Xây dựng nền báo chí nhân văn, truyền cảm hứng

25/12/2022 07:29 GMT+7

Sáng 24.12, tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp Bộ TT-TT và Hội Nhà báo VN tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Tình trạng “báo hóa” tạp chí vẫn chưa được khắc phục triệt để

Ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, đánh giá thông tin trên báo chí thể hiện rõ nét hơn vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội. Các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí chủ động nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện cơ chế, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động, phát triển, đồng thời có những quy định về xử lý nghiêm minh các sai phạm trong hoạt động báo chí.

Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội nghị

NGUYÊN VŨ

Về công tác thanh tra, kiểm tra, năm 2022 đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt hơn 1,8 tỉ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng đối với 2 cơ quan báo chí, thu hồi thẻ nhà báo đối với 1 tổng biên tập báo. “Những giải pháp trên đang tạo ra sự chuyển biến rất cơ bản và tích cực trong hoạt động báo chí”, ông Lâm nhận định.

Dù vậy, ông Lâm cũng chỉ ra một số hạn chế, nhất là tình trạng buông lỏng quản lý, chỉ đạo định hướng của một số cơ quan chủ quản; tình trạng “báo hóa” tạp chí, các biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí vẫn chưa được khắc phục triệt để; cơ quan báo chí kiểm soát nội dung liên kết và phóng viên, cộng tác viên còn lỏng lẻo, dễ dẫn đến sai sót…

Báo chí hướng đến cái đẹp

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm phát động các cơ quan báo chí hưởng ứng tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 - 2025 theo đề án đã được Thủ tướng phê duyệt. “Báo chí VN cần kể nhiều câu chuyện, tấm gương truyền năng lượng, cảm hứng tích cực cho người dân và cho doanh nghiệp. Kể chuyện nhiều hơn, phân tích nhiều hơn, với một tâm hồn cảm thông, chia sẻ và một cái đầu bình tĩnh, sáng suốt”, ông Nguyễn Thanh Lâm đề nghị.

Cụ thể, từng cơ quan, từng lãnh đạo báo, đài, từng người làm báo không được xem nhẹ, “tầm thường hóa” vai trò, chức năng, trách nhiệm lan tỏa gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, bởi đây là một sứ mệnh lớn lao của báo chí. “Gương người tốt, việc tốt, vượt khó, vươn lên phải được thể hiện một cách sinh động, được kể một cách hấp dẫn và thú vị hơn, để mang lại nhiều giá trị cho độc giả và có giá trị thúc đẩy xã hội”, Thứ trưởng Bộ TT-TT gửi gắm các cơ quan báo chí.

Không nên “báo hóa” nghị quyết

Một vấn đề đáng báo động khác được nêu ra là tình trạng “báo hóa” nghị quyết.

Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Trần Thanh Lâm phân tích việc tuyên truyền các nghị quyết, kết luận, chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước, gương người tốt, việc tốt là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các cơ quan báo chí; nhưng thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung này còn thiếu sinh động. Nhiều cơ quan báo chí thường chỉ đưa, trích đưa một số nội dung các nghị quyết, kết luận, hay gọi là “báo hóa” nghị quyết.

“Vậy làm thế nào, phương thức nào để việc thông tin, tuyên truyền các nội dung này một cách phong phú, sinh động, để người đọc, người xem dễ tiếp cận, dễ tiếp thu, dễ hiểu, dễ làm theo”, ông Lâm đặt vấn đề và nhấn mạnh đây là trách nhiệm của các cơ quan báo chí.

Theo lãnh đạo Bộ TT-TT, đất nước cần một nền báo chí hướng xã hội vào việc suy nghĩ và tìm kiếm lời giải cho những vấn đề lớn, trọng đại, dù rằng tìm kiếm giải pháp hữu hiệu bao giờ cũng khó hơn là bình phẩm, chỉ trích. Do đó, báo chí cần tham gia sâu, rộng hơn nữa vào hoạt động truyền thông chính sách; tăng cường năng lực phân tích, giải thích, định hướng, tạo sự đồng thuận để người dân hiểu, tin theo. Đồng thời, các cơ quan nhà nước cũng cần làm tốt hơn nữa việc cung cấp thông tin cho báo chí, tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ cho báo chí để công tác truyền thông chính sách bảo đảm hiệu quả.

Chia sẻ về góc nhìn nhân văn khi viết báo, bà Vũ Việt Trang, Tổng giám đốc Thông tấn xã VN, cho rằng để có được góc nhìn nhân văn, người làm báo và cơ quan báo chí luôn tự đặt cho mình những câu hỏi mang tính hướng thiện, hướng tới việc xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Và chính các nhà báo cũng cần được sống trong một môi trường làm việc cạnh tranh lành mạnh, được đánh giá và đãi ngộ thỏa đáng.

Đại diện một số cơ quan báo chí khác thì đề xuất các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí quan tâm hỗ trợ về nguồn lực thông qua cơ chế đặt hàng, hỗ trợ chuyển đổi số…

Báo chí cần phản biện đúng và trúng

Chia sẻ tại hội nghị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá các cơ quan báo chí và những người làm báo cả nước đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát định hướng chính trị, nắm bắt thực tiễn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giúp đất nước trở thành một điểm sáng trong khó khăn chung của toàn cầu.

Về các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 và các năm tới, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư đề nghị các cơ quan, đơn vị chuẩn bị kỹ cho sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng VN (21.6.1925 - 21.6.2025). Mục tiêu hướng đến là xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. “Báo chí cần bám sát thực tiễn, tiên phong đi vào những điểm mới, điểm khó, đi đến vùng sâu, vùng xa, mọi miền đất nước phản ánh sinh động đời sống xã hội. Đồng thời, tiếp tục khơi dậy và phát huy dân chủ, hướng đến nhân văn, chân - thiện - mỹ, tôn vinh sáng tạo của người dân trong thời kỳ mới”, ông Nghĩa đề nghị.

Đối với chức năng phản biện xã hội, báo chí cần phản biện đúng và trúng thực tiễn để đưa đường lối vào cuộc sống, tham gia khắc phục các điểm nghẽn, đưa ý Đảng đến gần với lòng dân. Bên cạnh đó, cần phê phán những quan điểm sai trái, không để các đối tượng cơ hội, thế lực thù địch lợi dụng chống phá.

Bảo vệ Tổ quốc từ xa, từ sớm

Chiều 24.12, Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo, phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Kết luận hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, đánh giá cao kết quả của công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo, biên giới trong bối cảnh năm 2022 đầy thách thức; góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Năm 2023 sẽ còn nhiều khó khăn thách thức nên các đơn vị cần quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để có được những kết quả, điểm nhấn rõ ràng; phải khơi dậy, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh.

Các cơ quan, đơn vị cần xác định công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền về biển, đảo, biên giới là mặt trận quan trọng; xác định việc nâng cao nhận thức, sự đồng thuận trong xã hội, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Đối với quy hoạch phát triển báo chí, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư yêu cầu cần thực hiện đúng chủ trương, sát thực tiễn, mang tính đặc thù. “Một tỉnh mấy trăm ngàn dân với một tỉnh 1 triệu dân đã khác nhau, tỉnh 1 triệu dân với tỉnh 3 - 4 triệu dân có khác nhau. Và so với TP lớn như Hà Nội, TP.HCM mười mấy triệu dân thì nền báo chí ở đó phải như thế nào, chứ không đánh đồng được”, ông Nghĩa nhấn mạnh. Song song đó, cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến báo chí, quan tâm hỗ trợ báo chí thông qua 3 nguồn lực: con người, đầu tư công nghệ, tài chính ngân sách.

“Trên thực tế vẫn còn tình trạng lợi dụng thẻ nhà báo, thẻ cộng tác viên, rồi có những người không còn làm nhà báo nữa, không còn làm ở cơ quan báo chí, xuất bản nữa mà vẫn mang danh nghĩa đó đi làm chuyện này, chuyện khác”, ông Nghĩa nhận định, đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị chung tay đấu tranh, loại bỏ hành vi “núp bóng” báo chí.

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cũng đề nghị các cơ quan báo chí đồng hành khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tinh thần tự lực tự cường, tiếp tục phát huy thế mạnh trong công tác an sinh xã hội…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.