Thiếu trạm sạc, khó cạnh tranh
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên có hãng xe đặt chân vào thị trường ô tô điện VN. Trước BYD, đã có 2 tên tuổi khác cũng đến từ Trung Quốc là Wuling và MG - thương hiệu của Anh - đã "ném đá dò đường" khi giới thiệu 2 mẫu xe tại thị trường nội địa. Trong đó, Wuling vào VN khoảng giữa năm 2023, với mẫu xe điện cỡ nhỏ Wuling Hongguang MiniEV. MG được Tập đoàn ô tô Thượng Hải (SAIC Motor) mua lại từ năm 2005, giới thiệu nhãn xe điện hiệu MG4 EV tại VN từ giữa tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, người tiêu dùng trong nước hầu như chưa biết cả hai thương hiệu ô tô điện này. Hồi tháng 4, Công ty TNHH ô tô Omoda & Jaecoo thuộc Tập đoàn Chery (Trung Quốc) cũng ký hợp đồng liên doanh với Tập đoàn Geleximco của VN, đầu tư nhà máy sản xuất ô tô tại Thái Bình.
Sự xuất hiện các thương hiệu ô tô điện đến từ Trung Quốc, đặc biệt là BYD với 3 dòng xe điện đầu tiên liệu có khởi động cho một cuộc bùng nổ cạnh tranh xe điện? Trao đổi với Thanh Niên, nhiều chuyên gia trong ngành công nghiệp xe hơi đều cho rằng còn quá sớm để nói về sự "bùng nổ" của ô tô điện Trung Quốc tại VN. "Vấn đề của xe điện là trạm sạc, trạm sạc và trạm sạc. Trạm sạc như xương sống của ngành xe điện. Đó là yếu tố cơ bản quyết định sự thành hay bại của một thương hiệu xe điện. Và cho dù các ô tô điện đến từ Trung Quốc có giá tốt hơn nhưng không hạ tầng trạm sạc thì không ai dám mua. Các hãng xe Trung Quốc chân ướt chân ráo vào VN không có đầu tư mạnh vào hạ tầng trạm sạc như VinFast thì rất khó cạnh tranh", anh Nguyễn Thanh Cảnh (Q.Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ.
Thực tế cho thấy, hạ tầng trạm sạc chính là lợi thế số 1 của bất cứ hãng xe điện nào. "Ông lớn" Tesla đang chiếm hơn 60% thị trường xe điện tại Mỹ cũng nhờ chính sách phát triển hệ thống trạm sạc lớn với gần 18.000 trạm. Hệ thống sạc độc quyền của Tesla được gọi là Tiêu chuẩn sạc Bắc Mỹ (NACS) và đến nay trở thành tiêu chuẩn chung cho thị trường ô tô điện Mỹ.
Trước 3 hãng ô tô điện Trung Quốc nói trên, Mercedes, Audi cũng đã đưa xe điện vào VN nhưng với số lượng trạm sạc của họ chỉ "đếm trên đầu ngón tay" và hầu như chỉ tập trung tại 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội nên người tiêu dùng đành "chào thua". Trong khi đó, ở mặt trận trạm sạc, VinFast - hãng xe điện của VN - đang chiếm vị trí số 1 với 150.000 cổng sạc phủ đều cả nước. "Cho đến nay và có thể còn rất lâu, chưa và khó có hãng xe điện nào có mặt ở VN thực hiện phủ rộng hệ thống trạm sạc trên khắp các tỉnh thành cả nước như VinFast", một chuyên gia ô tô nhận xét.
TS Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ môn Cơ khí ô tô, Khoa Cơ khí, Trường ĐH Giao thông vận tải, nhấn mạnh: Xây một trạm sạc cho ô tô điện tốn rất nhiều chi phí. Lợi thế của hãng ô tô điện VinFast là có độ phủ trạm sạc quá nhanh và đạt chuẩn tốt. Hơn nữa, hệ thống xe taxi điện, xe buýt điện của VinFast cũng phát triển rất nhanh, có độ phủ rộng lớn. "Nếu muốn mua một xe ô tô điện mới tại thị trường VN, chắc chắn người dùng sẽ chọn xe đã có độ nhận diện thương hiệu tốt, có dịch vụ hoàn hảo và quan trọng nhất là tính tiện ích, dễ sạc khi di chuyển đường dài…", TS Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét.
Bùng nổ cuộc chiến xe điện Trung Quốc ở khắp nơi
Có thể nói cuộc chiến xe điện Trung Quốc hiện diện khắp nơi và nhiều nước đã triển khai các biện pháp để bảo vệ thị trường nội địa. Trong khi Mỹ tuyên bố đánh thuế nhập 100% đối với ô tô điện Trung Quốc thì châu Âu chỉ giới hạn ở mức trung bình 21%, mức thuế tùy theo thương hiệu, cao nhất là 38% với SAIC.
Chuyên gia năng lượng Khương Quang Đồng (Paris, Pháp) lý giải thật ra Ủy ban châu Âu không muốn mở một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, vì Đức lo ngại cho sự trả đũa ăn miếng trả miếng đối với BMW, Mercedes, Siemens…, cũng như Pháp lo ngại cho rượu Bordeaux, rượu Cognac và các loại hàng hiệu Louis Vuiton, Hermès, Chanel... Thế nhưng châu Âu bắt đầu lo ngại khi Trung Quốc chuyển hướng từ tập trung sản xuất cho thị trường nội địa sang nhiều thị trường thế giới như Nga, Đông Nam Á, Trung Đông, Mỹ Latin và mở hàng chục nhà máy khắp nơi.
Chuyên gia Khương Quang Đồng cho biết tại châu Âu, ô tô điện Trung Quốc đã có mặt từ lâu, chủ yếu ở khu vực Bắc Âu với chiến lược tìm cách mua lại các hãng xe đã có thị phần tại đây để rút ngắn con đường mở rộng thị trường. Chẳng hạn, từ năm 2005, Tập đoàn SAIC mua lại MG, một trong những thương hiệu nổi tiếng như Roll-Roys, Bentley, Mini của nhóm British Leyland mà BMW là chủ sở hữu năm 1995. Đến năm 2010, Geely mua Volvo từ Ford, sau đó mua 10% Mercedes-Benz năm 2018. "Kết quả kinh doanh cho thấy, các hãng xe Trung Quốc mua thì doanh số có tăng, với MG bán được 230.000 chiếc trong năm 2023, Volvo 45.700 chiếc. Thế nhưng, gộp lại tất cả thương hiệu 100% Trung Quốc, từ "ông lớn" BYD, GWM, Geely, đến NIO, XPENG… chỉ bán được 95.000 xe trong cùng thời điểm. Trong đó, BYD chỉ bán được 15.707 xe và các thương hiệu khác không vượt quá vài trăm xe trong 1 năm", ông Đồng thông tin.
Lý do, theo ông Đồng, châu Âu là thị trường truyền thống đòi hỏi các thương hiệu uy tín, các sản phẩm chất lượng. Khách hàng châu Âu có nhiều đòi hỏi về dịch vụ hậu mãi và quan trọng là xe còn có giá cao khi bán lại sau sử dụng. Giá xe điện Trung Quốc rẻ hơn ít nhất 20% so với các loại xe trung và cao cấp cùng chất lượng của các hãng châu Âu, nhưng sự cách biệt càng lớn hơn đối với xe cấp thấp. Các thương hiện xe điện đến từ Trung Quốc không đáp ứng được những đòi hỏi về dịch vụ, nên người tiêu dùng châu Âu cũng không mặn mà với sản phẩm.
Trở lại với VN, "giải pháp tình thế" mà BYD đưa ra là cung cấp các trụ sạc nhanh với số lượng khá hạn chế, đặt tại những đại lý ủy quyền; hoặc tặng kèm người dùng bộ sạc công suất thấp để "hỗ trợ thêm" trong quá trình sử dụng xe. Nhưng việc tìm kiếm các đối tác cung cấp trạm sạc nhanh vẫn rất khó và chậm. Đó là chưa nói, trước khi vào VN, BYD tại thị trường Thái Lan bị nghi ngờ và đứng trước nguy cơ bị điều tra vì cố tình định giá xe ở mức cao, rồi liên tục áp dụng các chương trình giảm giá khủng để thu hút khách khiến nhiều khách hàng cảm thấy bị lừa dối. Chưa hết, về chất lượng, hãng xe này liên tục bị khiếu nại do xe bị bong tróc sơn và nhựa, thậm chí không ít vụ bị bốc khói khi đang sạc. Ở Israel, các dòng xe thương hiệu Trung Quốc này cũng liên tục mắc các lỗi cong vênh giá nóc khi chất đồ. Hay mới đây nhất, vào cuối năm 2023, hàng loạt xe BYD tại Nhật Bản bị phản ánh xuất hiện nấm mốc bên trong khoang nội thất.
Bình luận (0)