Xe ôm, bán vỉa hè… vào tầm ngắm cơ quan thuế

22/12/2018 15:59 GMT+7

Ngành thuế đang chỉ đạo các đơn vị rà soát lại hơn 2 triệu cá nhân kinh doanh quán cóc, vỉa hè, xe ôm… sau số liệu của Tổng cục Thống kê về hộ, cá nhân kinh doanh cao hơn số ngành thuế quản lý.

Rà soát hơn 2 triệu người kinh doanh không thường xuyên

Tổng cục Thuế vừa có công văn chỉ đạo ngành thuế các cấp thường xuyên rà soát đảm bảo đầy đủ dữ liệu giải trình khi có yêu cầu với những cá nhân hoạt động không thường xuyên như xe ôm, xe lam, chủ thầu xây dựng vãng lai, kinh doanh quán cóc, vỉa hè, hộ kinh doanh tại các điểm tự phát - không chính thức được phép hoạt động (chợ tạm, chợ cóc, xóm làng, thôn, bản...).
Theo kết quả của cuộc tổng điều tra thống kê năm 2017 của Tổng cục Thống kê, cả nước có đến hơn 4,3 triệu hộ kinh doanh. Sau khi đã loại trừ những người hoạt động tự do như xe ôm, xây dựng tư nhân, quán vỉa hè, chợ cóc... lên hơn 2 triệu người, còn lại hơn 2,21 triệu hộ kinh doanh. Trong khi, con số cơ quan thuế quản lý chỉ hơn 1,6 triệu hộ, thấp hơn 581.700 hộ.
Trước thông tin này, anh Tuấn (chạy xe ôm ở khu vực Q.Gò Vấp, TP.HCM) hoang mang không biết gia đình có phải đóng thuế và mức đóng cao hay thấp. Anh Tuấn cho biết hằng ngày ra đầu hẻm để đón khách, một số công ty xung quanh đó tin tưởng nên nhiều khi gọi anh đi giao - nhận hàng. Mỗi cuốc xe anh nhận được vài chục ngàn đồng nên mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn. Anh Tuấn cho biết thu nhập hằng tháng không ổn định, dao động từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, những tháng cuối năm thì nhiều người gọi xe nên có tăng hơn.
"Vợ tôi bán bánh mì thịt ở đầu ngõ, giá 20.000 đồng, tháng cũng kiếm được khoảng 10 triệu đồng, cả hai vợ chồng xoay sở lo sinh hoạt phí trong gia đình và 2 con gái đang ăn học còn chật vật. Nếu phải đóng thuế thì khéo không đủ ăn" - anh Tuấn lo lắng. Gia đình anh Tuấn là điển hình trong số những người lao động kiếm sống bằng công việc chạy xe ôm, bán hàng ở vỉa hè. 
Khó biết doanh thu của hộ, cá nhân kinh doanh khi thanh toán bằng tiền mặt Ngọc Dương

Không nên tận thu

Theo quy định hiện hành, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Đối với cá nhân kinh doanh có mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ nộp các loại thuế, phí như lệ phí môn bài, thuế GTGT, thuế TNCN, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế tài nguyên (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản (nếu có). Lệ phí môn bài được tính dựa trên doanh thu hằng năm như sau: dưới 100 triệu đồng không đóng phí; từ 100 - 300 triệu đồng/năm, đóng 300.000 đồng; từ 300 - 500 triệu đồng, đóng 500.000 đồng; trên 500 triệu đồng đóng phí 1 triệu đồng. Việc tính thuế GTGT, TNCN dựa trên doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền bán hàng, gia công, hoa hồng… 
Dựa trên mức doanh thu mà các hộ, cá nhân khai hằng năm, chi cục thuế phối hợp với hội đồng tư vấn thuế xã, phường duyệt mức doanh thu khoán ổn định, sau đó công khai thực hiện. Tỷ lệ khoán thuế sẽ tính theo tỷ lệ, cụ thể đối với hộ cá nhân kinh doanh thực hiện phân phối, cung cấp hàng hóa, tỷ lệ thuế GTGT là 1%, thuế TNCN là 0,5%; dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu thì tỷ lệ thuế GTGT là 5%, tỷ lệ thuế TNCN là 2%; sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu thì tỷ lệ thuế GTGT là 3%; tỷ lệ thuế TNCN là 1,5%; hoạt động kinh doanh khác tỷ lệ thuế GTGT là 2%, tỷ lệ thuế TNCN là 1%.
Ngưỡng 100 triệu đồng trở lên phải nộp thuế đã từng gặp phản ứng lớn từ nhiều chuyên gia cũng như người lao động. Theo những tính toán, với ngưỡng này, hầu hết những người bán phở, hủ tiếu, bánh mì, bánh canh tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành trên cả nước đều thuộc diện đóng thuế. Bởi chỉ cần bán khoảng chục tô, giá hiện hành khoảng 40.000 đồng/tô thì thu nhập cũng đã vượt ngưỡng 100 triệu/năm, rơi vào diện phải đóng thuế. Thế nhưng biết bao gia đình, một gánh hàng rong nuôi 4- 5 con người, sống còn phải đắp đổi qua ngày. 
Việc rà soát hơn 2 triệu người hoạt động tự do như xe ôm, xây dựng tư nhân, quán vỉa hè, chợ cóc... để đưa vào diện chịu thuế, theo ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trưởng Phòng thuế Thu nhập cá nhân Cục thuế TP.HCM là do cơ quan thuế chịu áp lực lớn trước dư luận về việc bỏ sót đối tượng thuế, thất thu thuế.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thái Sơn kỳ vọng chỉ đạo này rà soát lại chứ không nên thực hiện thu thuế đối với những người lao động như chạy xe ôm, bán hàng ở các vỉa hè… Họ có thu nhập không cao nên việc thu thuế khá nhạy cảm. Hơn nữa, việc quản lý và thu thuế là khó khả thi bởi các giao dịch này thanh toán bằng tiền mặt nên không thể kiểm soát được doanh thu để tính thuế.
"Quy định hiện nay các hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm sẽ không chịu thuế nên liệu rằng việc thu thuế có khả thi hay chỉ tốn kém chi phí quản lý" - ông Sơn đặt câu hỏi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.