Xây cầu, đường xuyên rừng đặc dụng
UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản gửi Ủy ban Quốc gia UNESCO tại VN cho ý kiến về việc làm quốc lộ xuyên Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Theo UBND tỉnh, việc Bình Phước đề xuất xây cầu Mã Đà và các hạng mục phụ trợ sẽ kéo theo hình thành tuyến đường dài 40 km đi qua vùng lõi của rừng đặc dụng, gây ra những tác động nghiêm trọng tới vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.
Xây cầu Mã Đà sẽ kéo theo tuyến đường xuyên qua vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai |
Lê Lâm |
Tỉnh Đồng Nai cho rằng việc xây dựng cầu sẽ gây chia cắt, phân mảnh hệ sinh thái, ảnh hưởng sinh cảnh của các loài động vật hoang dã do xe cộ chạy qua. Chưa kể, việc làm cầu Mã Đà, đường xuyên khu dự trữ sinh quyển sẽ phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng công tác bảo tồn 3 di tích lịch sử cấp quốc gia. Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai rộng trên 100.000 ha, cùng với Vườn quốc gia Cát Tiên, Ramsar Bàu Sấu, Khu bảo tồn vùng nước nội địa Trị An - Đồng Nai, đã được Ủy ban UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2011.
Đây không phải lần đầu tiên dự án xây cầu Mã Đà được đề xuất. Từ năm 2003, UBND tỉnh Đồng Nai đã lập dự án xây dựng cầu Mã Đà trên tuyến đường Bà Hào - sân bay Rang Rang nối 2 tỉnh Đồng Nai - Bình Phước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hồ sơ dự án, xét thấy lưu lượng xe trên tuyến đường này chưa nhiều, cầu Mã Đà có mức vốn đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách tỉnh còn khó khăn nên lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã quyết định chưa đầu tư. Đúng thời điểm đó, tỉnh Bình Phước lại lên phương án làm đường từ trung tâm TX.Đồng Xoài tới sông Mã Đà bằng ngân sách, có tổng mức đầu tư 173 tỉ đồng.
Từ năm 2013, tỉnh Bình Phước bắt đầu triển khai dự án. Sau khi toàn bộ phần đường (khoảng 29,5 km) được làm xong, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Bình Phước gửi công văn đến Sở GTVT Đồng Nai đề nghị phối hợp để triển khai làm cầu, thì nhận được phản hồi không đồng ý với lý do “việc đầu tư xây dựng cầu Mã Đà là chưa phù hợp với quy hoạch tổng thể dự án Đầu tư phát triển Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai giai đoạn 2012 - 2020 và làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ diện tích rừng hiện hữu, khả năng sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm”.
Nhưng từ đó đến nay, Bình Phước vẫn cho rằng việc xây cầu Mã Đà sẽ giúp kết nối các tỉnh Tây nguyên và Bình Phước với sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải, rút ngắn 60 km so với lộ trình hiện nay. Ngoài ra, khi có cầu Mã Đà, tuyến đường từ cảng Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) đi Tây nguyên, rẽ sang QL13 qua Campuchia ra vịnh Thái Lan cũng sẽ rút ngắn thời gian, đáp ứng nhu cầu hội nhập, giao thương kinh tế quốc tế. Do đó, tỉnh Bình Phước liên tục gửi nhiều văn bản, thậm chí “cầu cứu” tới Bộ GTVT để tìm phương án xây cầu nhưng tỉnh Đồng Nai vẫn bảo lưu quan điểm của mình …
Mất mát, tổn hại nhiều hơn cái lợi về kinh tế
Rất cân nhắc về vấn đề bảo tồn và phát triển kinh tế, TS Trần Văn Mùi, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học VN, cho rằng có nhiều tuyến đường cao tốc, đường liên tỉnh, đường quốc lộ mang ý nghĩa chiến lược phát triển kinh tế quan trọng, buộc phải làm và chấp nhận sự mất mát, đánh đổi về môi trường. Tuy nhiên, trường hợp xây cầu Mã Đà không xứng đáng để đánh đổi.
Ông phân tích: Bình Phước và Đồng Nai hiện đều là 2 địa phương đang phát triển kinh tế rất tốt. Việc rút ngắn được khoảng cách 60 km giữa 2 tỉnh hay kết nối tốt hơn từ Bình Phước tới sân bay Long Thành không tác động quá nhiều đến tốc độ phát triển của địa phương trong tương lai. Đặc trưng của Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai là quần thể phân bố những loài thú lớn còn sót lại duy nhất tại phía nam. Đó là 200 con bò rừng, là những đàn voi châu Á, các loài thú lớn mà các rừng quốc gia khác không có. Việc xây cầu sẽ hình thành tuyến đường 40 km xuyên qua vùng lõi rừng đặc dụng, gây chia cắt hệ sinh thái, mất liên kết hành lang đa dạng sinh học. Nếu làm suy giảm các quần thể này, chúng ta sẽ mất đi nguồn tài nguyên thiên nhiên không thay thế được. Đây không chỉ gây thiệt hại cho Đồng Nai mà còn là sự mất mát của cả quốc gia và thế giới vì rừng đặc dụng thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận năm 2011. Ngoài ra, đây còn là mảnh đất “nhạy cảm” không chỉ về tài nguyên đa dạng sinh học mà còn về văn hóa. Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai trước là chiến khu D - nơi rất nhiều chiến sĩ đã đổ máu cho công cuộc giải phóng đất nước.
Thay vào đó, có thể làm đường vòng đi qua hồ Trị An. Đường ven hồ đã có sẵn, có thể kéo dài và nâng cấp, cải tạo. Không những thế, TS Trần Văn Mùi lo ngại với 40 km đường xuyên rừng, không thể bảo đảm hai bên đường sẽ không có người ở, không phát triển đô thị. Thực tế, ngay sau khi có thông tin tái khởi động dự án cầu Mã Đà, từ cuối tháng 3 tới nay, hàng trăm cò đất khắp nơi đã ồ ạt đổ về thổi giá đất tại xã Tân Lợi, H.Đồng Phú (giáp ranh khu vực dự kiến làm cầu). Giá đất khu vực này theo khảo sát đã tăng chóng mặt tới 50%, gây náo loạn vùng quê. “Với tập tục đổ ra mặt đường của người Việt, chắc chắn sẽ xuất hiện tình trạng xâm chiếm lề đường, tạo lợi ích nhóm cho giới đầu cơ đất và các doanh nghiệp. Lợi ích kinh tế không xứng đáng để đánh đổi” , TS Trần Văn Mùi quả quyết.
Đồng quan điểm, GS-TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển VN, cho rằng nếu làm dự án như đề xuất là phải hy sinh vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vì khi đó, liên kết hành lang đa dạng sinh học bị chia cắt, ảnh hưởng đến sinh cảnh của các loài động vật quý hiếm, phương tiện đi lại trên đường sẽ gây chết động vật hoang dã, ô nhiễm đất, nước, không khí do việc xây dựng, phương tiện lưu thông và các tác động khác do gia tăng hoạt động của con người. Đồng thời, việc làm đường xuyên vùng lõi khu bảo tồn sẽ kéo theo suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, không đảm bảo các tiêu chí, chức năng của một khu dự trữ sinh quyển thế giới.
GS-TS Nguyễn Hoàng Trí đặt vấn đề: Hãy nêu cụ thể xem nếu rút ngắn được quãng đường 60 km là thu được bao nhiêu tiền? Sẽ đóng góp vào tăng trưởng GDP của tỉnh được bao nhiêu? Nếu phá thì rất nhanh nhưng để có được vùng lõi khu bảo tồn với nhiều loài động thực vật quý hiếm thì phải hàng triệu năm mới có được. Hơn nữa, đây là vùng lõi khu bảo tồn sinh quyển và phải tuân theo các quy định của VN. Hàng loạt quy định như luật Bảo vệ môi trường, luật Lâm nghiệp, luật Đa dạng sinh học đều nêu rõ cấm các hoạt động kinh tế đi qua khu bảo tồn.
GS-TS Nguyễn Hoàng Trí nêu quan điểm: “Thủ tướng Chính phủ đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo Thỏa thuận Paris. Vì vậy, phải ngừng ngay tư duy xây đường ngang qua khu bảo tồn thiên nhiên. UNESCO chỉ là đơn vị công nhận còn việc gìn giữ, bảo tồn là phải do chính chúng ta thực hiện. Nếu chờ đến khi tổ chức này chỉ ra cái sai, đưa VN ra khỏi danh sách các khu sinh quyển thế giới thì đó là câu chuyện đáng xấu hổ. Chúng ta phải bảo tồn giá trị văn hóa, bảo vệ thiên nhiên nguyên vẹn cho con cháu đời sau. Để phát triển kinh tế vẫn có thể làm đường vòng, đường tránh mà không cắt ngang vùng lõi của rừng đặc dụng”.
Bình luận (0)