Xây dựng quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong năm 2019

18/01/2019 10:32 GMT+7

Tham mưu xây dựng quy hoạch Bộ Chính trị , Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong năm 2019.

Cả nước giảm hơn 80.000 công chức, viên chức

Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 sáng nay, 18.1, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức T.Ư, cho biết từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, toàn ngành đã hoàn thành 54/58 đề án, nhiệm vụ quan trọng, đạt 93% kế hoạch; tham mưu ban hành hơn 60 văn bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng, đặc biệt là 3 nghị quyết, 1 quy định của Ban Chấp hành T.Ư để thực hiện toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ về xây dựng Đảng.
Về thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, gắn với Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, ông Bình cho hay một số bộ, ngành, địa phương đang thực hiện có hiệu quả, như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và các tỉnh Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai…
“Đã cơ bản hoàn thành việc tham mưu kết thúc hoạt động các ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ; chuyển Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp T.Ư về Ban Nội chính T.Ư; phối hợp đề xuất phương án kiện toàn Đảng bộ ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao”, ông Bình cho biết.
Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết, đến cuối tháng 10.2018, toàn hệ thống chính trị đã giảm 3 ban chỉ đạo, 9 tổng cục và tương đương, 201 cục, vụ và tương đương, 65 ban, sở, ngành cấp tỉnh, 6.954 phòng và tương đương; giảm hơn 50 lãnh đạo cấp tổng cục, trên 300 lãnh đạo cấp cục, vụ; 172 lãnh đạo ban, sở, ngành cấp tỉnh và tương đương, 9.332 lãnh đạo phòng; giảm 60.659 biên chế.
Trong đó, Bộ Công an không bố trí cấp tổng cục, giảm 8 tổng cục và tương đương, 55 cục, vụ và tương đương; 20 sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy; 819 phòng và gần 1.000 đơn vị cấp đội.
Bộ Quốc phòng sắp xếp lại và cổ phần hóa các doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng quản lý từ 88 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước xuống 17 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; giải thể Ban Quản lý 4647; tổ chức lại, điều chuyển Ban Quản lý dự án 678, 98 về Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giải thể hợp nhất 3 đơn vị cấp vụ; sáp nhập, chuyển về các vụ, viện 6 đơn vị dưới cấp vụ, giảm 1 đơn vị cấp vụ, giảm hơn 100 phòng, ban tại học viện.
Về thực hiện tinh giản biên chế, ông Bình cho biết, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 39, nhất là năm 2018, cả hệ thống chính trị đã giảm 132.924 người (giảm 3,54%) so với trước khi thực hiện nghị quyết.
Trong đó, công chức, viên chức ở T.Ư và địa phương là 81.000 (giảm 3,3%); người hưởng lương và phụ cấp ở xã là hơn 51.000 (giảm khoảng 4,02%).

Xử lý nghiêm chạy chức, chạy quyền

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2019, ông Bình cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành là tham mưu chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo đó, ngành Tổ chức, xây dựng Đảng sẽ thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành T.Ư nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đặc biệt, tham mưu xây dựng quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Các đại biểu tham dự hội nghị Ảnh Lê Hiệp
Bên cạnh đó, tham mưu cấp ủy các cấp thực hiện việc luân chuyển, điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 gắn với việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương.
Ngoài ra, ông Bình cho biết, ngành Tổ chức xây dựng Đảng cần nâng cao chất lượng thẩm định các đề án về tổ chức xây dựng Đảng. Thực hiện tốt công tác nhân sự thường xuyên, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, kịp thời, đúng quy định; kiên quyết chống tiêu cực.
Coi trọng hơn nữa công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nhất là vấn đề chính trị hiện nay, công tác bảo mật và phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tư tưởng xấu, độc, chống phá nội bộ ta của các thế lực thù địch.
Tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp trên với cấp dưới; giám sát của cấp dưới đối với cấp trên; giám sát cùng cấp và đẩy mạnh tự kiểm tra, giám sát.
“Kiểm soát chặt chẽ quyền lực thông qua cơ chế thực hành dân chủ; công khai, minh bạch; nâng cao trách nhiệm báo cáo, giải trình. Xử lý nghiêm các hành vi chạy chức, chạy quyền”, ông Bình nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.