1. Xác định nguyên nhân hình thành thói quen
Yếu tố quan trọng đầu tiên trong quá trình xây dựng thói quen mới là xác định được nguyên nhân hình thành của nó. Cụ thể, chuyên gia Sincero gọi đó là “các tác nhân kích hoạt” và chúng có thể là bất cứ điều gì, miễn là có tác động nhất định đến một thói quen đã có, đơn cử như đồng hồ báo thức nhắc mọi người thức dậy lúc 7 giờ sáng hằng ngày, hoặc sự buồn chán khiến họ phải tìm đến các mạng xã hội như TikTok hay Facebook.
Việc xác định được các yếu tố kích hoạt sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn khi nào những thói quen xấu xuất hiện, hay điều gì sẽ giúp cơ thể có được thói quen tốt.
2. Tìm động lực
Sau khi tìm ra nguyên nhân hình thành thói quen của cơ thể, chuyên gia Sincero cho biết điều quan trọng tiếp theo là cần tìm ra nguyên do khiến mọi người muốn đạt được thói quen mới là gì, từ đó có được động lực cho quá trình luyện tập.
“Việc hình thành một thói quen với một người bình thường sẽ đi theo một trình tự, bắt đầu bằng việc xác định yếu tố kích hoạt (lên xe), báo hiệu nhu cầu (tôi không muốn chết), sau đó dẫn đến thói quen hoặc phản ứng của họ (thắt dây an toàn)”, chuyên gia Sincero cho biết.
3. Lặp lại có chủ ý
Lặp lại hành động một cách có chủ ý là chìa khóa cho việc tạo nên thói quen. Thông thường, một người cần từ 66 lần hoặc 21 ngày để có được một thói quen mới.
“Khi lặp đi lặp lại điều gì đó đủ số lần, cơ thể chúng ta sẽ thiết lập các đường dẫn thần kinh mới trong não khiến việc thực hiện hành động đó trong lần tiếp theo sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn”, chuyên gia Sincero nói.
4. Đơn giản hóa mục tiêu nếu có thể
Sự thật là những mục tiêu càng đơn giản sẽ càng dễ hoàn thành. Chuyên gia Sincero dẫn chứng việc chọn một phòng tập thể dục cách nhà 5 phút đi bộ sẽ giúp bạn dễ dàng đi tập đều đặn hơn so với một nơi cách đó 30 phút lái xe. Hay việc không trữ kem và bánh ngọt trong tủ lạnh rõ ràng sẽ thuận lợi cho việc giảm cân hơn việc bạn vẫn trữ và cố gắng tránh không ăn chúng.
5. Kiên nhẫn
Chuyên gia Sincero cho hay thói quen không thể hình thành trong một sớm một chiều. Vì vậy, tính kiên nhẫn là cực kỳ cần thiết. “Những lúc động lực vơi đi, hãy nhớ đến nguyên do vì sao bắt đầu và nghĩ đến “phần thưởng” bạn sẽ có khi hoàn thành thói quen mới”, bà Sincero nói.
6. Biến thói quen thành một phần bản sắc
Theo chuyên gia Sincero, một trong những sai lầm lớn nhất mà mọi người hay mắc khi bắt tay vào xây dựng thói quen mới là không biến chúng thành một phần bản sắc.
Cụ thể, nếu bạn đặt mục tiêu muốn trở thành một người ăn chay trường, hãy tự hào và thường xuyên trao đổi với mọi người về những điểm tích cực mà chế độ ăn này mang đến cho bạn.
“Bằng cách thay đổi bản thân để phù hợp với cuộc sống có thói quen mới, bạn sẽ dễ dàng xóa bỏ những cuộc đấu tranh nội tâm là mình không thể chiến thắng, hay thói quen mới thực sự không phù hợp với con người bạn, từ đó khiến quá trình luyện tập để có được thói quen mới cũng dễ dàng hơn”, chuyên gia Sincero cho hay.
Bình luận (0)