Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất báo cáo UBND TP.Hà Nội, Bộ GTVT phê duyệt việc mở thêm các tuyến xe khách chạy ban đêm sau 0 giờ trong năm 2020.
Việc bổ sung các tuyến xe khách chạy ban đêm nhằm đạt 3 mục tiêu: giảm ùn tắc, thuận lợi cho công tác tổ chức giao thông của thành phố vào các khung giờ ban ngày; khai thác hiệu quả công suất hoạt động của các bến xe và tiết kiệm thời gian di chuyển cho hành khách.
Ông Viện cũng cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động rà soát lại quy hoạch luồng tuyến để đưa ra danh mục tuyến, nhằm kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư, hoạt động.
Cùng với công khai danh mục luồng tuyến, Sở GTVT sẽ đề xuất thành phố nghiên cứu, cho phép các tuyến chạy đêm được đi vào các đoạn, tuyến đường ngắn nhất, nhằm tiết kiệm thời gian di chuyển cho hành khách và giảm chi phí cho doanh nghiệp vận tải.
|
Hiện, dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19 lan rộng, các bến xe Hà Nội đã vắng khách càng trở nên ế ẩm. Theo Sở GTVT Hà Nội, sản lượng vận chuyển hành khách đã sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Riêng trong tháng 2, vận tải hành khách liên tỉnh giảm từ 40 - 50% so với cùng kỳ tháng 2.2019 (ước đạt 2,6 đến 3,15 triệu hành khách).
Các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, sản lượng khách giảm từ 30 - 40%; bến xe Yên Nghĩa giảm 43%; bến xe Nước Ngầm thậm chí giảm tới 65%.
Đáng chú ý, không chỉ bị ảnh hưởng do Covid-19, ngay cả dịp tết Nguyên đán 2020 và các ngày bình thường, lượng khách đi qua các bến xe khách Hà Nội cũng giảm mạnh. Nguyên nhân, do lượng xe ô tô cá nhân và xe hợp đồng limousine tăng mạnh, người dân ít lựa chọn đi xe khách.
Lo khó hiệu quả
Trước bối cảnh đìu hiu của các bến xe, đề xuất này của Sở GTVT Hà Nội đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Theo ông Nguyễn Anh Bão, Giám đốc Công ty cổ phần Đại Phát, doanh nghiệp có tuyến xe khách chạy đêm đi Đà Nẵng ở Bến xe Giáp Bát, lượng khách của nhà xe này đang rất ít. Dù quy định hiện là 30 phút có 1 chuyến xuất bến, nhưng doanh nghiệp mong muốn giảm bớt tần suất xuống 1 tiếng/chuyến.
Cho rằng chạy đêm có thuận lợi cho hành khách, nhà xe, nhưng theo ông Bão, việc di chuyển ban đêm không phải là thói quen của nhiều người dân. Vì thế, nếu mở bến xe sau 0 giờ, thành phố cần có ưu đãi về phí bến, bãi; bố trí tần suất hoạt động phù hợp để các nhà xe có thể duy trì, thu hút thêm nhiều hành khách...
Trong khi đó, Hiệp hội Vận tải Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở GTVT bày tỏ không đồng tình với việc Hà Nội dự tính mở bến xe sau 0 giờ. Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, tại các bến xe của Hà Nội, lượng hành khách tuyến ngắn thường tập trung vào các đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, gọi là “giờ vàng”, nên có hiện tượng ùn tắc cục bộ. Tuy nhiên, hiện nay lượng khách đã giảm hẳn, có bến xe khách công suất chỉ đạt 60% so với kế hoạch.
Cũng theo ông Liên, Quyết định 2288 của Bộ GTVT trước đó đã ấn định tần suất của 2 đầu bến tuyến xe liên tỉnh. Việc kéo dài cho bến hoạt động sau 0 giờ sẽ đảo lộn quy hoạch, các xe trên tuyến sẽ tranh giành khách, gây mất an toàn giao thông. Ngoài ra, việc tăng thêm giờ hoạt động trong khi lượng khách giảm, kéo theo chi phí hành chính của bến xe tăng lên và các lực lượng quản lý xe khách như thanh tra giao thông, công an phải tăng theo, chi phí xã hội tăng bất hợp lý.
Lãnh đạo Hiệp hội này cũng cho rằng, việc tăng thêm giờ hoạt động nhưng phải đảm bảo đầu xe không tăng vượt quy hoạch, đồng thời phải tuân thủ quy hoạch hướng tuyến xe phía nam về bến phía nam, phía bắc về bến phía bắc, tránh tình trạng thêm giờ chạy ban đêm để làm trái quy hoạch tuyến.
Mặt khác, nếu quyết định tăng xe chạy sau 24 giờ đêm, thành phố cần cho xe buýt chạy 24 giờ/ngày để phục vụ nhân dân đi lại.
Bình luận (0)