Nhiều nước hạn chế nhập khẩu xe điện giá rẻ
Kể từ hôm nay (20.7), hãng xe điện BYD đến từ Trung Quốc sẽ mở 13 cửa hàng bán lẻ ô tô điện tại VN và có kế hoạch mở rộng lên 100 đại lý vào năm 2026. Đây là nỗ lực mới nhất của công ty này nhằm thâm nhập sâu hơn vào các thị trường Đông Nam Á, nơi hầu như chưa áp đặt hàng rào thuế quan như các nước phương Tây.
Việt Nam cần sớm có chuẩn về hàng rào kỹ thuật đối với xe điện nhập khẩu
Lý do quan trọng khiến các hãng xe điện Trung Quốc có giá rẻ kéo dài là nhờ sự hỗ trợ từ chính phủ. Trên tờ South China Morning Post, có một bài báo chia sẻ về sự bất công cho người mua từ chính sách giảm giá mạnh của xe điện Trung Quốc. Bài báo cho rằng các hãng bán được xe giá rẻ do nhận được sự hỗ trợ quá mức và không công bằng từ chính phủ. Chính lý do cạnh tranh không lành mạnh này khiến EU và Mỹ tăng thuế cao đối với xe điện từ Trung Quốc. Một báo cáo được công bố bởi Viện Kinh tế thế giới Kiel (Đức) cho thấy sự hỗ trợ của chính phủ dành cho ngành này bao gồm các khoản vay dưới lãi suất thị trường cũng như thép và pin chiết khấu dành cho các nhà sản xuất ô tô. Ước tính, từ năm 2009 - 2022, Trung Quốc đã chi khoảng 173 tỉ USD trợ cấp để hỗ trợ lĩnh vực xe sử dụng năng lượng mới, gồm xe thuần điện và xe hybrid. Báo cáo trên còn trích dẫn từ chính báo cáo thường niên của BYD cho hay hãng xe này đã nhận hỗ trợ từ chính phủ lên đến 3,5 tỉ USD trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022.
Đó là lý do Mỹ, EU đang quyết liệt ngăn chặn xe điện giá rẻ đổ bộ vào nước mình. Các nước khu vực châu Á cũng bắt đầu có những động thái rõ rệt hơn để bảo vệ ngành công nghiệp xe hơi trong nước. Chẳng hạn, giữa năm ngoái, Bộ Đầu tư - Thương mại - Công nghiệp Malaysia quy định rõ xe điện có giá dưới 100.000 ringgit (khoảng 520 triệu đồng) không được nhập khẩu vào nước này; xe có động cơ đốt trong với giá dưới 250.000 ringgit (khoảng 1,3 tỉ đồng) cũng không được nhập. Việc không cho nhập khẩu xe điện có giá dưới 100.000 ringgit nhằm dập tắt những chỉ trích cho rằng việc miễn thuế, giá rẻ… đang đi ngược với chính sách bảo vệ môi trường của Malaysia và bảo vệ ngành công nghiệp xe hơi nội tại.
Tương tự, để bảo vệ ngành sản xuất xe điện trong nước trước sự cạnh tranh của các hãng xe bên ngoài, Nhật Bản cũng sẽ áp dụng chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp (DN) đối với các công ty của nước này chuyên về sản xuất pin xe điện và chất bán dẫn. Năm ngoái, một số chuyên gia kinh tế Hàn Quốc cũng kêu gọi chính phủ nên có các biện pháp hành chính và pháp lý tương tự các quốc gia khác để bảo vệ xe điện Hàn Quốc trước làn sóng xe điện giá rẻ của Trung Quốc...
Nếu châu Á mới bắt đầu thì các nước phát triển đã dựng hàng rào bảo hộ từ rất sớm. Mỹ áp dụng thuế suất với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc từ 27,5% tăng lên 102,5% trong năm nay vì nước này muốn bù đắp cho các hoạt động và trợ cấp không công bằng của Trung Quốc. Châu Âu lại không chỉ đánh thuế xe điện nhập khẩu mà ngay xe điện Trung Quốc sản xuất tại châu Âu cũng bị tăng thuế. Mới đây, ngày 5.7, Ủy ban Châu Âu (EC) áp thuế cho nhà sản xuất xe điện Trung Quốc gồm 17,4% với BYD, 19,9% với Geely và 37,6% với SAIC.
VN cần sớm có chuẩn về hàng rào kỹ thuật đối với xe điện nhập khẩu
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương mại và kinh tế quốc tế) phân tích: Khi thị trường châu Âu có chính sách tăng thuế với xe điện Trung Quốc, chắc chắn dòng xe đó bị ùn ứ với số lượng rất lớn. Với xe điện Trung Quốc thì sau 3 - 6 tháng, mẫu mã các dòng xe này đã cũ rồi. Thế nên chính sách của BYD hay hãng xe điện khác của Trung Quốc là tìm cách "bán tháo" sang Đông Nam Á - thị trường màu mỡ khi nhu cầu rất cao. "VN cần hành động gấp để bảo vệ sản xuất trong nước, sớm xây dựng bộ tiêu chuẩn đối với xe điện nhập khẩu. Có thể áp thuế nhập khẩu bổ sung khi xe điện Trung Quốc được bán ra ồ ạt, gây ảnh hưởng đến DN trong nước. Kể cả bán không nhiều nhưng nếu có bằng chứng trợ cấp từ chính phủ nước họ, gây thiệt hại vật chất cho DN trong nước, vẫn kiện để áp thuế được. Thứ 2, khi bán vào VN với giá rẻ và người bán không có cam kết gì về trạm sạc, hệ thống hạ tầng năng lượng cho xe, thì có quyền từ chối từ đại lý, người tiêu dùng… Chúng ta phải có quy định rõ ràng hơn. Chẳng hạn, yêu cầu các chuẩn về trạm sạc, bao nhiêu trạm mới bán được xe… Mua xe điện mà không có chỗ sạc điện, thì mua bằng niềm tin mà thôi; kế đó là các tiêu chuẩn về pin đối với xe nhập khẩu…", ông Lạng đề xuất.
PGS-TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (ĐH Bách khoa Hà Nội), cũng cho rằng trước mắt, cần có chính sách rõ ràng về các tiêu chuẩn pin, trạm sạc… liên quan xe điện để bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ của Nhà nước giúp tăng năng lực cạnh tranh của DN trong nước, gia tăng sự chống đỡ trước những tập đoàn "mạnh vì tiền". Còn nhớ năm 1992, bia Vạn Lực của Trung Quốc đổ vào VN với số lượng lớn, giá lại rất rẻ. Nhiều người lo bia trong nước sẽ "chết". Thế rồi, với năng lực cạnh tranh tốt, phối hợp với các nhà sản xuất bia nước ngoài, bia VN thắng và "đánh bay" bia Vạn Lực chỉ sau thời gian ngắn. "Ngành xe điện VN còn quá non trẻ, nhưng xây dựng được nền tảng rất tốt và đặc biệt đi rất nhanh. Tôi tin với chính sách bảo hành tốt, chế độ hậu mãi phong phú, trạm sạc phủ khắp cả nước của DN, nếu được đồng hành hỗ trợ tối đa từ Chính phủ trong chính sách ủng hộ sản xuất trong nước, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành xe điện Việt, làn sóng xe điện Trung Quốc, nếu có, cũng khó trụ vững tại thị trường này", PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đàm Hoàng Phúc cho rằng, hàng rào thuế quan là một trong những giải pháp mà các nước áp dụng để bảo vệ sản xuất trong nước. Với các nước có nền công nghiệp
ô tô, đa số không ủng hộ việc nhập khẩu dòng xe tương đương. Xe điện mới xuất hiện mạnh mẽ mấy năm trở lại đây, VN có nền công nghiệp ô tô, trong đó thương hiệu xe điện VinFast với tốc độ phát triển nhanh rất đáng tự hào. Thế nên, việc bảo vệ thương hiệu, bảo vệ ngành sản xuất ô tô điện trong nước còn non trẻ như VN là điều tất yếu.
Các chính sách ưu đãi với xe điện hiện nay đều xuất phát từ việc loại phương tiện này có tác động đến môi trường ít hơn các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, trong trường hợp làn sóng hàng nhập khẩu ồ ạt có thể đe dọa sản xuất trong nước, VN hoàn toàn có các công cụ quản lý ngoại thương để ứng phó, phù hợp với pháp luật quốc tế. Các công cụ về thuế như áp dụng các biện pháp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các biện pháp đối kháng khác… Thậm chí, chúng ta có thể sử dụng những ngoại lệ khác phù hợp với thông lệ thương mại quốc tế để đưa ra các biện pháp phòng vệ.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI)
Bình luận (0)