|
Quê ở H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng, anh Hiển cùng vợ là chị Nguyễn Thị Cảnh, 37 tuổi, tình nguyện ra đảo Trần từ tháng 11.2005 với mong muốn xây dựng kinh tế ở vùng đất mới.
Anh Hiển cho biết, những ngày đầu sống trên đảo gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Hằng ngày, anh Hiển đi đánh cá, chị Cảnh lấy hàng tạp hóa từ trong đất liền ra bán cho lính đảo.
Đến nay, cuộc sống của vợ chồng anh đã tạm ổn định: 2 con trai ở cùng ông bà trong đất liền; chị Cảnh được cử đi đào tạo để trở thành cán bộ UBND xã đảo Trần sẽ ra đời trong tương lai; anh Hiển được Công ty đầu tư, xây dựng và thương mại, thuộc Tổng công ty Đông Bắc, nhận vào làm việc tại dự án thi công nhà ở cho người dân và trụ sở làm việc của chính quyền xã đảo Trần mà đơn vị này trúng thầu.
Ông Trần Văn Điệu, Phó giám đốc Công ty đầu tư, xây dựng và thương mại cho biết, khu nhà làm việc của UBND xã cũng như trạm y tế, trường học và nhà dân sẽ tạo ra cảnh quan giống một làng quê Bắc bộ thu nhỏ với 17 căn nhà kiên cố, diện tích 77 m2/căn, vệ sinh khép kín. Do xa đất liền nên việc xây dựng gặp nhiều khó khăn nhưng đơn vị sẽ cố gắng hoàn thành giữa năm nay.
Xã đảo Trần được tách ra từ xã Thanh Lân, có diện tích tự nhiên 556 ha, gồm đảo Trần, hòn Bồ Cát và hòn Bắc Bồ Cát. Việc vận động nhân dân ra đảo được thực hiện từ tháng 7.2012. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2015 sẽ có khoảng 30 - 35 hộ dân sinh sống tại đây. Trên đảo đã có 3 hồ chứa nước ngọt và hệ thống máy bơm cấp nước.
Ngày 24.1 vừa qua, Thủ tướng đã phê duyệt xây dựng đảo Trần thành Đảo thanh niên. Theo chị Nguyễn Thị Thu Hà, Phó bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ninh, trong số 17 gia đình sắp ra đảo, có 14 hộ ở tuổi thanh niên.
Vũ Ngọc Khánh
Bình luận (0)