Tuyệt chiêu “dụ” ong rừng
Ngôi làng ở thôn 6 xã Phước Lộc (H.Phước Sơn, Quảng Nam) nằm lọt thỏm giữa thung lũng dưới đỉnh núi Ngọc Linh. Đây cũng là xã xa nhất của H.Phước Sơn, giáp ranh tỉnh Kon Tum. Người ta biết nhiều đến vùng đất hẻo lánh ấy, bởi thôn 6 được “tặng” nhiều biệt danh: làng tự lập, làng lắm chuyện, làng nuôi ong...
tin liên quan
'Vỡ mộng' thu tiền bảo kê trại ongNgồi tựa lưng vào nhà gươl đầu làng, già làng Hồ Văn Đồng khoe dân làng ở đây khá hơn nơi khác bởi có nghề nuôi ong truyền thống. Trước đây, mật ong thường được mang xuống tận trung tâm xã để đổi gạo, muối. Đến khi mật ong được biết đến nhiều, đồng bào thay đổi cách thức: không đổi hàng nữa mà tự tin bán lấy tiền. Vật dụng gia đình được mua sắm nhiều kể từ đó… “Từ khi biết đến con ong, người dân ở cái làng này không khi nào lo bị đói cả”, già Đồng cười tươi.
|
Cách dân làng thôn 6 lấy mật ong rừng cũng hết sức nhẹ nhàng và… độc đáo. Già Đồng bật mí, vào khoảng đầu tháng 2 âm lịch, tiết trời ấm áp, người dân vào rừng chuẩn bị bộng (bọng) để dụ đàn ong về làm tổ. Những thân cây lớn, nằm gần bờ suối, có nhiều bóng mát sẽ được chọn. Lẽ dĩ nhiên những loại cây có mùi hương để làm bộng được ưu tiên hơn. Mỗi năm, họ vừa đục tạo bộng mới, vừa kiểm tra lại các bộng cũ xem có cái nào bị hư hại để “sửa chữa”. Và rồi, họ chờ ngày khai thác mật…
Bộng ong được đục trên thân cây cách mặt đất chừng 1 m, sâu khoảng 40 cm và rộng 25 cm. Người dân xuống suối tìm đá mang lên đậy miệng bộng, rồi lấy đất bịt kín kẽ hở xung quanh, chỉ chừa lại 1 - 2 lỗ nhỏ bằng ngón tay cho ong chui vào. “Các cây được chọn để làm tổ phải đủ lớn, đủ độ cứng để khi đục bộng “xây” tổ cho ong thì cây không… bị chết. Bộng càng lớn, lượng mật càng lấy được nhiều”, già Đồng tiết lộ.
|
Hòn đá “chủ quyền”
Sau khi đục bộng và gắn đá làm tổ xong, người Giẻ Triêng lại ra bờ suối chọn đá có kích thước phù hợp rồi mài cho vừa khớp với miệng bộng, làm cửa. Lúc đó, ngôi nhà cho ong hoàn thành. Ở dọc miệng bộng, họ chừa các lỗ nhỏ để ong chui ra chui vào. “Bí quyết thành công chủ yếu nằm ở việc lựa chọn hòn đá bịt miệng bộng, nên cần phải được lựa chọn kỹ càng. Mỗi hòn đá có những dấu hiệu riêng để loài ong đánh dấu, kéo về làm tổ. Vì vậy người bản địa coi đó là những hòn đá chủ quyền”, già Hồ Văn Nhỏ (57 tuổi, ở thôn 6) lý giải.
Từ khi biết đến con ong, người dân ở cái làng này không khi nào lo bị đói cả
Già làng Hồ Văn Đồng
|
Theo già Nhỏ, mỗi viên đá sẽ gắn bó với cái nhà của ong suốt cả cuộc hành trình, kéo dài thậm chí hàng chục năm, vì vậy cần phải giữ cho bằng được viên đá để sử dụng mùa sau. Năm nay dùng viên đá này, năm sau thay viên đá khác thì đàn ong sẽ bỏ tổ… Nhưng cũng phải chờ đến khoảng tháng 5 âm lịch, người dân mới có thể tự tin vào rừng lấy mật từ các bộng cây. “Làng có 35 hộ dân nhưng sở hữu hàng trăm bộng mật ong ở trong rừng. Cũng nhờ đó, kinh tế của gia đình ngày càng được cải thiện”, già Nhỏ nói.
|
Già Hồ Văn Mến (56 tuổi) được biết đến là “đại gia” mật ong của làng khi sở hữu gần 200 tổ ong ở trong rừng, thu hàng trăm lít mật mỗi năm. Chỉ vào những thùng chứa đầy mật ong đang được cất giữ cẩn thận ở trong kho, già Mến cười nói: “Những vật dụng có được trong gia đình, hay tiền nong cho 5 đứa con ăn học đàng hoàng, cũng nhờ nó cả đấy. Ở cái xứ này, nếu không nhờ con ong thì cũng không biết làm chi cho ra tiền”. Nhưng dù là thứ “đẻ” ra tiền, nhưng người làng có tập tục không lấy trộm của nhau. Bộng cây của ai, người đó sở hữu. Các bộng ong đều có những dấu hiệu riêng để phân biệt chủ sở hữu, và họ mặc nhiên coi đó là tài sản riêng nên không tranh giành, xâm phạm. Đã nhiều đời nay, làng chưa xảy ra một vụ mất trộm bộng ong, kể cũng lạ.
Giữ nghề, giữ rừng
|
Từ làng, mất chừng 30 phút ngược núi chúng tôi tiếp cận được những tổ ong ở trong thân cây cổ thụ giữa rừng già. Anh Hồ Văn Phước (36 tuổi) đang sở hữu hơn 30 tổ ong bộng cho hay mỗi tổ ong sẽ lấy được 1 - 2 lít mật. Mỗi “mùa”, anh thu về ít nhất cũng hơn 50 lít mật ong. Hiện nay, giá 1 lít mật ong bán ra là 400.000 đồng, dịp cận tết có thể tăng lên 500.000 đồng hoặc hơn nữa.
Theo anh Phước, người dân bảo vệ rừng từ khi cây còn nhỏ, để khi cây lớn có thể trở thành nơi làm tổ cho ong. Muốn vậy, phải có những gốc cây đủ lớn, đủ cứng. Anh Phước không nhớ kiểu “xây” nhà cho ong có từ bao giờ, chỉ biết hồi còn nhỏ đã lon ton theo cha vào rừng lấy mật. Anh nghe kể, nhiều nơi người ta lấy mật ong rất đơn giản: đẵn hạ cây rừng. Những cánh rừng nguyên sinh mất dần cũng vì cách thức ấy. Nhưng với người Giẻ Triêng thì khác, chỉ cần đục một lỗ ở thân cây “dụ” ong về.
“Ong mật ưa chọn những cây thân bị mục rỗng, tạo thành bộng rồi chui vào ở. Biết được đặc điểm này, người mình đục cây làm nhà cho ong. Vì thế, cây càng lớn càng tốt. Mất rừng, người mình mất đi nguồn lợi lớn”, anh Thước chia sẻ.
Ông Hồ Văn Đoàn, Trưởng công an xã Phước Lộc, cho hay để giữ nghề truyền thống, đồng bào Giẻ Triêng luôn biết cách bảo vệ rừng. Ông Đoàn cũng là người dân thôn 6 nên quá tường tận chuyện này. Khi đi thăm bộng ong, họ phát hiện các dấu hiệu phá rừng sẽ báo ngay cho chính quyền can thiệp, xử lý. “Nhờ vậy mà hàng chục năm nay, ở làng này chưa bao giờ xảy ra chuyện phá rừng. Với đồng bào, có rừng thì họ mới giữ được nguồn lợi kinh tế của mình”, ông Đoàn nói.
Ông Đoàn nhẩm tính mỗi gia đình ở thôn 6 đều sở hữu gốc cây cổ thụ, nơi có “nhà” của ong. Nhà ít cũng 20 gốc, nhiều thì cả mấy trăm gốc. “Người dân từ bao đời bám vào rừng để sống. Họ chưa bao giờ ỷ lại, trông chờ vào chính quyền mà luôn tìm cách tự vươn lên. Đó là một điều hiếm có đối với các làng bản ở vùng cao”, ông Đoàn cả quyết.
Bình luận (0)