Xe 'hết đát' đi về đâu?

20/06/2019 04:55 GMT+7

Mỗi năm, Cục Đăng kiểm đều đặn công bố số liệu ô tô hết niên hạn sử dụng (hết đát), với con số lên tới vài chục ngàn xe.

Nhưng theo ông Trần Anh Quân, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm), Cục này chỉ có chức năng công bố danh sách những xe nào không được tham gia giao thông, “còn xe đó đi về đâu thì chúng tôi không quản lý”. Lý do là chưa có chế tài xử lý theo hướng thu hồi hay tiêu hủy với xe hết đát, vì phương tiện thuộc sở hữu của người dân, nên tiêu hủy hay bán sắt vụn là quyền của người dân! Nếu tiếp tục sử dụng, chủ phương tiện mới bị phạt tiền và tịch thu phương tiện.
Về lý thuyết, đúng như ông Quân nói. Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm việc sử dụng xe hết niên hạn để tham gia giao thông, song chưa có điều khoản xử lý bắt buộc với xe hết đát như thu hồi hay tiêu hủy. Đây là khoảng trống pháp lý khiến trên thực tế có muôn hình vạn trạng kiểu “hóa kiếp” cho xe hết đát để tiếp tục lưu thông. Báo chí đã phanh phui nhiều đường dây chuyên mua bán xe hết hạn sử dụng, đục số khung, “mông má” lại như mới, sau đó "cò" làm giấy tờ giả để qua mặt lực lượng chức năng.
Đại diện Tổng cục Đường bộ VN cũng thừa nhận có thực trạng xe hết niên hạn ở VN được đưa sang Lào “mông má” lại; thậm chí đục số khung, số máy rồi đưa trở về VN lưu hành. Để né kiểm tra, nhiều xe hết đát “dạt” từ thành phố về vùng sâu, vùng xa hoặc các vùng khó khăn để tiếp tục hoạt động.
Nhưng nghịch lý ở chỗ, dù các cơ quan chức năng đều ít nhiều nắm được thực trạng này, nhưng tới nay chưa có một cuộc tổng kiểm tra, rà soát, xử lý nào trên cả nước!
Theo quy định, xe chở khách đã sử dụng được 20 năm và với xe chở hàng là 25 năm tính từ năm sản xuất sẽ hết hạn lưu thông. Từ 1.1.2019 có thêm hơn 19.300 ô tô không được phép tham gia giao thông do hết niên hạn sử dụng. Nếu tính bình quân chỉ trong 10 năm, số xe hết đát cả chở khách, chở hàng có thể lên tới xấp xỉ 200.000 xe, chủ xe sẽ phải nộp lại biển số, đăng ký xe.
Trong số 200.000 xe đó, có bao nhiêu xe hết đát được “mông má” lại đang lưu hành trong nước? Có lẽ ngay cả Cục Đăng kiểm và các cơ quan liên quan cũng không nắm được với cách quản lý có phần lỏng lẻo và dễ dãi như hiện nay.
Câu chuyện xe hết đát chỉ nóng lên mỗi lần xảy ra tai nạn thương tâm do xe hết đát, rồi lại nhanh chóng chìm xuống.
Một cựu cán bộ đăng kiểm cho biết, khoảng 10% xe có biển số nhưng không có trong hệ thống đăng kiểm. Để xe quá đát nhởn nhơ lộng hành, rõ ràng có trách nhiệm không nhỏ của cơ quan quản lý. Để ngăn chặn hiểm họa do xe quá đát, phải khai tử loại xe này. Muốn như vậy, không chỉ phải sửa luật, lấp các khoảng trống pháp lý, mà các cơ quan được giao quản lý và kiểm soát phải làm chặt, làm thật hơn nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.