Xe buýt liên tỉnh hạng sang giúp nâng tầm sân bay

25/12/2018 08:30 GMT+7

Tuyến xe buýt liên tỉnh hạng sang không trợ giá, xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đi Bà Rịa-Vũng Tàu và ngược lại đã lập lại trật tự giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ ngành vận tải công cộng.

Tuyến xe buýt liên tỉnh hạng sang góp phần vào chương trình đột phá của UBND TP.HCM.
Thời gian qua, dư luận liên tục phản ánh về tình trạng xe hợp đồng chạy “trá hình” chạy tuyến cố định. Trong đó, sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) đã trở thành bến “cóc” khủng kéo theo tình trạng chèo kéo, mời chào bắt khách làm ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự, ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên tại đây.

Lập lại trật tự, thay đổi diện mạo xe buýt bằng mô hình tiên tiến

Chính vì thế, Sở Giao thông vận tải TP.HCM vào tháng 6.2018 đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải xin chủ trương mở các tuyến xe buýt liên tỉnh không trợ giá hoặc tuyến cố định hoạt động từ sân bay TSN nhằm lập lại trật tự và giảm ùn tắc giao thông tại khu vực này. Sau khi có sự đồng thuận từ Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan chức năng tại TP.HCM đã họp bàn cùng các cơ quan liên quan tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Cảng vụ hàng không miền Nam và Cảng hàng không quốc tế TSN để tiến hành tổ chức tuyến xe buýt liên tỉnh như trên.
Đầu tháng 11.2018, liên sở Giao thông vận tải TP.HCM và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có tờ trình gửi UBND TP.HCM và UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc mở tuyến xe buýt liên tỉnh không trợ giá từ sân bay TSN đi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại. Theo tờ trình, tuyến xe này sẽ có cự ly trung bình khoảng 105 km, thời gian hoạt động từ 0 giờ đến 23 giờ 30 hằng ngày. Sau khi có tờ trình, UBND TP.HCM đã có văn bản giao Sở Giao thông vận tải TP.HCM quyết định và chịu trách nhiệm tổ chức tuyến xe trên. Tiếp đó, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có văn bản thống nhất chủ trương đề xuất. Đến nay, sân bay TSN đã có bảng thông tin tuyến và kẻ vạch sẵn cho tuyến xe buýt này trong sân bay để dừng đón, trả khách.

Đội xe buýt liên tỉnh “sang chảnh” đã sẵn sàng

Bảng thông tin tuyến xe buýt liên tỉnh hạng sang tại sân bay Tân Sơn Nhất
Bảng thông tin tuyến xe buýt liên tỉnh hạng sang tại sân bay Tân Sơn Nhất
Đặc biệt, cũng theo tờ trình trên, để đáp ứng nhu cầu của hành khách, loại phương tiện dùng trên tuyến xe này được lắp đặt thiết bị phát sóng wifi để hành khách sử dụng. Xe còn hỗ trợ hành khách cập nhập thông tin chuyến bay, thay đổi giờ bay (nếu có). Dịch vụ của tuyến xe buýt còn hỗ trợ hành khách từ check-in, check-out, đặt vé, đổi vé… đến hỗ trợ cả hành lý cho khách tại các băng chuyền ở nhà ga, dịch vụ đặt chỗ cho khách đang ở nước ngoài…
Bên cạnh đó, vì tuyến xe buýt này có cự ly dài (khoảng 105 km) nên các đơn vị thống nhất phương tiện hoạt động không bố trí chỗ đứng nhằm đảm bảo chất lượng phục vụ cũng như an toàn cho hành khách khi di chuyển. Trả lời báo chí vào tháng 8.2018, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cũng cho biết: “Do đặc thù của tuyến là đến và đi từ sân bay có cự ly tương đối dài, nên xe buýt hoạt động trên tuyến này sẽ khác các tuyến xe buýt hoạt động nội tỉnh là không bố trí chỗ đứng trên xe”.
Việc xe buýt liên tỉnh hoặc các tuyến buýt không trợ giá có cự ly dài không được bố trí chỗ đứng cũng đã khá quen thuộc, như các tuyến nối TP.Đà Lạt với TP.Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), hoặc tuyến 120 tại TP.HCM chuyên phục vụ khách du lịch đi qua các điểm tham quan nổi tiếng.
Đến nay, Công ty cổ phần đầu tư AVI, đơn vị vận tải đảm nhận tuyến xe trên, cho biết công tác chuẩn bị đã hoàn thiện. Công ty đã trang bị dàn xe DCar Hạng Thương Gia với 19 chỗ ngồi rộng rãi, được bọc da hạng sang theo chuẩn hạng thương gia của ngành hàng không, được thiết kế với cơ chế gập duỗi đem đến sự thoải mái, hài lòng cho hành khách. Kèm theo đó còn có các tính năng giải trí đa phương tiện, wifi, cổng sạc USB dành cho thiết bị di động…
Từ những đặc điểm vừa nêu, tuyến xe buýt này dựa trên mô hình tiên tiến mà ở nhiều nước phát triển như Mỹ, Úc… đã áp dụng từ nhiều năm qua để giải tỏa áp lực, nâng cao chất lượng dịch vụ tại sân bay là điều hết sức cần thiết và được đông đảo hành khách ủng hộ. Từ đây, có thể nhân rộng mô hình cho các tỉnh, thành trên cả nước vì lợi ích và hiệu quả của nó mang lại.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, nhận định tuyến xe buýt liên tỉnh không trợ giá hoặc tuyến cố định đưa khách thẳng từ sân bay TSN về các tỉnh, thành lân cận vừa góp phần kéo giảm nạn xe “dù” chèo kéo khách, vừa giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, thỏa mãn nhu cầu di chuyển bằng phương tiện chất lượng cao của hành khách.
“Xã hội phát triển, nhu cầu đi lại của người dân ngày càng cao và ngành vận tải sẽ phải liên tục chuyển mình đổi mới để đáp ứng kịp thời. Với các điều kiện khá chặt chẽ, chắc chắn trong thời gian thí điểm, Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải TP sẽ có đánh giá, thay đổi phù hợp để hoàn thiện loại hình vận tải mới này, không chỉ ở chặng TSN - Vũng Tàu mà còn có thể mở rộng thêm ra các tỉnh lân cận khác”, ông Tính nói.
Theo phương án đề ra, tuyến xe buýt trên có tên “Sân bay Tân Sơn Nhất - Đường cao tốc - Bến xe Vũng Tàu”.
Lộ trình lượt đi: sân bay TSN - Trường Sơn - Trần Quốc Hoàn - Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ - đường cao tốc (TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) - quốc lộ 51 - Bình Giã - Thống Nhất - Lê Hồng Phong - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Bến xe Vũng Tàu.
Lộ trình lượt về: Bến xe Vũng Tàu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Hồng Phong - Thống Nhất - Bình Giã - quốc lộ 51 - đường cao tốc (TPHCM - Long Thành - Dầu Giây) - Mai Chí Thọ - xa lộ Hà Nội - Điện Biên Phủ - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bạch Đằng - Phan Đăng Lưu - Hoàng Văn Thụ - Phan Đình Giót - Trường Sơn - cầu vượt vào sân bay TSN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.