Liên quan đến vụ việc hàng loạt người dùng các dòng xe máy mới của Honda Việt Nam (HVN) đồng loạt phản ánh về việc hãng xe Nhật Bản đã loại bỏ công tắc bật/tắt đèn trên xe, gây nhiều phiền toái và bất tiện khi sử dụng xe. Mới đây, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng vừa phản hồi đến Báo Thanh Niên, giải đáp một số thắc mắc từ phía bạn đọc.
Thiết kế xe tùy vào kiểu loại, mục đích và quan điểm của hãng
Theo đó, khi được hỏi việc Honda Việt Nam lược bỏ chi tiết công tắc bật/tắt đèn trên các dòng xe máy mới có cần thông qua các cơ quan hữu trách hay không, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, mỗi kiểu loại xe của mỗi hãng đều có thiết kế và đặc trưng riêng. Việc thiết kế mỗi kiểu loại xe thường được căn cứ trên nhu cầu, thị trường, quan điểm của hãng và tiêu chuẩn, quy chuẩn của nước nơi xe được lưu hành.
Ngoài ra, xu hướng thiết kế của nhiều hãng xe trên thế giới hiện nay đó là một model chung cho nhiều thị trường. Mỗi một kiểu loại xe sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu vào Việt Nam đều được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra, thử nghiệm theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, chỉ có các kiểu loại xe đáp ứng quy định mới được phép sản xuất hoặc nhập khẩu để bán ra thị trường.
Trường hợp có các thay đổi so với xe mẫu và kiểu loại xe đã được chứng nhận thì cơ sở sản xuất có trách nhiệm báo cáo, đồng thời phải kiểm tra, thử nghiệm bổ sung theo các quy định đối với các hạng mục thay đổi và hạng mục có liên quan khác.
Đối với thiết kế liên quan đến hoạt động của đèn chiếu sáng phía trước, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, “hiện nay trên thế giới các hãng có 2 cách thức: có công tắc riêng biệt để bật/tắt đèn chiếu sáng phía trước và có công tắc chuyển đổi chế độ chiếu xa hoặc chiếu gần; hoặc đèn chiếu sáng sẽ được bật khi động cơ hoạt động và có công tắc chuyển đổi chế độ chiếu xa hoặc chiếu gần. Cả 2 cách thức này đều được các hãng sản xuất xe sử dụng để thiết kế xe trên thế giới. Việc lựa chọn phương án thiết kế tuỳ thuộc vào từng kiểu loại xe, mục đích sử dụng và quan điểm riêng của hãng sản xuất xe”.
|
Trong khi đó, trước thắc mắc của nhiều bạn đọc rằng tại sao Honda Việt Nam không trang bị đèn chạy xe ban ngày (DRL), đèn này vừa đảm bảo tiêu chí trên nhưng đồng thời không gây ra những phiên toái như AHO hiện tại? Phía Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận định: “Đèn chiếu sáng phía trước tự động (AHO) đã được các hãng đưa vào sử dụng thiết kế trên một số dòng xe từ rất lâu. Việc thiết kế sử dụng đèn chiếu sáng phía trước luôn bật vừa có tác dụng chiếu sáng, vừa để xe khác nhận biết với quan điểm là sử dụng đèn sẵn có trên xe, không phải thiết kế, chế tạo đèn riêng biệt. Ví dụ đó là trên xe Honda Spacy là dòng xe nổi tiếng sản xuất tại Nhật Bản và đã quá quen thuộc với người Việt Nam.
Trong các năm trước đây do giá thành đèn LED cao và việc phải thiết kế riêng biệt 1 hoặc 2 đèn Daytime sẽ làm tăng giá thành, chi phí sản xuất của xe và giảm tính cạnh tranh trên thị trường, ngoài ra không gian, vị trí bố trí đối với mô tô, xe gắn máy đôi khi cũng gặp vướng mắc nên không thấy xuất hiện trên các dòng xe. Tuy nhiên, trong một vài năm gần đây, đèn xe chạy ban ngày (DRL) đã được các hãng đưa vào trên thiết kế trên nhiều dòng xe do giá thành đèn LED đã giảm (các đèn DRL thường sử dụng đèn LED), các đèn này có thể thiết kế theo nhiều phong cách khác nhau tạo tính thời trang hơn, đẹp hơn cho xe và đảm bảo được sự nhận biết cho các phương tiện khác khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho biết, “việc lựa chọn thiết kế tuỳ thuộc vào quan điểm của mỗi hãng xe, thị trường sử dụng, cũng như tình toàn cầu của mỗi hãng nhưng dù chọn phương án thiết kế nào thì cũng phải đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của nước nơi xe lưu thông”.
Người dùng tự ý thay đổi thiết kế… là phạm luật
Liên quan đến vụ việc rất nhiều người dùng các dòng xe máy mới của Honda Việt Nam cho biết, do quá phiền toái và khó chịu với việc xe không có công tắc bật/tắt đèn, sau khi mua xe về họ đã phải “cắn răng” bỏ tiền túi để “độ” lại công tắc. Điều này liệu có vi phạm pháp luật?
Trong văn bản gửi đến Báo Thanh Niên, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: “Đối với mỗi một dòng xe, các hãng sản xuất thường có các nghiên cứu, kiểm tra, thử nghiệm cụ thể, cũng như xem xét đánh giá thói quen sử dụng với mục đích chung là đảm bảo chất lượng, an toàn kỹ thuật, thuận tiện cho người sử dụng và giá thành được người tiêu dùng chấp thuận. Đối với thiết kế mới, đôi khi người dùng sẽ cảm thấy chưa phù hợp do có khác biệt về kết cấu của xe cũng như cách điều khiển (thói quen) đã sử dụng trên xe trước đó.
|
Mặc dù vậy, “theo quy định tại khoản 2 Điều 55 của Luật giao thông đường bộ: Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Do vậy, việc tự ý thay đổi thiết kế của nhà sản xuất là vi phạm quy định và có thể không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật khi sử dụng xe và tham gia giao thông”.
Trong khi đó, trước câu hỏi “nếu không được “độ lại” công tắc như nêu trên, có giải pháp nào cho người dùng hay không? Hoặc phía Honda Việt Nam có phải bổ sung lại tính năng này không?”, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, người dùng có thể góp ý với phía hãng xe bằng nhiều cách như góp ý thông qua các buổi triển lãm, các diễn đàn về xe, gửi email đến hãng hoặc email hoặc góp ý trực tiếp tại các đại lý khi thực hiện bảo hành, bảo dưỡng xe của hãng.
Đáng chú ý, trong văn bản gửi Báo Thanh Niên trước đó, cũng liên quan đến ý kiến của bạn đọc, thắc mắc rằng liệu Honda Việt Nam có kế hoạch sửa đổi, phục hồi lại công tắc bật/tắt đèn hay không? Đại diện hãng xe Nhật Bản cho biết, mặc dù rất “cảm thông” với những khó khăn, phiền toái mà khách hàng phải đối mặt khi sử dụng những dòng xe máy mới của mình do không có công tắc bật/tắt đèn, tuy nhiên phía hãng chưa tính đến chuyện khắc phục.
Điều này đồng nghĩa, những khách hàng đã trót mua các dòng xe máy mới của Honda Việt Nam chỉ còn cách làm quen với "cải tiến" này.
Bình luận (0)