Xe bánh mì được cả chàng Tây "thay áo mới"
Phố cổ Hội An được lựa chọn là điểm đến lý tưởng vì rất nhiều lý do. Trong đó, Hội An âm thầm níu chân du khách thập phương đôi khi chỉ vì những tiệm ăn, đồ uống đơn sơ, những gánh hàng rong nép mình bên lề đường tấp nập.
Bà Đoàn Thị Kim Thu trải lòng về gần 40 năm gắn bó với nghề bán bánh mì vỉa hè |
mạnh cường |
Các hàng quán bình dị trong khu phố cổ còn "gây nhớ" bởi hương vị đặc trưng riêng biệt và phải kể đến bánh mì.
Nằm ở địa chỉ số 83 Hùng Vương (TP.Hội An), xe bánh mì của bà Đoàn Thị Kim Thu (66 tuổi, ở P.Cẩm Phô) có tuổi đời hơn 40 năm. Với nhiều người, đây là xe bánh mì lâu đời nhất ở phố Hội. Những ngày này, khi tìm đến thưởng thức những ổ bánh mì do bà Thu làm ra, nhiều thực khách không khỏi ngạc nhiên. Họ ngạc nhiên không phải hương vị đã thay đổi, mà bởi nay xe bánh mì đã được khoác lên một “tấm áo mới” đa sắc màu.
"Xe bánh mì hôm nay ai trang trí cho mà đẹp thế cô?", một vị khách quen hỏi. Nghe vậy, bà Thu liền nở nụ cười hiền hậu: “Đẹp không? Mới được anh chàng ngoại quốc vẽ cho đấy!”.
"Anh chàng ngoại quốc" mà bà Thu nhắc đến có tên là Adam PalmeTer, họa sĩ quốc tịch Pháp.
Theo bà Thu, cách đây khoảng 1 tuần, một du khách Tây đến ăn bánh mì, khi thưởng thức xong một ổ liền gọi thêm ổ thứ 2.
Mỗi ổ bánh mì có giá 10.000 đồng |
mạnh cường |
“Vừa ăn, người này vừa đưa ngón tay cái lên rồi bảo “gút, gút” (Good, good - PV). Ý nói bánh mì này rất ngon và vị rất đặc biệt”, bà Thu nhớ lại.
Sau khi ăn xong, vị khách ngoại quốc này giới thiệu anh là họa sĩ đến từ Pháp. Anh ấy bảo muốn vẽ mới miễn phí tủ bánh mì này và hỏi bà Thu có đồng ý hay không.
Khi chủ nhân gật đầu đồng ý, vị khách tỏ ra rất vui và dọ hỏi khi nào thì có thể bắt đầu công việc "làm đẹp".
“Tôi bảo cứ vào buổi trưa vắng khách thì anh cứ đến. Thế là, 3 ngày liền, tranh thủ khoảng 1 giờ đồng hồ buổi trưa, anh khách Tây lại tìm đến vẽ. Khi hoàn thành tác phẩm, thay vì tôi nói cảm ơn, anh ấy lại liên tục cảm ơn tôi”, bà Thu cười nói.
Những ngày sau đó, chàng trai ngoại quốc cùng bạn gái luôn tìm đến để được thưởng thức những ổ bánh mì do chính tay bà Thu làm ra. Khi chuẩn bị về nước, anh vẫn đưa bạn gái đến ăn bánh mì và chào tạm biệt.
“Khi ăn xong ổ bánh mì, anh chàng này đưa điện thoại cho tôi đọc với dòng chữ đã được phiên dịch: “Ngày mai rời đi rồi. Cô hãy ở đây và chờ, đừng chuyển vị trí đi đâu nhé, vì khi quay lại Hội An chúng tôi nhất định sẽ tìm đến đây để được thưởng thức lại hương vị này. Bánh mì này rất ngon, chúng tôi sẽ nhớ hương vị này lắm!”, bà Thu chia sẻ.
Ăn một lần sẽ nhớ mãi
Năm 1985, bà Thu bén duyên với nghề bán bánh mì vỉa hè. Chính xe bánh mì này đã giúp bà nuôi sống gia đình, chăm lo đủ đầy cho 2 con ăn học đến nơi đến chốn. Công việc buôn bán của bà bắt đầu từ 5 giờ sáng cho đến 23 giờ mỗi ngày. Trung bình mỗi ngày, bà bán 250 – 300 ổ mì.
“Trước đây, chỉ bán từ 3.000 – 5.000 đồng/ổ, nhưng nay mọi thứ trở nên đắt đỏ nên giá cũng tăng lên. Hiện mỗi ổ bánh mì tôi bán 10.000 đồng. Vòng đời lăn bánh của chiếc xe này chắc giờ nhiều hơn tuổi thọ của tôi nữa”, bà Thu vui vẻ.
Xe bánh mì được chàng trai ngoại quốc thay áo mới |
mạnh cường |
Từ khi đến với nghề bán bánh mì, bà Thu đã chuyển 3 vị trí. Nhưng khách quen với hương vị của những ổ bánh mì bà Thu, bằng mọi cách họ hỏi thăm rồi tìm đến thưởng thức cho bằng được. Nhiều người gọi bánh mì của bà là “bánh mì nhà quê”.
“Có những người ăn bánh mì tôi làm, hơn 10 năm sau quay về cũng cố gắng tìm đến thưởng thức trở lại. Họ bảo, dù thời gian xa cách bao lâu, hương vị này vẫn không bao giờ thay đổi và nằng nặc yêu cầu phải giữ cho được hương vị này, đừng thay đổi”, bà Thu chia sẻ.
Xe bánh mì với nguyên liệu tuy đơn giản nhưng hương vị mang một đặc trưng khó tả |
mạnh cường |
Không những khách Việt, mà nhiều du khách nước ngoài cũng thường xuyên tìm đến với xe bánh mì có tuổi đời gần 40 năm ở phố cổ này.
“Thấy vậy chứ xe bánh mì này đã "phục vụ" cho 4 thế hệ trong 1 gia đình rồi đó. Cha mẹ ăn một lần rồi kéo theo con, cháu… tìm đến ăn. Bây giờ, họ vẫn trung thành với hương vị này”, bà Thu nói, giọng đầy tự hào.
Gắn bó gần 40 năm với xe bánh mì, điều khiến bà Thu ân hận nhất là việc 2 người con đi học hết 12 năm nhưng chưa khi nào bà đi... họp phụ huynh được một lần.
“Làm nghề này rất ít khi được trò chuyện, tâm sự, quan tâm các con. Vì bản thân mình cứ cuốn theo trong công việc, khi mình về thì con đã đi ngủ, khi mình kéo xe ra khỏi nhà thì con chưa dậy. Nhiều đêm về thấy con mà chảy nước mắt”, bà Thu trải lòng.
Tôi hỏi: “Gắn bó với xe bánh mì này hàng chục năm rồi, giờ cũng có tuổi rồi, sao cô không tính đến chuyện nghỉ bán?".
Bà Thu đáp: “Khách hàng nhiều, nên mình không thể bỏ họ được. Tôi bán bánh mì mấy chục năm nay không bao giờ lo mất khách, bởi họ đã quá quen với hương vị này. Tiền bạc thì một phần, nhưng bản thân tôi thấy sức khỏe vẫn đảm bảo nên sẽ cố gắng phục vụ thực khách của mình”.
Xe "bánh mì nhà quê" của bà Thu nằm ở số 83 đường Hùng Vương |
mạnh cường |
Chị Lê Thị Hạnh (35 tuổi, nhà trên đường Hùng Vương) cho biết nhiều thành viên trong gia đình chị là “khách quen” của xe bánh mì bà Thu.
“Xe bánh mì này nó không đẹp về hình thức bên ngoài, nhưng giá trị hương vị nó mang lại thì vô cùng tuyệt vời. Có thể nói, ăn một lần sẽ nhớ mãi”, chị Hạnh tâm sự.
Bình luận (0)