Cụ thể, công ty "tập" cho người lao động thói quen vịn tay khi đi cầu thang, vì nhiều vụ té ngã cầu thang đã xảy ra do nhân viên không vịn lan can khi lên xuống, vận chuyển.
Để khuyến khích, công ty đưa ra "chính sách" bất kể người lao động nào vịn tay khi đi cầu thang thì khi vừa đến chiếu nghỉ hoặc chiếu tới cầu thang sẽ được tặng kẹo một cách bất ngờ, và phần thưởng sẽ gia tăng nếu họ thực hành thường xuyên. Kết quả, cuộc vận động này thành công nhanh chóng.
Tôi thấy ấn tượng, không phải vì cách làm như thế nào mà là vì công ty đã kiên trì xây dựng tinh thần an toàn cho nhân viên, cũng như xem việc thực hành an toàn là một phần quan trọng trong văn hóa làm việc.
Tinh thần khuyến khích làm việc an toàn ngày càng quan trọng hơn khi những con số tai nạn lao động gia tăng đáng lo ngại. Như tại TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2023 đã xảy ra 327 vụ tai nạn lao động làm 377 người chết, bị thương; tăng 60 vụ và tăng 77 người chết, bị thương so với cùng kỳ năm 2022...
Nhìn lại thấy ngoài những lý do khách quan, khó tránh thì đa số các vụ tai nạn lao động đều do vi phạm quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn; không có thiết bị an toàn; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân…
Điều này đặt ra trách nhiệm của người sử dụng lao động, nhất là với nhân công làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Doanh nghiệp cần hướng dẫn thường xuyên về an toàn lao động cho tất cả lao động để họ hiểu các nguy cơ, biện pháp, cách sử dụng thiết bị bảo vệ. Đồng thời, người lao động phải kiên quyết nói không với những công việc chưa đảm bảo an toàn.
Cạnh đó, các thống kê cũng đặt ra vai trò giám sát của các bên liên quan, nhất là bối cảnh cho thuê lại lao động, thuê lao động thời vụ… gia tăng trong các công trình, nhà máy.
Bình luận (0)