Xe đạp công cộng: Có khả thi với người trẻ ở TP.HCM?

22/12/2019 20:30 GMT+7

Thông tin TP.HCM sẽ áp dụng dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng tại trung tâm Q.1 đang khiến nhiều người trẻ chú ý. Nhưng liệu có khả thi để người trẻ tham gia xe đạp công cộng?

Cho thuê xe đạp công cộng là một trong các giải pháp mà Sở GTVT TP.HCM vừa đưa ra trong kế hoạch triển khai các giải pháp nhằm giảm ô nhiễm môi trường trong hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn thành phố. Ngoài việc thí điểm dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng, Sở GTVT TP.HCM cũng đề xuất loại xe máy cũ, thí điểm hình thức vận chuyển hành khách bằng xe máy điện tại một số khu vực trung tâm thành phố...

Những bất lợi của xe đạp ở TP.HCM

Thái Việt, một bạn trẻ làm tại Văn phòng ĐH Quốc gia TP.HCM,  đi làm bằng xe đạp từ 4 năm nay. Mỗi ngày, Thái Việt đạp xe từ nhà ở Q.8 (TP.HCM) đến Hồ Con Rùa, sau đó lên xe buýt xuống Q.Thủ Đức. Thái Việt cho biết đạp xe mỗi ngày 20km vừa đi vừa về thì sức khỏe tốt, đỡ ốm vặt. Ngoài ra, Việt không tốn tiền đổ xăng, ít sửa vặt, gặp mưa ngập nước vẫn đạp xe tốt, kẹt xe có thể vác xe lên lề, thi thoảng đi lối tắt được...

Tuy nhiên, trải qua thời gian dài đạp xe, những bất lợi Việt gặp phải không phải ít. Xe đạp đi hỗn hợp với xe máy trên đường khá mệt mỏi. Lý do là xe đạp xử lý không được nhanh như xe máy, bị xe máy "tạt đầu" thì thắng lại không nhanh bằng xe máy. Xe buýt tấp ra tấp vào lề khiến xe đạp né tránh rất cực khổ. Rất khó có làn riêng cho xe đạp vì đường xá ở TP.HCM chen chân còn khó huống gì đòi đường riêng.

Không có làn đường riêng dành cho xe đạp ở TP.HCM

Ngọc Dương

Điều quan trọng nhất, theo Thái Việt là môi trường sinh thái cho xe đạp không có. Cụ thể là nhiều bãi giữ xe không nhận xe đạp. Xe đạp lủng bánh tìm hoài không ai thèm sửa. Thái Việt từng dắt bộ 1 lần hỏi tới 10 cửa hàng không ai sửa xe vì mất công. Vì vậy, Việt phải trang bị đầy đủ "đồ nghề" kèm theo khi đạp xe để chủ động. 

"Nói mọi người chuyển từ xe máy sang đi xe đạp hơi khó. Bởi động tới miếng cơm manh áo thì khó mà đổi thay. TP.HCM cũng chỉ nên phát triển xe đạp cho du khách tham quan thôi. Nên đổ nhiều tiền vào việc cải thiện xe buýt và xe điện ngầm mới phù hợp với đặc trưng đô thị tại TP.HCM" - Thái Việt cho biết. 

Minh Hoàng, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, học tại Làng Đại học (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết thói quen và sự phù hợp là những điều ảnh hưởng lớn đến việc người trẻ có đi xe đạp hay không. Người trẻ hiện nay có ý thức hơn nhiều đến việc bảo vệ môi trường nhưng sự phù hợp về phương tiện di chuyển sẽ phải khiến họ cân nhắc.

Xe đạp của người dân trên đường phố thủ đô Dublin (Ireland)

Đăng Nguyên

Theo Hoàng, ngay cả khi có môi trường đạp xe tốt, nếu không phù hợp, người trẻ cũng khó thay đổi. Chẳng hạn, đầu năm 2018, ĐH Quốc gia TP.HCM triển khai 2.000 xe đạp cộng đồng phục vụ việc đi lại cho hơn 60.000 sinh viên, cán bộ và giảng viên trong khu đô thị ĐH. Theo kế hoạch, xe sẽ được đặt tại các cổng trường, KTX, trạm xe buýt, căn tin hay bất cứ nơi nào có vạch sơn chỉ dẫn. Người dùng có thể lấy xe tại một trạm và trả tại các trạm cố định khác trong khu đô thị. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai, kế hoạch này gần như "phá sản". Lý do là sinh viên vẫn chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển đến những nơi khác và ít thuê xe đạp để đi trong khu vực Làng Đại học

Nên tính toán kỹ

Thạc sĩ Xã hội học Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho rằng việc triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng tại trung tâm Q.1 cần có sự tính toán kỹ vì đã có nhiều dự án thất bại ở các nước khác, nhất là tại các nước khí hậu nhiệt đới. Bài học từ các quốc gia lân cận trong việc thuê xe đạp công cộng là những tham khảo hữu ích. Chẳng hạn, việc triển khai ở thủ đô Manila (Philippines) không thành công như mong đợi vì thiếu đường cho xe đạp và khí hậu khi thì nóng, khi thì ẩm ướt. Tại Trung Quốc, chính quyền một số thành phố thực hiện rất bài bản với ngân sách lớn nhưng đáng ngạc nhiên là sau một thời gian lại hình thành những "bãi rác" xe đạp khổng lồ. Hay Melbourne (Úc) đường sá rộng rãi và trong lành nhưng cũng ít người dân đi xe đạp vì phương tiện công cộng của thành phố là rất tốt.cho phù hợp.

Đạp xe trên đường phố ở Dublin (Ireland)

Đăng Nguyên

Theo ông Nam, những bất lợi trong việc đi xe đạp tại TP.HCM cũng cần được phân tích kỹ. Đó là thời tiết khô nóng, không mát mẻ như những thành phố triển khai thành công trên thế giới. TP.HCM hiện cũng không có làn đường riêng cho xe đạp nên người đi xe đạp có cảm nhận là không an toàn và có thể bị tông từ phía sau bất cứ lúc nào bởi những xe lớn.
"Thói quen sử dụng xe máy từ hơn ba thập niên qua đã định hình trong văn hóa tham gia giao thông của cư dân đô thị Việt Nam. Để mọi người từ bỏ thói quen sử dụng xe máy để chuyển sang sử dụng xe đạp sẽ không hề dễ dàng chút nào nhưng vẫn có thể làm được ở một khu vực là vùng lõi của thành phố. Nhiều người trẻ tôi biết từng chuyển sang đi xe đạp, nhưng sau một thời gian, họ đành phải từ bỏ việc này vì có quá nhiều nhiều bất tiện. Thành phố nên nên đẩy nhanh quá trình xây dựng các tuyến metro. Khi đi tàu điện, mọi người có thể thư thái đọc sách buổi sáng, hay tranh thủ uống cà phê trên tàu chờ khi tàu đến, không phải bon chen nắng bụi với xe máy làm gì. Việc sử dụng xe đạp, ở TP.HCM có lẽ chỉ phù hợp với khách du lịch nước ngoài, những người muốn chậm rãi đạp xe để khám phá thành phố" - thạc sĩ Nam cho biết 
Còn theo tiến sĩ Lương Hoài Nam, người luôn ủng hộ giải pháp giảm xe máy tại đô thị, việc cho thuê xe đạp công cộng không giúp được nhiều cho nhu cầu giao thông. Điều này đúng hơn là một thông điệp môi trường. Nhưng cũng nên có xe đạp cho thuê như vậy. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.