằm nâng cao năng lực quản trị nhà nước, năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng chất lượng môi trường kinh doanh, nhất là xây dựng cơ chế để mọi lao động được trao cơ hội, phát huy năng lực

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, năng suất lao động của VN theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt trên 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động). Tính theo giá so sánh thì tăng 6% so với năm 2017. Còn theo Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, nếu tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) năm 2018, năng suất lao động nước ta đạt 11.142 USD, bằng 7,3% của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia và 55,9% của Philippines. Tuy nhiên, đáng mừng là năng suất lao động của VN thời gian qua tăng nhanh, vào top đầu ASEAN. Cụ thể, bình quân giai đoạn 2016 - 2018 tăng 5,77%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011 - 2015. Tính chung giai đoạn 2011 - 2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,88%/năm.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chỉ số năng suất lao động của VN chưa cao là điều dễ hiểu bởi xuất phát điểm thấp nhưng tiềm lực trong mỗi người dân của chúng ta rất lớn. Trên thực tế, tốc độ tăng năng suất của VN đang nhanh nhất khu vực ASEAN, đã giúp thu hẹp khoảng cách với các nước. Dẫn số liệu của Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF), Thủ tướng cho biết, tăng trưởng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của VN từ năm 2013 đến nay đã tăng lên đáng kể, đạt mức tăng bình quân 1,7%. Đặc biệt, tăng trưởng TFP giai đoạn 2018 - 2023 kỳ vọng đạt mức bình quân từ 1,8% trở lên.
Thủ tướng cũng lưu ý, năng suất lao động là lấy GDP để chia cho số người lao động nhưng do GDP của chúng ta còn bỏ sót nhiều, chưa tính đầy đủ nên tới đây, quy mô nền kinh tế sẽ được cải thiện đáng kể khi tính bằng công thức mới, khi đó sẽ kéo theo năng suất lao động cao hơn.

Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, điều đầu tiên cần làm để thúc đẩy tăng năng suất lao động chính là cải cách thể chế nhằm nâng cao năng lực quản trị nhà nước, năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng chất lượng môi trường kinh doanh, nhất là xây dựng cơ chế để mọi người lao động được trao cơ hội, phát huy năng lực. Đồng thời, phải chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, từ lao động giản đơn sang lao động có kỹ năng; cải cách tài chính ngân hàng để dòng vốn chảy vào khu vực có năng suất cao nhất; cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước để khơi thông các nguồn lực, hỗ trợ kinh tế tư nhân, hợp tác xã... để trở thành một động lực của nền kinh tế. “Đặc biệt là khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo”, Thủ tướng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cải thiện năng suất lao động có ý nghĩa sống còn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới. Ông Dũng đề xuất thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia để hình thành bộ máy, cơ quan chuyên sâu về năng suất lao động thực hiện nhiệm vụ điều phối, phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.