Kỳ vọng đổi đời
Sau chuyến thăm vườn sâm Ngọc Linh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 5.9, Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum đã tổ chức trao 46.500 cây giống sâm Ngọc Linh với tổng trị giá 14 tỉ đồng cho người dân 7 xã của 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông (Kon Tum). Ngoài ra, 13 tổ nhóm sản xuất với 410 công nhân tham gia trồng sâm với công ty cũng được hỗ trợ 39.500 cây giống sâm Ngọc Linh.
Việc "cho không" sâm giống cho người dân 7 xã là lần đầu tiên, nhưng với 13 tổ nhóm sản xuất là người Xê Đăng ở các xã dưới chân núi Ngọc Linh thì họ đã quen. Vườn sâm giống này đã được gầy dựng 21 năm, trải qua các giai đoạn thai nghén và phát triển như hiện nay đều có sự góp công của đồng bào Xê Đăng. Họ tham gia kiểu "liên kết" với công ty.
tin liên quan
Thu hơn 4 tỉ sau phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 12Theo anh Chung, cái ăn của gia đình công nhân trồng sâm khá ổn định, cuối năm lại dư được 100 cây sâm nên ai cũng muốn làm công nhân trồng sâm. Ở làng Đăk Dơn, ban đầu lèo tèo vài người, hiện nay có 84 hộ tham gia trồng sâm. Còn ở 2 xã Tê Xăng và Măng Ri hiện đã có hơn 400 lao động trồng, chăm sóc sâm.
Ông Lê Đức Thảo, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum, cho biết việc cấp giống sâm Ngọc Linh cho các hộ dân với mong muốn giúp người dân Xê Đăng nơi đây nhanh chóng thoát nghèo, làm giàu chính đáng từ loại dược liệu quý này.
Thế nhưng Kon Tum không chỉ có sâm Ngọc Linh mà còn có nhiều cây dược liệu quý khác như hồng đẳng sâm, sâm đương quy, táo mèo, ngũ vị tử… Ông A Thắng, ở làng Đăk Kinh 2, xã Ngọc Lây, H.Tu Mơ Mông, cho biết gia đình ông có 300 m2 trồng cây sâm đương quy xung quanh nhà. Loại cây này rất dễ trồng, ít công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế cao. Với giá 40.000 đồng/kg sâm đương quy, ông Thắng thu về gần 10 triệu đồng/mùa.
Anh A Chẻ ở làng Đăk Pré, xã Ngọc Lây, H.Tu Mơ Rông cũng trồng sâm đương quy trên rẫy với diện tích 1.000 m2, xen với cây bắp. Vừa qua, anh Chẻ bán được 15 triệu đồng, gấp chục lần so với trồng cây mì trước đây.
tin liên quan
Di thực sâm Ngọc LinhXây dựng vùng dược liệu quy mô lớn
Theo điều tra của Viện Dược liệu, Bộ Y tế thì tỉnh Kon Tum có khoảng 835 loài cây thuốc và nấm làm thuốc, thuộc 549 chi, 191 họ của 6 ngành thực vật khác nhau. Trong đó, có 35 loài, thuộc 27 họ thực vật thuộc diện quý hiếm cần bảo tồn. Thế nhưng theo bà Đoàn Thị Tuần, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Kon Tum, mỗi năm các cơ sở đông y tỉnh này sử dụng từ 200 - 600 tấn dược liệu nhưng chỉ sử dụng không quá 30% nguồn dược liệu địa phương. Nguyên nhân là do phải tuân theo những quy định của luật đấu thầu thuốc và nguyên tắc bào chế dược liệu. Vì vậy, nguồn dược liệu ở đây bán tháo ra thị trường giá rẻ và phải mua lại với giá đắt đỏ.
Chính vì "thua trên sân nhà" bao năm qua, nên tỉnh Kon Tum quyết tâm xây dựng vùng dược liệu quy mô trên địa bàn toàn tỉnh. Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, phấn đấu đến năm 2020, tỉnh sẽ đầu tư hoàn thiện hạ tầng và hình thành khu sản xuất dược liệu tập trung quy mô lớn; hình thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển dược liệu quốc gia tại tỉnh Kon Tum. Đến năm 2030 phát triển vùng sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác của tỉnh này trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia.
Theo đó, đến năm 2020, phát triển 2.000 ha vùng nuôi trồng dược liệu có giá trị kinh tế và sức tiêu thụ mạnh trên thị trường (trong đó có ít nhất 1.000 ha sâm Ngọc Linh); hình thành ít nhất 2 cơ sở sản xuất giống sâm Ngọc Linh, 1 cơ sở sản xuất giống dược liệu khác và thu hút đầu tư 10 cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu theo chuỗi liên kết phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu. Đến năm 2030, nâng tổng diện tích vùng nuôi trồng dược liệu đạt khoảng 25.000 ha (trong đó có 10.000 ha sâm Ngọc Linh); mỗi năm ngành dược liệu đóng góp 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.
Bình luận (0)