[VIDEO] Giải cứu ô tô sang bị “đuối nước” dưới hầm chung cư ở Đà Nẵng
|
Trong cơn bão số 9 (ngày 25.11) tại TP.HCM xảy ra mưa lớn kéo dài khiến nhiều con đường và một số hầm xe chung cư (CC), nhà cao tầng bị ngập nặng. Nước ngập làm hỏng xe máy và ô tô để trong hầm. Vậy chủ các phương tiện gặp nạn nói trên có được CC bồi thường?
Chung cư sẽ không giải quyết bồi thường ?
Chiều 13.12, anh Th. (có ô tô ngập nước bị hỏng tại CC Ngọc Khánh, đường Nguyễn Biểu, Q.5, TP.HCM) cho biết: “Chiếc ô tô đã được sửa chữa với chi phí gần 300 triệu đồng. Tôi gửi xe tại CC này từ lâu với giá 1,5 triệu đồng/tháng và có hợp đồng rõ ràng. Tôi đang trong quá trình thương lượng với Ban Quản lý (BQL) CC Ngọc Khánh để tính phương án đền bù. Sau khi thương lượng, nếu không được sẽ tính tiếp”.
|
Về vụ việc này, đại diện BQL CC Ngọc Khánh xác nhận trong đợt mưa lớn kéo dài vừa qua (bão số 9), phương tiện trong hầm để xe tại CC bị ngập nặng, trong đó có 2 ô tô và nhiều xe máy. Một chiếc ô tô bị ngập sâu trong nước là của một khách bên ngoài thuê gửi theo tháng. Khi được hỏi về vấn đề bồi thường cho xe bị hỏng do ngập nước, phía BQL CC phân trần: “Đó là lỗi sự cố thiên tai và không ai muốn điều đó xảy ra. Chúng tôi cố đưa xe lên tầng trên nhưng mực nước dâng quá nhanh nên đành bất lực. Sau sự cố trên, chủ ô tô cũng liên lạc và có trao đổi với CC về việc bồi thường thiệt hại. Nhưng đó là sự cố ngoài ý muốn và chúng tôi không hề mong muốn”. Vị này cũng quả quyết: “CC sẽ không giải quyết bồi thường cho bất kỳ trường hợp nào bởi việc ngập là do thời tiết. Trong hợp đồng giữ xe giữa BQL CC và ông Th. không có điều khoản nào bên giữ xe phải bồi thường thiệt hại cho phương tiện bị ngập nước”.
Không chỉ riêng TP.HCM mà cơn mưa lớn kéo dài xảy ra ngày 10.12 tại TP.Đà Nẵng cũng gây thiệt hại nặng nề. Đó là trận mưa đêm 9 đến rạng sáng 10.12 khiến tầng hầm CC Hoàng Anh Gia Lai Lakeview (đường Hàm Nghi, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) ngập sâu gần 2 m, 17 ô tô, hơn 100 xe máy chìm hoàn toàn trong nước. Ông Nguyễn Thanh Trà, Trưởng ban Quản trị (BQT) CC Hoàng Anh Gia Lai Lakeview, cho hay đến nay có một số chủ phương tiện bị hư hại do ngập nước bức xúc vì nhận được tin báo quá chậm khi nước tràn vào hầm nên không thể di dời xe kịp thời, nhưng chưa nhận được yêu cầu bồi thường nào từ “khổ chủ”...
Cơ sở nào yêu cầu bồi thường ?
Theo một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản tại TP.HCM, trong các thiết kế, hợp đồng xây dựng phần hầm xe tại các CC đều tuân thủ quy chuẩn về thoát nước để đảm bảo an toàn tài sản cho cư dân.
Trường hợp mưa quá lớn, hầm xe CC không thoát nước kịp dẫn tới ngập làm hỏng phương tiện thì đó là trường hợp không mong muốn. Lúc này, chủ đầu tư, BQL và cư dân có phương tiện thiệt hại ngồi lại với nhau để họp bàn tìm phương án khắc phục, cũng như giải quyết thiệt hại. Đầu tiên phải xác định hầm xe là sở hữu chung của cư dân hay của chủ đầu tư quản lý. Sau đó, xem lại phần hợp đồng mua bán căn hộ đã được ký kết giữa chủ đầu tư và cư dân. Trường hợp người ngoài vào CC giữ xe phải căn cứ trên hợp đồng giữ xe giữa hai bên. Sau khi xem xét tất cả vấn đề pháp lý đã ký kết trước đó, thì sẽ có phương án giải quyết thỏa đáng giữa các bên.
Cụ thể hóa vấn đề này, luật sư (LS) Giang Hồng Thanh (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho hay để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong những tình huống như trên, trước hết cần xác định giữa chủ sở hữu của các tài sản (ô tô, xe máy)... có quan hệ gửi, giữ xe với chủ đầu tư hay BQL tòa nhà hoặc nơi trông giữ hay với tổ chức, cá nhân nào khác không? Việc xác định căn cứ vào việc cư dân CC này đã đóng phí gửi, giữ xe cho tổ chức, cá nhân nào thì tổ chức, cá nhân đó phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Vì lúc này giữa các bên đã xác lập hợp đồng gửi, giữ tài sản theo điều 559 bộ luật Dân sự, kể cả có là ký kết hợp đồng có quy định cụ thể điều, khoản giữa các bên, hay hợp đồng không quy định rõ trách nhiệm giữa các bên nhận trông, gửi và thậm chí hợp đồng được các bên giao dịch bằng miệng.
Ngoài ra, LS Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn LS TP.Hà Nội) cảnh báo đối với trường hợp người mua, người thuê căn hộ, mua hoặc thuê mua chỗ để xe thì chỗ để xe thuộc quyền sở hữu của họ. Do đó, khi trời mưa nước ngập hầm xe thì trách nhiệm thuộc về những người này, còn đối với những người mua bảo hiểm xe thì công ty bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm. Trường hợp người mua, người thuê chỉ mua, thuê căn hộ mà không mua hoặc không thuê mua chỗ để xe, thì chỗ để ô tô này thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư và khi nước ngập chủ đầu tư phải chịu mọi trách nhiệm.
Đối với cao ốc nhận giữ xe thu tiền của khách hàng, nếu người gửi và người nhận trông giữ tài sản có hợp đồng cụ thể thì việc bồi thường dễ dàng thuận lợi. Nhưng nếu không có hợp đồng cụ thể trong việc cam kết đảm bảo tài sản, thì khi xảy ra tranh chấp được áp dụng theo bộ luật Dân sự (tại điều 559 bộ luật Dân sự quy định về “Hợp đồng gửi, giữ tài sản”).
Theo đó, “Hợp đồng gửi, giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên và bên giữ, nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi, giữ không phải trả tiền công”. Hợp đồng gửi, giữ tài sản là loại hợp đồng rất thông dụng trong giao dịch dân sự. Đối tượng của hợp đồng gửi, giữ tài sản là bất kỳ tài sản nào, từ những loại tài sản thông thường như xe đạp, xe máy, mũ bảo hiểm... đến những tài sản có giá trị lớn như hàng hóa, ô tô, nhà ở.
Quy trình đền bù cháy xe sau vụ cháy CC CarinaVụ cháy CC Carina (đường Võ Văn Kiệt, P.16, Q.8, TP.HCM) rạng sáng 23.3 thiêu rụi rất nhiều xe máy, ô tô ở hầm xe. Theo anh Nguyễn Minh Triết (cư dân sống tại CC Carina), sau vụ cháy chủ đầu tư cho các hộ khai báo số lượng, hiệu xe, mua năm nào. Sau đó, chủ xe phải xuất trình giấy đăng ký xe để chứng minh xe của mình bị thiệt hại trong vụ cháy. Chủ đầu tư dựa trên hiệu xe, đã qua sử dụng bao nhiêu năm, giá cả thực tế để từ đó tính giá thành xe bị cháy. Sau khi có giá cụ thể từng xe, chủ đầu tư làm việc và thương lượng với chủ xe để thống nhất. Cư dân nào đồng ý sẽ nhận tiền đền bù, cư dân nào không chấp nhận thì để lại hồ sơ để chờ ngày ra tòa dân sự. Đối với những xe bị cháy sém, hư hỏng còn sửa được, chủ đầu tư yêu cầu chủ xe đem ra ngoài sửa chữa rồi mang hóa đơn về để chủ đầu tư xem xét thanh toán lại tiền.
Công Nguyên
|
Chủ phương tiện hư hại cần khởi kiện đòi quyền lợiLuật sư (LS) Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn LS TP.HCM) cho hay nếu hợp đồng đã có những điều khoản ràng buộc thì cứ dựa vào đó để xử lý, bồi thường. Còn trong trường hợp không có thỏa thuận, sau khi xảy ra sự cố, bên bị thiệt hại cần dựa vào mức phí ở CC, chứng minh và làm rõ trách nhiệm của bảo vệ khi xảy ra mưa to có cảnh báo khách hàng, hệ thống thoát nước có hoạt động hay không... Nghĩa là khách hàng cần xác định nguyên nhân dẫn tới việc ngập gây hư hại xe.
“Hầu hết CC khi giữ xe đều thu phí nhưng khi ký kết với khách hàng lại không có những điều khoản liên quan đến vấn đề bồi thường ngập nước xe cộ. Nếu có thì ràng buộc rất lỏng lẻo và khi xảy ra thiệt hại bên chủ xe phải tự đi chứng minh lỗi của chủ tòa nhà”, LS Hưng nói và lưu ý người dân khi mua căn hộ ở CC cần chú ý về hợp đồng, thỏa thuận về trách nhiệm, quyền lợi sử dụng dịch vụ chung trong đó có ràng buộc về việc ngập nước.
Tuy nhiên, điều mà LS Hưng lưu ý khi xảy ra sự cố nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, thương lượng bồi thường thì khách hàng cần khởi kiện đòi quyền lợi cho mình. “Kể cả hệ thống chống ngập nước của thành phố không đáp ứng được, thì nhân viên tòa nhà cần phải cảnh báo người dân chứ không thể để cho hầm ngập hư hỏng xe nhiều tỉ đồng được. Việc khởi kiện để xác định người đứng ra chịu trách nhiệm. Khi khởi kiện mọi việc sẽ được đưa đi giám định thì sẽ biết ai đúng ai sai”, LS Hưng khẳng định.
LS Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng khi xảy ra sự cố, về nguyên tắc khách hàng có thể yêu cầu bồi thường trách nhiệm ngoài hợp đồng. Tuy nhiên bên chủ quản lý tòa nhà thường viện vào nguyên nhân khách quan thiên tai, thời tiết, tình huống bất khả kháng để né tránh bồi thường. Thế nhưng, LS Phúc đặt vấn đề liệu rằng mưa gây ngập hầm có phải là tình huống bất khả kháng hay không hay phải nằm trong sự quản lý, kiểm soát của con người. Chủ tòa nhà cần phải có cơ chế quản lý, kiểm soát chứ không thể đổ cho thiên tai khiến tài sản của người dân hư hại được. Do đó với những lý do đưa ra không thỏa đáng, bên bị thiệt hại có thể yêu cầu bên chủ quản lý tòa nhà bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nếu hai bên thương lượng không được thì khách hàng cần khởi kiện ra tòa.
Trung Hiếu
|
Ô tô ngập nước bị hư hỏng như thế nào ?Anh Trần Công Tiến, chủ gara sửa chữa Tây Tiến trên đường Cầu Diễn (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho biết ô tô bị ngập nước đến nắp capo sẽ thiệt hại rất lớn, rất khó khắc phục. Theo anh Tiến, nước đã đến nắp capo thì động cơ, hút gió cũng bị ngập, nước lọt vào trong các xi lanh, thông qua hốc gió, hoặc hệ thống xả và nằm lại đó. Dù xe được xử lý thì vẫn có nguy cơ xi lanh “ngậm” nước, nổ máy vẫn có thể bị hiện tượng thủy kích. Ngoài động cơ, các bộ phận khác cũng thiệt hại vô cùng lớn. Nước sẽ phá hỏng hoặc gây trục trặc các bộ phận điện của xe. Bệ trung tâm là khu vực chứa rất nhiều hệ thống điều khiển phức tạp như hộp số, hệ thống điều khiển đa năng thông minh, đàm thoại, túi khí... khi bị ngập nước sẽ dẫn đến các hậu quả lâu dài như hoạt động trục trặc, tín hiệu không chính xác, dễ bị chập cháy. Các bộ phận điều khiển bị ngập sớm nhất chính là những công tắc điều khiển ghế. Nước thâm nhập sẽ làm hỏng các mô tơ, làm tê liệt bộ phận điều khiển ghế ngồi đối với xe có ghế ngồi điều chỉnh điện... Hệ thống chiếu sáng cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Những ô tô bị ngập nước, sau khi khắc phục hoạt động không ổn định và tin cậy, bán rất khó dù giá rẻ.
Lê Quân
|
Bình luận (0)