Ai cũng biết nhiều năm qua tại các đô thị lớn tình trạng thanh niên dùng xe gắn máy tụ tập quậy phá gây rối loạn đường phố đã trở thành vấn nạn. Các lực lượng chức năng đã phải mất nhiều thời gian, công sức để trấn áp những đối tượng này, lập lại trật tự an toàn giao thông.
Tại TP.HCM, báo cáo sơ kết của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) cho biết chỉ trong năm 2011, lực lượng này đã phát hiện tới gần 100 tốp tụ tập quậy phá và đã lập biên bản xử lý hành chính 13.557 trường hợp, tạm giữ 4.670 xe, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương lập hồ sơ quản lý 776 thanh niên được gọi là “quái xế”.
Có thể thấy, không chỉ người dân bức xúc mà chính quyền, Hội đồng nhân dân và các cơ quan bảo vệ pháp luật của TP.HCM những năm qua đã làm hết sức mình, rất quyết liệt với tình trạng quậy phá, gây mất an toàn giao thông trên đường phố. Một số nơi như quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã mở phiên tòa lưu động đưa các bị cáo bị truy tố hình sự về hành vi này ra xét xử ngay tại đường phố để răn đe những đối tượng khác và đáp ứng mong mỏi xử lý nghiêm của dư luận. Và tất cả những phương tiện vi phạm đều bị tòa án tuyên bố tịch thu, tiêu hủy. Bởi một điều đơn giản là ai cũng biết, tất cả những hành vi quậy phá, không chấp hành các quy định về an toàn giao thông trên đường phố, là đồng nghĩa với đe dọa sức khỏe, tính mạng của người khác.
Thế nhưng thật hết sức bất ngờ khi tại phiên thảo luận sáng 10.4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số nhà làm luật đã đề xuất ý kiến “không tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm hành chính nếu tang vật đó là do người vi phạm đi mượn, đi thuê hay sử dụng trái phép của người khác mà cơ quan chức năng không chứng minh được lỗi của chủ sở hữu phương tiện”. Cụ thể, mặc dù theo quy định của dự thảo luật thì tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính sẽ bị tịch thu để sung vào công quỹ nhà nước, ngoại trừ phương tiện bị chiếm đoạt của người khác để vi phạm (sẽ được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp như quy định của bộ luật Hình sự hiện hành), song nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận nội dung này đã cho rằng, nếu phương tiện, tang vật do sử dụng trái phép của người khác hay mượn, thuê… để vi phạm mà không chứng minh được lỗi tiếp tay của chủ sở hữu thì phải trả lại cho chủ sở hữu phương tiện đó.
Tuy chỉ mới là “dự thảo và thảo luận” nhưng luồng ý kiến này đã làm dấy lên những lo ngại về tình trạng lạm dụng kẽ hở pháp luật trên thực tế. Rõ ràng, quan điểm ấy đang gián tiếp gửi đến những đối tượng quậy phá đường phố thông điệp rằng hãy cứ tiếp tục đi mượn, thuê… xe mà tham gia quậy phá, không có ai tịch thu đâu (!?).
Bảo Cầm
Bình luận (0)