Dẫn chứng sự trỗi dậy của các nền kinh tế thần kỳ như Hàn Quốc, Nhật Bản gắn với các doanh nghiệp (DN) mang tinh thần dân tộc và nguồn sức mạnh của hàng triệu người dân, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, Việt Nam xuất phát sau, muốn xây dựng thương hiệu đẳng cấp trong thời đại này lại càng cần những con người đồng hướng, đồng lòng và cùng chung tay hành động, thay vì hô hào chung chung.
Là người theo dõi VinFast từ những ngày đầu tiên, ông nghĩ gì về sự trở lại của thông điệp này?
Ngay từ đầu, tôi rất hiểu và chia sẻ với tinh thần của VinFast. Đó không đơn thuần là lời kêu gọi mà hơn hết, tôi nhìn thấy khát vọng xây dựng một nền công nghiệp ô tô của người Việt, một thương hiệu Việt có thể đạt tới đẳng cấp thế giới. Đặc biệt, trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, tinh thần này lại càng ý nghĩa khi VinFast sẵn sàng giảm lợi ích, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh khoản vay lâu dài cho khách hàng để sản phẩm "khó với tới" như xe hơi có thể đến được với những người lao động phổ thông, để mỗi gia đình Việt đều có thể chạm tay vào giấc mơ ô tô. Tinh thần Việt Nam ấy, với tôi là rất đáng trân trọng.
Có điều gì trái ngược ở đây không thưa ông, khi VinFast đang "Go Global" - tiến ra thế giới nhưng lại kêu gọi sự mãnh liệt từ tinh thần trong nước?
Thực tế cả hai vế đều là một. Trong ấm thì ngoài êm. Sự trỗi dậy của các DN tốp đầu thế giới luôn gắn liền với gốc rễ quốc gia, dân tộc. Những thương hiệu lừng lẫy thế giới như "Made in Japan" hay "Made in Korea" đều được xây đắp nên bởi tinh thần dân tộc, khi mọi công dân đều đồng lòng ủng hộ sản phẩm nước nhà. Không nghi ngờ gì, tinh thần dân tộc chính là bàn đạp vững mạnh để nhiều DN Nhật Bản, Hàn Quốc vươn lên tốp đầu thế giới, tạo nên kỳ tích kinh tế cho hai nước này.
Việt Nam đi sau, trong thời đại cạnh tranh khốc liệt hơn trước rất nhiều. Trong bối cảnh đó, để trỗi dậy và vươn lên được, chúng ta lại càng cần mối quan hệ gắn bó ruột thịt giữa người dân và DN, nhất là những DN đang nỗ lực hiện thực hóa khát khao của nhiều thế hệ cha anh. Nếu chúng ta có đủ tinh thần đoàn kết và sự gắn kết mãnh liệt, chắc chắn chúng ta sẽ tạo dựng được thương hiệu Việt đẳng cấp quốc tế và đúng tầm thời đại.
Nhưng việc kêu gọi người dân chung tay ủng hộ một sản phẩm cụ thể nào đó trong khi chưa biết chắc tương lai thành công liệu có phải là "rủi ro chia đều" và có thể tạo nên sự phản cảm không, thưa ông?
Sự ủng hộ tinh thần dù cao đến mấy sẽ vô nghĩa nếu sản phẩm không đủ tốt để xứng với kỳ vọng của người dân. Và hứng chịu rủi ro đầu tiên, bị phản ứng tiêu cực đầu tiên - không ai khác chính là DN. Do đó, khi một DN dám phát động chiến dịch "Mãnh liệt Tinh thần Việt Nam", họ phải có niềm tin và cả cơ sở thực tế để làm điều đó.
Thực tế, VinFast đã làm ra các sản phẩm đẳng cấp thế giới; đã xuất xe sang các thị trường khó tính như Mỹ, Canada…; đã niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế và đang là một trong những hãng xe thuần điện trong tốp đầu thế giới. So với chiến dịch "Mãnh liệt Tinh thần Việt Nam" lần 1 được triển khai cách đây 6 năm, sự trở lại của thông điệp này, như tôi nhận thấy, còn vững chắc hơn, nhiều nội lực hơn hẳn.
Thực tế thì người dân, DN và rộng hơn là đất nước sẽ được hưởng lợi gì nếu chúng ta có một thương hiệu Việt đẳng cấp thế giới?
Một thương hiệu Việt được biết đến rộng rãi sẽ đem lại lợi ích cho tất cả những gì gắn với hai từ "Việt Nam", đặc biệt là các sản phẩm "Made in Vietnam" trên thị trường quốc tế.
Hãy tự hỏi vì sao những sản phẩm gắn với cụm từ "Made in Japan" lại là biểu tượng của những gì có độ tin cậy cao? Với Việt Nam cũng vậy. Xây dựng được thương hiệu Việt có nghĩa là tạo uy tín và lợi thế, tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam dễ dàng đến với thế giới, giúp tạo ra giá trị quốc gia, và xa hơn là tăng thêm sự tự hào dân tộc.
Tất nhiên, quá trình đó không thể là dễ dàng. Trong xu thế hiện tại, áp lực với các doanh nghiệp đi đầu, cạnh tranh ở tầm cao và bước ra thế giới như VinFast ngày càng nặng nề. Vì thế, hơn lúc nào hết, trong lúc này, sự đồng hướng, đồng lòng và trách nhiệm quốc gia - dân tộc lại càng cần được thể hiện rộng rãi trong hành động của mỗi người dân và tầm nhìn của các cơ quan nhà nước.
Sự tự hào dân tộc có thể xuất phát từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Vậy vì sao sự chung tay như ông kêu gọi lại cần hướng tới ô tô điện và VinFast?
Vấn đề không chỉ là lợi ích riêng cho DN nào. Cần thấu hiểu giá trị quốc gia được xây đắp nên từ sự chung tay đầy gian khổ. Ta đang sống trong thời đại vận động rất mạnh theo hướng kinh tế xanh và công nghệ cao. Cả thời cơ và thách thức đang xuất hiện. Trong bối cảnh đó, ô tô VinFast có lợi thế đi trước nhiều DN Việt khác trong nỗ lực "Go Global" và đua tranh quốc tế, đã định hướng kết tinh công nghệ cao, không thua gì những hãng nước ngoài. Việt Nam đi sau, càng cần khẳng định sớm vị thế quốc tế của mình, đặc biệt là ở lĩnh vực khó nhất là công nghiệp - công nghệ cao. VinFast đang nắm giữ sứ mệnh tiên phong ấy, trước hết như một trách nhiệm quốc gia, với những điều kiện đã được chuẩn bị.
Ông có thể nói rõ hơn đó là lợi ích gì không?
Ô tô điện hàm nghĩa kinh tế xanh, môi trường trong lành. Đó là không khí sạch chúng ta phải hít thở hằng ngày. Ủng hộ ô tô điện chính là ủng hộ lợi ích căn bản nhất của chính bạn, tôi và con cái chúng ta. Phát triển xanh đang là thách thức toàn cầu, đồng thời cũng là mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết với thế giới. Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy Trung Quốc, với những thành phố một thời ô nhiễm nặng nề nay đã trở thành hình mẫu xanh, sạch cho cả thế giới. Đó là kết quả hành động với nhận thức thay đổi và sự đồng thuận của xã hội.
Việt Nam còn nhiều việc phải làm để vượt qua thách thức lớn ấy, nhưng tôi cho rằng, ta phải bắt đầu từ những hành động cụ thể của mỗi người là lựa chọn phương tiện di chuyển xanh, từ đó tạo tác động rộng rãi trong xã hội. Tương lai hình thành từ những hành động nhỏ ấy. Và vì thế, tôi tin rằng, Việt Nam sẽ sớm có một thương hiệu quốc gia tầm cỡ như vậy, vừa giúp lan tỏa giá trị cho quốc gia, vừa mang lại sự thay đổi lớn cho nhiều thế hệ tương lai.
Bình luận (0)