Xế chiều hiu quạnh

04/03/2020 08:33 GMT+7

Sinh cả bầy con, nhưng có những người lúc về già phải sống trong cảnh... xế chiều hiu quạnh. Cha mẹ tủi thân khóc thầm, còn con cái cũng lắm nỗi niềm!

Sau tết, căn nhà của bà Phan Thị Nga (76 tuổi, H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) vắng tanh. Qua mấy ngày sum họp, đám con cháu của bà lại kéo nhau đi hết. Bà Nga lôi trong tủ ra cái gối ôm dài, cười như mếu: “Đêm đêm tui ngủ cùng đứa con này đây”.

Thèm tiếng người !

Bà Nga có bảy người con và hơn chục đứa cháu, nhưng không ai sống chung với bà. Hằng ngày, bà tự đi chợ nấu ăn rồi lui cui quét dọn nhà cửa. Cách đây ba tháng, bà bị ngộ độc thực phẩm, phải lết qua nhà hàng xóm cầu cứu. Từ đó, bà lo sợ bị đột quỵ trong đêm, không ai phát hiện kịp thời. Bà Nga kể: “Trong huyện này từng xảy ra vụ người cha ở một mình chết thúi trong nhà mấy ngày. Hai người con của ông sống gần đó cũng không hay biết”.

Già hóa với tốc độ nhanh chưa từng có

Hội nghị công bố kết quả - tổng kết tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (diễn ra tại Hà Nội ngày 19.12.2019) cho thấy: VN có tổng số dân 96,2 triệu người, là quốc gia đông dân thứ ba ở Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. VN vẫn trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, cứ 1 người phụ thuộc thì có 2 người đi làm, nhưng cũng đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng có. Chỉ số già hóa 48,8%, tăng 2 lần so với năm 1999. Tuổi thọ trung bình là 73,6 tuổi, trong đó tuổi thọ của nam giới là 71 và nữ giới là 76,3 tuổi.
Hôm nào không có con hoặc cháu ngủ lại, bà Nga trải nệm giữa nhà, che thêm lớp vải bên trên chiếc mùng. Cái gối ôm to và dài được đắp chăn trông như một người nằm cạnh bà. Trên võng, bà đặt chiếc ghế rồi phủ mền lên. Bà giải thích làm vậy để lỡ kẻ gian nhìn vô, họ tưởng nhà này không chỉ có mình bà. Vốn chỗ thân quen, tôi tò mò: “Sao bác không ngủ trong buồng cho kín đáo?”. Bà Nga nói ngay: “Bác nằm ngoài này còn nghe tiếng xe máy chạy qua chạy lại, đỡ buồn. Già yếu rồi, tự dưng cái chi bác cũng sợ hết. Sợ trộm cướp đột nhập, sợ trúng gió chết không ai biết”. Buổi tối, bà thường mở tivi xem các bộ phim dài tập, cho đến khi giấc ngủ chập chờn kéo đến.

Bà Lan cố gắng "sống khỏe, sống vui" để con cháu đỡ lo lắng

Ảnh: Như Lịch

Tôi chợt hiểu vì sao từ một người rất ghét tiếng ồn, bà Nga bỗng mong hàng xóm hát karaoke xuyên đêm. Hóa ra, bà “thèm” tiếng người cho bớt cô đơn!
Cùng thôn bà Nga, bà Nguyễn Mỹ Lan, 78 tuổi, cũng không thích sống một mình khi tuổi già sức yếu, nhưng không muốn tá túc nhà con cái. Bà từ chối khi vợ chồng người con gái đầu mời bà lên TP.HCM sống cùng. Con trai ngụ bên thị trấn gần đó cũng mời mẹ qua ở, nhưng bà lắc đầu. Bà đã quen cảnh sống ở quê có vườn tược rộng rãi, có láng giềng gần gũi. Đặc biệt, bà thấy mình không thể để bàn thờ người chồng quá cố và tổ tiên trong cảnh nhang tàn khói lạnh.
Có người hỏi sao không bảo con cái dọn về phụng dưỡng, bà Lan ra chiều thông cảm: Tụi nó còn việc làm, có tổ ấm và cuộc đời riêng. Cha mẹ không nên ép buộc các con quẩn quanh bên cạnh.
Bà Lan cố gắng "sống khỏe, sống vui" để con cháu đỡ lo lắng. Buổi tối, bà đi dọc dài trong xóm để tập thể dục. Bà dặn cô bé nhà đối diện: "Thỉnh thoảng ban đêm cháu gọi điện cho bà với nghe. Nếu gọi lâu mà bà không bắt máy, cháu báo giùm cho con của bà".
Xế chiều hiu quạnh

Những người già cô quạnh

Ảnh: Như Lịch

“Thấy mình bất hiếu quá…”

Vợ mất hai năm nay, ông Trần Hà (80 tuổi, H.Định Quán, tỉnh Đồng Nai) sống một mình ở quê. Tất cả năm đứa con của ông Hà đều lập nghiệp xa. Năm ngoái, họ thống nhất để Thủy - cô em út đưa con nhỏ về quê sống vài năm cho cha đỡ buồn. Chưa được hai tháng sau, ông Hà ném áo quần mẹ con Thủy và đuổi đi: “Ra khỏi nhà tao mau! Tao không cần đứa nào hết!”. Lý do khiến ông Hà nổi giận: Thủy lo đôi mắt cha mình dạo này không còn tinh tường như trước, nên khuyên ông từ bỏ công việc châm cứu lâu nay của ông.

Ai sướng hơn?

 Bà Lê Thị Mười (73 tuổi, H.Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) có con định cư ở Mỹ, Úc và TP.HCM. Nhà bà đầy đủ tiện nghi, trang bị webcam trò chuyện với con cái, lắp camera phòng trộm cắp và thuê người giúp việc ngủ lại ban đêm. Nhiều người bảo bà Mười “sướng như tiên”, muốn du lịch nước nào cũng được, muốn ăn cao lương mỹ vị gì cũng có.

Một ngày bà Mười ngã bệnh, phải nằm điều trị tại bệnh viện. Con cái ở xa chưa về, chị giúp việc lăng xăng lo mọi thứ. Thi thoảng, bà Mười lén nhìn sang giường bên cạnh, mắt đượm buồn. Bên đó, một bà cụ vẻ lam lũ trạc tuổi bà Mười, luôn có con cháu vây quanh, kẻ bóp chân tay, người đút trái cây.

Khuya, chị giúp việc bỗng nghe tiếng bà Mười nửa tỉnh nửa mê: “Tui mà sướng chi? Bà kia mới sướng chớ!”.
Lần khác, ông Hà đổ nguyên nồi thịt gà người con trai giữa cất công kho nấu cho cha. Chỉ hàm răng còn vài cái của mình, ông phân trần: “Bây giờ tui không nhai được thịt gà ta. Tui dặn nó mua gà công nghiệp ăn cho đỡ dai, nó đâu nghe lời”. Ông chia sẻ với tôi: “Chú đâu ngờ cô chết trước, bỏ chú bơ vơ. Con chăm cha không bằng bà chăm ông, thiệt đúng!”.
Trước Tết Nguyên đán 2020, ông Hà khăn gói hăm hở vô TP.HCM sống cùng người con cả. Nhưng mới ngày đầu tiên, ông đã đòi về. Ông nhăn nhó: "Tui thích ở dưới trệt mà tụi nó bắt lên lầu. Mỗi lần ngó xuống, chóng mặt muốn chết". Người con hết lời giãi bày rằng anh chỉ thuê tầng 1, còn bên dưới là không gian của chủ nhà. Chịu đựng tới ngày thứ ba, ông Hà hậm hực về quê.
Xế chiều hiu quạnh

Ấm lòng khi được chăm sóc, quây quần bên con cháu

Ảnh: Như Lịch

Thấy cha khó chịu, vài người con của ông Hà có ý xa cách. Chỉ có con trai giữa dù bận rộn cỡ nào cũng vẫn đều đặn một tháng về thăm cha một lần. Anh đi chợ, nấu ăn cho cha và làm những việc nội trợ mà trước đây anh chưa từng đụng tay.
Khi ai đó phàn nàn về ông Hà, anh này cười xòa: “Biết đâu lúc về già, tụi mình còn khó tính hơn ổng!”. Có hôm anh ngồi trầm ngâm, cô em út gặng hỏi mãi, anh cho hay: “Anh mới đọc báo mạng thấy rằng người già thường trở nên cáu bẳn, đãng trí là để khi họ chết đi, con cháu không quá tiếc nuối. Cha mình đổi tính khí, trước dễ bao nhiêu giờ khó bấy nhiêu, phải chăng cũng sắp ra đi?”. Mỗi lần về nhà, anh nhói lòng nhìn căn bếp vĩnh viễn vắng bóng người mẹ. Thay vì bực bội như trước đây, anh ao ước được nghe tiếng mẹ càm ràm sao không chịu lấy vợ, có phải bị ế hay pê đê không. Từ ngày mẹ mất, anh nghĩ đến sự vô thường và tự nhủ: “Hãy chăm sóc đấng sinh thành lúc họ còn sống. Đừng để khi cha mẹ không còn, mới bày cúng mâm cao cỗ đầy và khóc lóc vì hối hận”.
Trên mạng xã hội, không ít người con bày tỏ xót xa bởi không thể cận kề chăm sóc cha mẹ. Gần đây, tôi đọc được những dòng tâm sự: “Nếu có sự lựa chọn trở lại, con sẽ không bao giờ bước chân ra khỏi mảnh đất thân yêu này”; “Đường về thăm mẹ có xa lắm đâu mà con không thể về thường xuyên được? Con thấy mình bất hiếu quá…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.