Xây dựng TP.HCM thành đặc khu kinh tế của cả nước

14/08/2015 06:02 GMT+7

Ngày 13.8, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị lắng nghe góp ý của các ban Đảng T.Ư về báo cáo chính trị Đại hội 10 Đảng bộ TP.HCM.

Ngày 13.8, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị lắng nghe góp ý của các ban Đảng T.Ư về báo cáo chính trị Đại hội 10 Đảng bộ TP.HCM.

Xây dựng TP.HCM thành đặc khu kinh tế của cả nướcTP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước - Ảnh: Diệp Đức Minh
Nhiều ý kiến của lãnh đạo các ban Đảng T.Ư tại hội nghị khẳng định những năm qua TP đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trong việc phát triển kinh tế - xã hội. TP không chỉ là đầu tàu kinh tế với đóng góp 20% GDP quốc gia và 30% ngân sách cả nước mà còn đi đầu trong việc góp phần hoàn thiện thể chế, mô hình tăng trưởng...
Cần cơ chế đặc thù, vượt trội
Theo Trưởng ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ, với khuôn khổ pháp lý hiện nay có thể nói chiếc áo đã chật đối với việc quản trị TP. Do đó cần có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thậm chí cần thiết phải có luật riêng nhằm tạo động lực cho TP tận dụng hết các tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh mẽ hơn. Đặc biệt cũng cần tính đến xây dựng TP.HCM trở thành đặc khu kinh tế của cả nước.
Đồng tình với quan điểm này, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Lê Minh Trí cũng cho rằng cơ chế đột phá cho TP.HCM là hết sức cần thiết để giải quyết hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra. Theo ông Trí, mô hình chính quyền đô thị là một khát vọng lớn của TP trong việc quản lý, phát triển bền vững. “Làm được mô hình này sẽ đảm bảo tốt cho việc quản lý, phù hợp với xu thế hội nhập, tiếp sức cho TP phát triển mạnh mẽ hơn. Mô hình này hiện chưa được T.Ư chấp thuận. Việc chưa được chấp thuận hoàn toàn không có nghĩa là mô hình này có điểm sai hoặc không phù hợp”, ông Trí nói và đề nghị TP nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện mô hình, kiên trì kiến nghị T.Ư cho triển khai thí điểm. Xung quanh vấn đề tài chính, thẩm quyền đầu tư, ông Trí cho rằng cán bộ các sở ngành của TP đủ sức xem xét, đánh giá, phê duyệt được những dự án lớn. Do đó T.Ư cần tin tưởng và mạnh dạn phân cấp để cho TP chủ động thực hiện và tự chịu trách nhiệm; tăng thẩm quyền quyết định đầu tư khi đã có những quy hoạch chuẩn của Chính phủ đề ra, “chứ bây giờ mọi cái vẫn cứ chạy lui chạy tới làm mất thời gian, mất cơ hội”.
Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế vào quản trị công
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, điều mong muốn nhất của TP là không chỉ có cơ chế, chính sách đột phá để TP phát triển mà còn cần có cơ chế điều phối để thực hiện thành công chiến lược quy hoạch vùng. “Ví như chuyện bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai thôi mà họp hoài không ra. 9 - 10 ông chủ tịch mà không có ông nào chỉ huy được ông nào, cho nên tình trạng ăn cắp cát, ô nhiễm đổ ra sông, này kia các cái mà không giải quyết hết được”, ông Hải đánh giá.
Tại hội nghị, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng khẳng định TP sẽ áp dụng tiêu chuẩn quốc tế vào quản trị công, quản trị doanh nghiệp để người dân và doanh nghiệp được thuận lợi nhất, hưởng lợi nhiều nhất. “Đây là một điểm mới và mục tiêu mà đại hội đề ra là hướng đến tạo cảm xúc cho người dân. Phát huy nguồn lực xã hội thì không chỉ phát huy nguồn lực đầu tư bằng tiền mà còn phải chú ý tạo ra, phát huy được cảm xúc, sức sáng tạo của người dân”, ông Thưởng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.