Và không phải là "gió chiều nào nghiêng chiều đó", mà luôn biết ứng xử minh triết theo đúng truyền thống cha ông mình từng ứng xử. Như Quang Trung - Nguyễn Huệ đã từng ứng xử với láng giềng.
Hoàng đế "áo vải cờ đào" là một nhà văn hóa từ bản chất, và chính văn hóa đã nâng tầm cho những quyết sách chiến lược của vị hoàng đế mà cuộc đời oanh liệt và ngắn ngủi như một khối sao băng vụt sáng giữa trời đêm. Có thể nói, mỗi khi đất nước phải đương đầu với những thử thách nhằm bảo vệ nền văn hóa, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của mình, bảo vệ nhân cách Việt Nam của mình, thì những lúc ấy hình ảnh Quang Trung - Nguyễn Huệ lại chói sáng và sống động trước mắt chúng ta. Những tư tưởng vượt thời đại, những cảnh báo có tầm tiên tri của ông vẫn còn nguyên giá trị với chúng ta hôm nay.
Những nhà lãnh đạo thiên tài của đất nước chúng ta từ xưa tới nay đều là những nhà văn hóa lớn. Chính "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi" như Bác Hồ đã nói. Phải thấu hiểu văn hóa từ tầm cao như thế tới những ứng xử hằng ngày của những con người bình thường, mới cảm nhận được sắc thái đặc biệt của văn hóa Việt Nam là đức bao dung, là lòng nhân ái, là tinh thần yêu nước mãnh liệt.
Chính vì thế, hình ảnh người mẹ luôn là hình ảnh gây xúc động nhất với người Việt, cả trong chiến tranh lẫn khi hòa bình, trong gian khổ tột cùng, giữa hy sinh thầm lặng tới khi thanh bình vui sống. Văn học nghệ thuật Việt Nam từ bao đời nay đều giành cho người mẹ những lời ca ngợi chân thành yêu thương nhất, vì đó là tiêu biểu cho tinh thần nhân ái Việt Nam.
Chúng ta xây dựng một đất nước đã giàu nhưng còn phải đẹp, mỗi gia đình, mỗi công dân phải có mức sống khá giả nhưng phải có văn hóa, sống có nghĩa tình, sống biết nghĩ cho người khác. Đó là sự cân bằng giữa vật chất và tinh thần, giữa tâm hồn và thể xác, giữa tiền bạc và lòng nhân ái. Như một nhà minh triết từng gợi ý: "Nếu trong tay ta có hai cái bánh, thì cái bánh kia hãy đổi lấy một nhành hoa, bởi tâm hồn cũng cần ăn uống như thể xác".
Nhớ lời Bác Hồ kêu gọi toàn dân Việt Nam năm 1966, thời điểm chiến tranh ác liệt nhất, trong đó có câu: "Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!".
Ngay hồi đó, Bác Hồ đã nghĩ tới xây dựng lại đất nước ta có hai mục đích: đàng hoàng hơn là mục đích đầu tiên, nhằm xây dựng con người Việt Nam sống xứng đáng với đất nước mình, và khi xây dựng đất nước to đẹp hơn, thì trong đó cũng vừa to vừa đẹp.
Bây giờ, sau gần 50 năm hòa bình thống nhất, như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Đó là nhìn trên bình diện vị thế của một quốc gia. Còn nhân dân, công dân đất nước Việt Nam thì cần "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật". Phải là những công dân tốt đúng nghĩa. Là những người Việt Nam yêu nước, yêu đồng bào, sống nhân ái, nghĩa tình, đoàn kết, tuân thủ pháp luật, đúng như mong ước của Bác Hồ. Xây dựng đất nước và xây dựng con người bao giờ cũng phải đi song song như thế. Nói ít, làm nhiều, đó phải là phong cách sống của người Việt Nam hôm nay và cả mai sau.
Tôi cứ thường nghĩ về cây xanh. Đó phải là biểu tượng sống của chúng ta không chỉ trong hôm nay, mà còn mãi tới ngày sau. Bây giờ, chúng ta hay nói tới chữ XANH, và câu "XANH SẠCH ĐẸP" như một câu thiệu. Bao giờ chữ "xanh" cũng đứng đầu tiên. Nếu chúng ta xây dựng được quá nhiều cao ốc, nhưng phải chịu sống trong ô nhiễm cả môi trường lẫn tâm hồn, thì làm sao có được hạnh phúc? Nếu sông biển của chúng ta không còn xanh, không còn sạch, thì đất nước ta làm sao còn đẹp? Và nhân dân ta làm sao sống được mạnh khỏe, an lành?
Nhớ có lần một tập đoàn sản xuất thép xả thải tràn lan ra biển, một vị lãnh đạo tập đoàn đã nói đầy thách thức, đại ý là người dân Việt Nam phải "chọn cá hay chọn thép?", thì một người dân đã trả lời: "Chúng tôi chỉ chọn biển của mình sạch!".
Đó là câu trả lời của người Việt Nam yêu đất nước mình. Vì yêu môi trường xanh sạch đẹp chính là yêu đất nước. Và bảo vệ môi trường chính là bảo vệ Tổ quốc mình.
Giờ đây, khi những con sếu đầu đỏ sau nhiều năm xa rời Đồng Tháp Mười đã quay trở lại Tràm Chim, thì đó là dấu hiệu thật tốt lành.
"Đất lành chim đậu", không chỉ sếu đầu đỏ, mà những nhà đầu tư lớn trên thế giới cũng đang tìm đến đặt cơ sở làm ăn lâu dài với Việt Nam. Và đó là niềm vui chung của tất cả chúng ta, từ doanh nghiệp tới người lao động. Khi đất nước ta phát triển một cách cân bằng và an bình, thì thế giới bắt tay làm ăn với chúng ta là điều chắc chắn.
Mục đích cuối cùng khi đất nước ta phát triển là nhân dân ta phải được hạnh phúc. Niềm hạnh phúc ấy có thể chưa lộng lẫy, nhưng nó giản dị và "xanh sạch đẹp".
Bây giờ mới vừa kết thúc Mùa hè tình nguyện của thanh niên Việt Nam năm 2024. Đó là mùa hè XANH tuyệt đẹp của những người trẻ biết lo giúp đỡ đồng bào, để "không ai bị bỏ lại phía sau" dù đang sống khó khăn ở những vùng sâu vùng xa, còn thiếu thốn nhiều bề. Nhìn vào lớp thanh niên tình nguyện hôm nay, chúng ta tin tưởng đất nước sẽ thực sự giàu đẹp, đó là giàu tình yêu thương và đẹp vì lòng nhân ái.
Nghĩ cho cùng, sự cân bằng giữa vật chất và tinh thần, giữa lao động sáng tạo vừa cho bản thân mình và gia đình mình, vừa cho đất nước; khi sự cân bằng ấy bền vững, thì đất nước ta sẽ giàu và đẹp một cách bền vững.
Và như thế, cả quá khứ oai hùng của dân tộc, cả hiện tại chắt chiu của nhân dân, cả tương lai đầy hy vọng tốt lành cho đất nước sẽ đồng hiện trong những tháng năm lịch sử này.
Ngày Quốc khánh 2.9 chính là cột mốc cho chúng ta nhìn thấy sự đồng hiện giàu cảm xúc và thật tự hào.
Khi nghĩ về cây xanh, tôi lại nghĩ tới màu áo xanh tình nguyện của những người trẻ hôm nay. Chúng ta thật may mắn vì có được màu xanh yêu thương ấy.
Kết thúc bài viết này, tôi muốn mượn 4 câu thơ của nhà thơ Huy Cận, 4 câu thơ mang tính tổng kết sâu sắc cả về dân tộc và về đất nước Việt Nam mình:
"Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững
Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa
Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng
Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa".
Bình luận (0)