Xây dựng thương hiệu cá nhân không phải để cho cả thế giới biết
Trong chương trình Talkshow - Xây dựng nhân hiệu - Vận dụng Chat GPT để khám phá sức mạnh ngôn ngữ được diễn ra vào tối ngày 15.4 tại Trường ĐH Văn Hiến TP.HCM, các diễn giả đã nhận được một câu hỏi từ Quang Linh, sinh viên Trường ĐH Văn Hiến, với nội dung: “Xây dựng thương hiệu cá nhân không sử dụng mạng xã hội thì có những lợi ích và nhược điểm gì?”. Phần trao đổi của sinh viên và các diễn giả đã thu hút nhiều sự quan tâm.
Nguyên nhân khiến cho Quang Linh đưa ra nhận định trên là vì nam sinh này từng là một người "nghiện" mạng xã hội. Việc này đã khiến Linh phải đối mặt với nhiều vấn đề, làm giảm chất lượng cuộc sống. Vì thế, Linh đã xóa Facebook cũ và chỉ mở trang cá nhân mới gần đây để theo dõi thông tin trên các nhóm để tham gia các chuyên đề, sự kiện chứ không đăng tải bất kỳ thông tin gì.
“Đối với mình việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội là cần thiết nhưng bản thân mình thấy không quan trọng việc đó lắm. Việc mình thường xuyên tham gia các sự kiện, talkshow và tham gia phát biểu, đưa ra ý kiến là để rèn luyện sự tập trung, tư duy. Dĩ nhiên việc được các diễn giả, giảng viên chú ý tới là một điều tốt, nhưng mình cũng không bận tâm lắm tới việc được chú ý cho lắm”, Linh chia sẻ.
Giải đáp thắc mắc cho nam sinh viên, đạo diễn Jos Tuấn Dũng, người có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu cá nhân cho rất nhiều doanh nhân, cho biết: “Việc sử dụng mạng xã hội chủ yếu để kết nối cộng đồng lại với nhau và việc xây dựng thương hiệu cá nhân mà không thông qua một nền tảng nào là điều bình thường. Xây dựng thương hiệu cá nhân không phải làm cho cả thế giới biết đến tôi là ai, mà đơn giản giúp bản thân cảm nhận được tôi sinh ra trên cuộc đời này có ý nghĩa. Hạn chế của việc không sử dụng mạng xã hội sẽ không nhân rộng được những giá trị tích cực mà mỗi cá nhân đang có”.
Cùng giải đáp thắc mắc của câu hỏi này, thạc sĩ Trần Xuân Tiến, Phó trưởng bộ môn Truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, cho biết có những lĩnh vực công việc không nhất thiết phải sử dụng mạng xã hội trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân, mà việc này chỉ nên được tạo dựng trong một tập thể, hay một cộng đồng nào đó.
“Một sinh viên như Linh thường xuyên tham gia talkshow, hội thảo để học hỏi tri thức, hăng hái nhiệt tình phát biểu, đặt câu hỏi cũng là xây dựng thương hiệu cá nhân đối với diễn giả. Xây dựng thương hiệu cá nhân không thông qua mạng xã hội có thể bớt được thời gian chăm chút cho trang cá nhân, xây dựng nội dung trên TikTok... Từ đó, có thêm thời gian đầu tư cho trau dồi kiến thức, xây dựng vòng giao tiếp trong thực tiễn”, thạc sĩ Tiến chia sẻ.
Đạo diễn Jos Tuấn Dũng nhắn nhủ việc xây dựng thương hiệu cá nhân sẽ giúp cho sinh viên mà đặc biệt là sinh viên năm cuối tạo được lợi thế trong thị trường lao động sau khi ra trường. Theo đạo diễn những điều sinh viên cần làm để xây dựng thương hiệu cho bản thân ngay bây giờ là nắm vững kiến thức chuyên môn, tạo dựng các mối quan hệ, chú trọng yếu tố nội hàm bên trong và không xem nhẹ hình thức bên ngoài, bổ sung các kỹ năng ngoài kiến thức trường lớp.
Phải hiểu được chính mình
Cũng đưa ra thắc mắc về việc tạo dựng thương hiệu cá nhân khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Hồ Thị Hoàng Hoa, sinh viên Trường ĐH Văn Hiến, cho biết mỗi người cần tạo nên giá trị thật của bản thân, hoàn thiện kiến thức và không ngừng trau dồi, học hỏi từ bên trong chứ không nên xây dựng vẻ ngoài hào nhoáng.
“Mình đồng tình với việc xây dựng thương hiệu nhưng mà không qua mạng xã hội. Là sinh viên, mình luôn cố gắng nỗ lực để học tập, năng nổ xây dựng bài học để đạt được điểm cao và hỗ trợ cho các bạn khác. Chính vì việc này mà mình được đặt cho biệt danh là "Bông". Theo mình đó cũng là một thương hiệu mà không cần sử dụng mạng xã hội mặc dù ở quy mô nhỏ. Là người theo ngành biên phiên dịch, mình cảm thấy việc đạt được thành tích tốt và những gì mình cống hiến mới là giá trị mấu chốt cho sự phát triển chứ không phải cố gắng tạo ra sự hào quang trên mạng xã hội”, Hoàng Hoa chia sẻ.
Tuy nhiên, thạc sĩ Tiến cũng cho rằng xây dựng thương hiệu cá nhân không thông qua mạng xã hội là chúng ta khước từ sức mạnh của một kênh truyền thông vốn có nhiều hiệu quả. Nhờ mạng xã hội, thương hiệu cá nhân có thể đi xa hơn, phủ khắp đến cả những đối tượng công chúng mà chúng ta không biết đến, thậm chí không ngờ đến.
Thạc sĩ nhận định: “Xây dựng thương hiệu cá nhân có nhiều cách thức. Sử dụng mạng xã hội cũng chỉ là một trong những cách thức đó. Dù là cách thức nào, cũng phải phù hợp với mỗi người về sở thích, tính cách, lĩnh vực chuyên môn nghề nghiệp...”.
Đạo diễn Jos Tuấn Dũng cũng cho biết việc một người có năng lực và không chủ đích trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội nhưng vẫn được nhiều người mến mộ là điều hoàn toàn có thể diễn ra, đó là “hữu xạ tự nhiên hương”. Tuy nhiên, để đạt được đến mức độ đó đòi hỏi cá nhân phải có năng lực bẩm sinh hơn người cùng với quá trình phấn đấu nghiêm túc, quyết liệt. Đạo diễn khuyên các sinh viên phải hiểu được chính mình, cởi mở để đón nhận những xu hướng mới và nếu cảm thấy việc khước từ mạng xã hội đem lại hiệu quả hơn trong việc phát triển bản thân thì điều này không là vấn đề.
Bình luận (0)