Xe cơm cháy 'im lặng nhất' Sài Gòn bởi người bán không nghe không nói

11/11/2020 12:37 GMT+7

Xe cơm cháy, bánh tráng nướng của cặp vợ chồng câm điếc trên đường Vạn Kiếp, Q.Bình Thạnh suốt 7 năm đã trở nên quen thuộc với mọi người sống xung quanh. Hằng ngày, từ chiều đến tận gần nửa đêm khách vẫn đông nườm nượp.

 
Chúng tôi dừng lại tại một xe thức ăn lề đường trước căn nhà số 149 vào một buổi chiều cuối tuần, hòa với dòng người tấp nập qua lại trên con đường Vạn Kiếp. Đây là quán ăn vặt vỉa hè của chú Lê Trường Sơn (45 tuổi) và cô Lê Mộng Thúy (39 tuổi), đôi vợ chồng bị câm điếc nhưng nổi tiếng quanh đây. Xe hàng rong này đã hiện diện ở khúc đường này được gần 7 năm, dù nhiều lần đổi địa điểm bán nhưng thực khách gần xa ai cũng biết và tìm đến.

7 năm đứng bán quán ăn “im lặng” nhất Sài Gòn

Đây chính là quán ăn vặt nhỏ nằm giữa lòng Sài Gòn náo nhiệt, chú Sơn và cô Thúy từ nhỏ đã chịu khiếm khuyết về ngôn ngữ và thính giác, không thể nói và nghe được. Thực khách tới quán muốn gọi món phải ghi vào mẩu giấy nhỏ hoặc chỉ vào thực đơn. Khi ăn xong khách cũng tự giác tính tiền. Lâu dần điều này trở thành nét đặc biệt của quán, nhiều người biết hoàn cảnh của gia đình khó khăn nên họ đến ủng hộ rất đông.
Xe cơm cháy “không nghe không nói” giữa Sài Gòn náo nhiệt1

Ba người bạn thân thiết phụ bán hàng của cô chú

ẢNH: QUANG VINH

Sau vài giờ đợi chờ, lượng khách ra vô liên tục khiến cô chú luôn tất bật, chúng tôi rất muốn hỏi thêm câu chuyện của cô chú nên đã ghi vài dòng ngỏ ý lên giấy. Dù đang bận xoay sở với bếp núc, chú Sơn vẫn nghỉ tay viết hồi âm cho chúng tôi: “Bây giờ chú bận lắm, đợi một lát nữa nha con”, chú Sơn đưa lại mẩu giấy cùng với cử chỉ cúi đầu xin lỗi, ánh mắt vui vẻ thể hiện rõ nụ cười tươi đằng sau lớp khẩu trang che nửa khuôn mặt.
Khi cha mẹ bận rộn, người tiếp chuyện chúng tôi là em Lê Thị Ngọc Thảo, con thứ hai của cô chú. Theo lời em Thảo, quán chuyên bán các món ăn vặt như cơm cháy kho quẹt, bánh tráng nướng, bánh trứng cút nướng…Đặc biệt cơm cháy được cán mỏng rất ngon và giòn, đi cùng với kho quẹt có tốp mỡ, hành lá, tôm kho mặn. Rất ngon và lạ miệng.
Xe cơm cháy “không nghe không nói” giữa Sài Gòn náo nhiệt

Chú Sơn và cô Thúy đã mưu sinh bằng xe cơm cháy ròng rã 7 năm

ẢNH: QUANG VINH

Cơm cháy chả cá hot nhất Quận 8 bạn đã thử?

Khó khăn, nhưng chưa bao giờ từ bỏ

Vào khoảng 23 giờ đêm, lượng khách bắt đầu vãn dần, chúng tôi mới có cơ hội trò chuyện bằng bút và giấy với cô chú nhiều hơn. Được biết chú Sơn và cô Thúy đã kết hôn với nhau được 11 năm, trước đó cô Thúy đã có một đời chồng nhưng chú ấy mất sớm để lại cô với 2 con nhỏ.
Thời gian sau cô gặp được chú Sơn cũng chung số phận khiếm khuyết giống mình, cô tiến thêm bước nữa và có với chú thêm 2 người con. Cô chú làm xe hàng rong bán trên con đường này để kiếm sống qua ngày, xoay sở nuôi các con.
Xe cơm cháy “không nghe không nói” giữa Sài Gòn náo nhiệt3

“Hôm nay trời thật đẹp nhưng tôi không thể nói và nghe”

ẢNH: QUANG VINH

Bán ở vỉa hè trước nhà người ta nên không ít lần lần cô chú phải chuyển chỗ bán vì chủ nhà lấy lại mặt bằng. May mắn cả 4 đứa trẻ đều khỏe mạnh bình thường, 2 chị lớn ở chung với bà ngoại, bé trai lớp 3 sống chung với cô chú, còn em út đang được cô chú gửi ở nhà nội chăm sóc để tập nói. Vì bố mẹ mang khiếm khuyết, nên các con từ bé đều phải nhờ sự giúp đỡ của gia đình nội ngoại trong việc tập giao tiếp và học hỏi.
Hằng ngày sau giờ học, Ngọc Thảo - con thứ hai của cô chú ra phụ bố mẹ buôn bán đến tận 21-22 giờ mới về nhà học bài. Có em Thảo ở đây cô chú đỡ cực phần nào, em giao tiếp với khách, hỗ trợ bố mẹ với nhiệm vụ làm bánh tráng nướng. Thảo rất thạo việc, rất giỏi xoay sở, Thảo nói: “Bán cái này phải nhanh, nếu để khách đợi lâu họ sẽ bỏ đi mất. Như vậy thì khó sống lắm.”
Em còn kể thêm hôm nào trời mưa thì công việc nhọc hơn, phải bung dù ra che nhưng chẳng che kín được, mọi người đứng nép vào nhau, đồ đạc, thức ăn cũng phải gom gọn lại mới không bị ướt. Bán buôn xong, cả nhà đẩy xe về dọn dẹp đến tận gần 1 giờ sáng mới được nghỉ ngơi.
Xe cơm cháy “không nghe không nói” giữa Sài Gòn náo nhiệt4

Hàng ngày cô chú bắt đầu dọn xe ra bán từ 4h chiều đến nửa đêm

ẢNH: QUANG VINH

Xe cơm cháy “không nghe không nói” giữa Sài Gòn náo nhiệt5

Từ chiều tà đến khi đêm xuống, quán luôn tấp nập người qua lại

ẢNH: QUỲNH HOA

Từ sáng sớm gia đình đã phải đi chợ, nấu cơm, chuẩn bị đồ đạc đầy đủ để 16 giờ chiều bắt đầu dọn ra bán. Ngoài bé Thảo, cô chú Sơn còn những người bạn thân, thường xuyên đến phụ dọn hàng, buôn bán. Đó là anh Hoàng Phúc (28 tuổi), bà Hưu Minh (61 tuổi) và chị Thảo (33 tuổi), họ cũng đều không thể nghe và nói. Anh Phúc từ chiều đã có mặt tại điểm bán để quét dọn, khiêng nước, đẩy xe hàng, những công việc dùng sức rất nhiều. Bà Minh và chị Thảo thường phụ giúp việc chuẩn bị thức ăn, dọn chén dĩa,… Dù mọi người không hề phát ra tiếng nói, nhưng có thể thấy họ trao đổi với nhau rất nhiều, làm việc nhịp nhàng thông qua cử chỉ hình thể.
Xe cơm cháy “không nghe không nói” giữa Sài Gòn náo nhiệt6

Đợi những nhà bên cạnh đóng cửa, cô chú mới dám bày bàn ghế ra để gọn lượng khách

ẢNH: QUỲNH HOA

Xe cơm cháy “không nghe không nói” giữa Sài Gòn náo nhiệt7

Quán đủ các món ăn vặt được chế biến lạ miệng

ẢNH: QUỲNH HOA

Xe cơm cháy “không nghe không nói” giữa Sài Gòn náo nhiệt8

Thực khách đến quán phải tự order món trên giấy và tự tính tiền

ẢNH: QUỲNH HOA

Xe cơm cháy “không nghe không nói” giữa Sài Gòn náo nhiệt9

Anh Hoàng Phúc cũng mang trong mình khiếm khuyết về thính giác, lâu dần trở thành một thành viên của quán ăn im lặng này

ẢNH: QUỲNH HOA

Khách hàng ghé mua đều rất quý mến cô chú, dần dần trở nên thân thiết như người nhà, như anh Nguyễn Cao Trung và chị Lương Thị Thùy Trang, sống ở khu Vinhomes Bình Thạnh. Hai anh chị hay đến mua ủng hộ, lúc rảnh thì kiêm luôn “nhân viên part-time” cho quán. Anh chị giao tiếp với người mua hàng và nhận “order”, bưng bê thức ăn đến các bàn. “Cô chú mặc dù nói không được, nhưng mà thích giỡn lắm, tính tình lại vui vẻ, hòa đồng.” Chị Trang cho biết “Sau này cô chú mới bán thêm cơm cháy, bán được lắm mỗi ngày tầm 3 thùng cơm, có hôm nay khách đông quá bán đến thùng thứ 4 rồi!” Anh Trung vội tiếp lời.
Càng về tối quán càng đông, khách lui tới có khi hết chỗ, phải đợi tầm 21 giờ khi những nhà xung quanh đóng cửa, cô chú mới có thể bày thêm bàn cho khách ngồi. Nhìn cô chú đứng ngắm đường phố, nhẹ tay lau mồ hôi cho nhau. Tuy họ không thể giao tiếp như những người bình thường, nhưng họ vẫn hiểu nhau theo một cách rất riêng.
Sài Gòn vốn đông đúc, náo nhiệt nhưng đâu đó vẫn có những con người dù không thể phát ra âm thanh nhưng vẫn hòa chung với cuộc sống bằng lạc quan và niềm vui như cô chú vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.