'Xe lăn điện' ​đạt giải nhất dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng

08/04/2021 12:57 GMT+7

34 dự án do 180 sinh viên của 6 trường đại học thực hiện đã tham dự vòng chung kết cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng - EPICS năm 2021. theo đó, dự án Xe lăn điện đã đạt giải nhất.

Dự án Xe lăn điện của sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng đạt giải nhất bởi sản phẩm được thiết kế nhằm giúp đỡ người khuyết chi trong việc mưu sinh và hoạt động hằng ngày. Nhóm đề nghị giải pháp xe lăn điện với những cải tiến về tiện nghi so với thiết bị hiện có và giá thành phù hợp. Dự án hiệu chỉnh xe lăn cho người sử dụng điều khiển dễ dàng hơn, đồng thời tích hợp tấm pin năng lượng mặt trời, vừa dùng để tích năng lượng cho xe khi di chuyển, đồng thời làm mái che cho người dùng.

Giải nhì thuộc về dự án Áo khoác an toàn của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng. Đại diện của nhóm sinh viên này cho biết: “Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho những tài xế xe ôm công nghệ, những người đi xe máy về khuya qua những nơi hoang vắng, nhóm đã tìm hiểu và sáng chế ra sản phẩm Áo khoác an toàn. Sản phẩm bao gồm 2 phần: phần áo và phần thiết bị. Phần áo đóng vai trò như một chiếc áo khoác bình thường nhưng có thêm một lớp vải chống đâm cắt, giúp cho người mặc giảm thiệt hại về tính mạng khi bị cướp giật. Phần thiết bị dùng để định vị GPS đồng thời gửi tín hiệu S.O.S (dễ dàng kích hoạt khi hoảng loạn) để cơ quan chức năng kịp thời đến cứu giúp. Với mong muốn phục vụ lợi ích cộng đồng tốt hơn, nhóm sẽ cải tiến đa dạng để phù hợp với nhiều đối tượng người dùng như phụ nữ, trẻ em,...

Và dự án Máy sấy nhà kính năng lượng mặt trời thông minh của sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đạt giải ba. Theo nhóm tác giả, sản phẩm máy sấy này có tác dụng nâng cao chất lượng thành phẩm sau công đoạn sấy của các sản phẩm chế biến nông - thủy sản. Để có thể đảm bảo chất lượng thành phẩm sấy, máy được tích hợp với 4 tính năng chính: sấy trục xoay, khử vi sinh, giám sát và điều khiển từ xa, phân tích dữ liệu và dự báo. Công nghệ sấy nhà kính có nhiều ưu thế hơn so với các phương pháp sấy hiện có như có thể sấy được với sản lượng, diện tích lớn nhưng giảm tiêu hao nhiều về nhiên liệu, điện năng, chất lượng sản phẩm không phụ thuộc vào thời tiết, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như không thải ra các chất khí ô nhiễm môi trường.

Được biết, những dự án nói trên đã được các nhóm sinh viên hoàn tất sau 5 tháng đổi mới sáng tạo thực hiện theo mô hình giảng dạy của chương trình EPICS. Đây là mô hình học tập phục vụ cộng đồng được công nhận quốc tế, nơi sinh viên học bằng cách xây dựng dự án nguyên mẫu sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề xã hội. EPICS xây dựng các kỹ năng thiết kế và kỹ thuật cho sinh viên, thúc đẩy sinh viên giúp đỡ cộng đồng với tư cách các kỹ sư trẻ.

Chương trình EPICS đã tổ chức nhiều năm qua tại Việt Nam do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, triển khai bởi Đại học Bang Arizona và Chương trình STEM của Dow Việt Nam đã phối hợp hỗ trợ đổi mới sáng tạo và học tập thông qua dự án tại các trường đại học tại Việt Nam. Dow Việt Nam tài trợ cho các dự án của sinh viên, hỗ trợ giảng viên và trực tiếp cố vấn về mặt doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sinh viên giải quyết các thách thức cấp bách mà Việt Nam đang đối mặt như đại dịch Covid-19, phòng chống lũ lụt, tái chế rác thải … 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.