Xe tăng Mỹ M1 Abrams 'đời đầu' có trên cơ T-72 Nga?

Xe tăng Mỹ M1 Abrams 'đời đầu' có trên cơ T-72 Nga?

30/03/2023 09:15 GMT+7

Để đẩy nhanh tốc độ cung cấp xe tăng Abrams cho Ukraine, Mỹ đã quyết định sẽ gửi xe tăng phiên bản cũ M1A1, thay vì mẫu M1A2 mới hơn. Nhưng dù là phiên bản cũ, M1A1 vẫn được cho là phương án thay thế hiệu quả cho các loại xe tăng từ thời Liên Xô của Ukraine.

Xe tăng M1A1 đã chứng tỏ độ tin cậy trong Chiến tranh vùng Vịnh lần 1, đặc biệt là có hiệu quả rất cao khi đối đầu các xe tăng thời Liên Xô như loại T-72 mà Nga vẫn đang dùng ở Ukraine.

Ông Jeffrey Edmonds, một cựu sĩ quan thiết giáp của quân đội Mỹ và là một chuyên gia về Nga tại Trung Tâm Phân tích Hải quân, nói với tờ Insider rằng "Trong một cuộc đối đầu giữa hai bên, tôi không chọn T-72. Tôi sẽ chọn lợi ích về độ chính xác và sức mạnh của viên đạn".

Theo ông Edmonds phần lớn sức mạnh chiến đấu của xe tăng phụ thuộc vào loại đạn xuyên giáp thoát vỏ lõi uranium nghèo  với sức công phá và độ chính xác cao, giúp xuyên thủng lớp giáp xe tăng hạng nặng.

Lầu Năm Góc cho biết chưa có kế hoạch cung cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine, nhưng một đồng minh thân cận của Mỹ là Anh đã khẳng định sẽ cung cấp cho Ukraine loại đạn này. 

Theo ông Edmonds, xe tăng M1A1 có khai hỏa từ rất xa và bắn trúng các mục tiêu ngoài phạm vi tiêu chuẩn.

Trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ 1, các xe tăng M1A1 chứng tỏ khả năng cơ động tốt, có thể nhanh chóng tránh đòn tấn công trong khi đang rà soát chiến trường để tìm mục tiêu. 

Ông Edmond cho biết M1A1 không chỉ mạnh về tấn công, mà còn có lớp giáp và thiết kế rất vững chắc. M1A1 cũng không có những điểm yếu chí tử mà những dòng xe tăng thời Liên Xô thường có. 

Chẳng hạn như kho đạn chứa trong tháp pháo của dòng xe tăng T-72  rất dễ bị tổn thương nếu bị bắn trúng và thậm chí là có thể làm nổ tung cả chiếc xe tăng.

Trong khi đó, xe tăng M1A1 dự trữ đạn dược ở phía sau tháp pháo và kho đạn này được ngăn cách mới kíp lái bằng các cửa đặc biệt để nếu kho đạn bị phát nổ thì sức nổ sẽ hướng ra xa bên ngoài kíp lái.

Khả năng sống sót trên chiến trường của M1A1 cũng được kiểm chứng trên chiến trường vùng Vịnh. Chỉ có 9 chiếc M1A1 bị phá huỷ trong cuộc chiến tại vùng Vịnh. Trong đó, 2 chiếc được chủ động phá hủy để tránh bị đối phương thu giữ, 7 chiếc còn lại bị đồng đội bắn nhầm.

Dù có nhiều ưu điểm, M1A1 chưa phải là một mẫu xe tăng hoàn hảo. Trong cuộc chiến tại vùng Vịnh các kíp xe luôn phải đối mặt với tình trạng cát lọt vào bên trong xe tăng và phải liên tục tiếp nhiên liệu. 

Bên cạnh đó, các linh kiện thay thế cho dòng xe tăng này cũng là một vấn đề đáng chú ý nếu chúng được chuyển giao cho Ukraine.

Xe tăng chủ lực T-90M Nga có thua kém xe tăng M1 Abrams Mỹ?

Ông Edmonds nhấn mạnh rằng: "Vấn đề không phải ở các chiếc xe tăng mà là việc quân đội Ukraine có điều khiển được chúng và phối hợp tác chiến cùng với pháo binh hay không".

Đây chắc chắn là một sự thay đổi lớn đối với quân đội Ukraine chủ yếu đã quen với việc vận hành các dòng xe tăng của Liên Xô.

Dù vậy, vẫn còn phải chờ từ 8 đến 10 tháng để những chiếc M1A1 có thể được đưa ra chiến trường ở Ukraine.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.