Xe chở rác gây ô nhiễm

19/04/2019 08:16 GMT+7

Người dân ở ven QL50, xã Đa Phước, H.Bình Chánh, TP.HCM rất bức xúc về tình trạng mùi hôi thối nồng nặc từ nước rỉ rác trên các xe chở rác chảy tràn lan xuống đường hằng ngày.

Theo quan sát của chúng tôi, trên QL50 đoạn rẽ vào bãi rác Đa Phước, do mật độ xe vào ra đông, cộng với nước rỉ rác chảy xuống đường nhiều năm đã làm đoạn đường bị xuống cấp. Mặt đường bị bong tróc lớp nhựa và lún sụt tạo thành những “ổ gà, ổ voi” nối tiếp nhau.
Ngoài ra, nước rỉ rác đọng thành vũng không thoát được lâu ngày tạo một lớp bùn non trên mặt đường khiến người đi xe máy liên tục bị té ngã.
Bà Bùi Thị Uyển - người dân ngụ xã Qui Đức, H.Bình Chánh, kể: “Gần 7 giờ ngày 5.3, tôi chạy xe máy chở thêm người chị đi làm từ QL50 vừa quẹo vào đường này thì trượt bánh xe, ngã xuống đường, quần áo của hai chị em dính một màu đen như nhớt. Rất may thời điểm đó không có xe chở rác, nếu có chắc chúng tôi bị nguy rồi. Một người dân đến đỡ hai chị em đứng dậy, nói từ sáng đến giờ đã có mấy người bị trượt té”.
Còn anh Trần Quốc Việt (nhà ở mặt tiền QL50, thuộc ấp 1) cho biết anh vừa gửi đơn đến cơ quan chức năng đề nghị giải quyết tình trạng xe chở rác gây mất mỹ quan đô thị, gây trở ngại việc kinh doanh hàng quán cà phê của gia đình.
Theo anh Việt, quán của anh nằm ở ngã ba QL50, giáp với con đường này nên thường xuyên phải chịu cảnh nhiều xe rác để nước rỉ rác chảy tràn lan xuống đường gây hôi thối nồng nặc, nhất là vào ngày nắng oi nên khách ngày càng ít lui tới quán.
Bà Trương Thị Ngọc Hằng - Giám đốc đối ngoại Công ty xử lý chất thải Đa Phước (VWS), cho biết: “Đoạn đường dẫn từ QL50 vào Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước dài khoảng 1,5 km có khoảng 600 xe chở rác của các quận huyện ra vào 2 lần mỗi ngày để chở rác vào khu xử lý, tuy nhiên những xe chở rác này không phải xe của Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Ngoài ra, tại khu liên hợp còn có nhiều công ty xử lý chất thải khác như xe chở bùn thải, phân hầm cầu, xe trộn bê tông, xe tang… Tính ra mỗi ngày có hơn 1.000 lượt xe tải vào ra đoạn đường dẫn, khiến con đường xuống cấp. Trong khi phía nhà máy này phải giải quyết một lượng rác thải quá lớn và cố gắng không để ô nhiễm môi trường thì ngay từ khâu vận chuyển rác của các đơn vị khác đã làm phiền toái cho người dân”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trịnh Tuấn Phong - cán bộ địa chính xây dựng nông nghiệp và môi trường thuộc UBND xã Đa Phước, cho biết: “UBND xã đã nhận được phản ánh của người dân về tình trạng trên. Chính quyền địa phương đã lập đoàn kiểm tra phản ánh lên Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải (MBS) thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM. Chúng tôi nhận thấy tình trạng này cần phải được xử lý cùng lúc với đoạn đường dẫn bị hư hỏng, xuống cấp. Cạnh đó, cần phải lắp đặt trụ đèn tín hiệu giao thông tại đây, vì khu vực này rất dễ xảy ra tai nạn, đồng thời các tài xế lưu thông qua đây cần phải tuân thủ các quy định về môi trường và an toàn giao thông, nếu vi phạm, phải có biện pháp xử lý mạnh”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.