Xe tăng ngày càng lép vế trên 'sân chơi của UAV'?

14/09/2024 14:27 GMT+7

Chiến sự tại Ukraine đã bộc lộ những hạn chế và yêu cầu cần thay đổi các mẫu xe tăng để thích nghi với loại hình tác chiến mới.

Xe tăng từng được mệnh danh là "vua chiến trường". Tuy nhiên, sự lên ngôi của máy bay không người lái (UAV) ở Ukraine phần nào khiến những phương tiện to lớn, ồn ào này dễ dàng bị phát hiện và trở thành mục tiêu chi sau vài phút. Điều này khiến hàng chục xe tăng phương Tây tiên tiến chỉ được sử dụng một cách hạn chế ở xung đột Ukraine trong điều kiện phù hợp, theo The Wall Street Journal.

Để ứng phó, quân đội các nước đang bổ sung công nghệ vào xe tăng nhằm phát hiện và bảo vệ trước UAV, đồng thời thay đổi về thiết kế để làm cho những chiếc xe bọc thép hạng nặng này cơ động hơn. Chiến thuật trên chiến trường đã thay đổi và những bài học từ Ukraine đang được đưa vào huấn luyện.

Xe tăng mất "đất diễn" khi UAV lên ngôi ở Ukraine

WSJ dẫn lời đại tướng James Rainey, chỉ huy Bộ Tư lệnh tương lai của Mỹ, đơn vị nghiên cứu giải pháp chuyển đổi và trang bị cho quân đội, nhận định: "Trong tương lai gần, chúng ta cần phải khẩn trương thực hiện một số điều chỉnh để duy trì khả năng sống sót của các đội hình thiết giáp”.

UAV chiếm ưu thế

Rõ ràng UAV đang định hình lại cục diện chiến tranh hiện đại. Việc điều chỉnh xe tăng để phù hợp với thời đại UAV là điều quan trọng nếu phương Tây muốn duy trì lợi thế trong chiến đấu. Trước đây, xe tăng từng thay đổi để thích nghi với những đối thủ mới xuất hiện như máy bay và tên lửa chống tăng.

Xe tăng ngày càng lép vế trên 'sân chơi của UAV'?- Ảnh 1.

Thanh niên ngồi trên xe tăng Nga bị phá hủy được Ukraine đem về trưng bày tại Kyiv năm 2022

ẢNH: REUTERS

Xe tăng đã xuất hiện trong chiến dịch xâm nhập vào Kursk của quân đội Ukraine và loại vũ khí này vẫn có chỗ đứng trong các cuộc tấn công nhanh. Tuy nhiên, trong phần lớn chiến trường tại Ukraine, những cỗ máy thiết giáp tiên tiến nhất của phương Tây lại trở thành "miếng mồi ngon" cho các loại UAV tự sát rẻ tiền.

Các thành viên Lữ đoàn cơ giới số 47 của Ukraine được thông báo vào năm ngoái rằng họ sẽ nhận được xe tăng Abrams, với hy vọng loại thiết giáp được Mỹ tung hô sẽ giúp họ chọc thủng phòng tuyến của Nga. Tuy nhiên, trong các đợt giao tranh trong năm nay, xe tăng của Lữ đoàn 47 cùng 4 chiếc Abrams khác bị vô hiệu sau khi cán trúng mìn ở tiền tuyến.

Theo nhóm Oryx chuyên tổng hợp thiệt hại trong xung đột Ukraine, Kyiv đã mất 6 trong số 31 xe tăng Abrams nhận từ Mỹ, ngoài ra 12 trong số 18 xe tăng Leopards do Đức viện trợ đã bị phá hủy hoặc hư hại. Ở chiều nguọc lại, xe tăng của Nga cũng chịu tổn thất đáng kể.

“Ngay khi bạn xuất hiện trên đường và bị một UAV phát hiện, bạn sẽ bị tấn công bằng đạn pháo, mìn, tên lửa chống tăng, UAV, bom dẫn đường”, một lái xe Ukraine của chiếc Abrams với hô hiệu Smilik cho biết.

Vào giai đoạn đầu cuộc chiến tại Ukraine, các chỉ huy thường giấu xe tăng và các xe bọc thép bằng cách đào chiến hào và ngụy trang. Sau đó, họ sẽ xuất hiện để khai hỏa khi kẻ thù vào tầm bắn. Tuy nhiên hiện nay, xe tăng dễ bị UAV phát hiện, do đó kíp lái trước tiên phải tìm cách tránh khỏi tầm hoạt động của UAV, sau đó mới di chuyển vào vị trí tấn công.

Ông Anton Havrish, chỉ huy một đại đội xe tăng, cho biết năng lực của một chỉ huy trước đây được xác định bằng khả năng chiến đấu và bảo vệ bộ binh, song giờ đây khả năng bí mật tấn công và rút lui nhanh chóng mới được đề cao hơn cả.

Xe tăng ngày càng lép vế trên 'sân chơi của UAV'?- Ảnh 2.

Quân đội Nga công bố ảnh phá hủy xe tăng và nhiều thiết giáp Ukraine tại vùng Donetsk tháng 6.2023

ẢNH: REUTERS

Thay đổi để thích nghi

Xe tăng dễ bị UAV tấn công hơn các loại xe bọc thép khác vì kích thước cồng kềnh và tháp pháo lớn, phần trên chỉ được gia cố mỏng. Pháo của xe tăng cũng không phù hợp để bắn hạ UAV và hạn chế đạn dược. Do đó, cả lực lượng Nga và Ukraine đều đưa ra những giải pháp “độ chế”, chẳng hạn trang bị lồng sắt bao quanh xe tăng.

Các cải tiến cao cấp hơn bao gồm thay đổi sơn, sử dụng lưới ngụy trang, nâng cấp công nghệ gây nhiễu UAV hay lắp thêm hệ thống đối phó, trong đó kể đến hệ thống Iron Fist của Israel - sẽ bắn ra nhiều đạn nổ cỡ nhỏ khi UAV tiếp cận, qua đó bảo vệ được xe tăng. Ngoài ra, các nước cũng nghiên cứu sử dụng vật liệu nhẹ để chế tạo xe tăng nhằm tăng tính cơ động. Chiếc Abrams của Mỹ nặng khoảng 60 tấn, được trang bị thùng dầu gần 2.000 lít và mất hàng chục lít chỉ để khởi động.

Ukraine biến UAV thành 'súng phun lửa' tấn công mục tiêu Nga

Một số sĩ quan cấp cao của Lục quân Mỹ cho biết quân đội đã đầu tư quá nhiều vào xe tăng. Thủy quân Lục chiến Mỹ đã từ bỏ xe tăng cách đây 4 năm như một phần của quá trình tái cấu trúc nhằm tăng tính cơ động. Các quốc gia khác đã cắt giảm xe tăng trong biên chế. Năm ngoái, Na Uy đã quyết định cắt giảm một đơn đặt hàng xe tăng Leopard và thay vào đó đầu tư vào các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Mặc dù xe tăng dễ bị tổn thương, quan chức quân đội Mỹ cho rằng chúng vẫn có vai trò quan trọng. Trong các cuộc xung đột mà đối phương có xe bọc thép, Mỹ sẽ cần xe tăng để tạo ra "hiệu ứng gây sốc nhằm thâm nhập và củng cố vị trí nhanh chóng", trung tướng Kevin Admiral, chỉ huy Quân đoàn Thiết giáp 3 của Lục quân Mỹ, nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.