Chỉ trong hơn 20 ngày đầu năm 2016, giá xăng giảm 2 lần và hiện ở mức thấp nhất trong 6 năm trở lại đây. Thế nhưng, nhiều nhà xe khách không giảm giá cước mà còn tăng giá lên mức quá cao, đặc biệt trong những ngày cận tết.
Hành khách chờ mua vé tết tại Bến xe Miền Đông - Ảnh: Diệp Đức Minh |
|
Ngày 26.1, trong vai hành khách mua vé xe, PV Thanh Niên tìm đến quầy vé Hãng xe Anh Thư trong một bãi đất trống nhếch nhác trên đường Âu Cơ (Q.Tân Phú, TP.HCM). Hỏi vé về Quảng Nam vào các ngày 27-28 tháng chạp, đại diện nhà xe nói giá 1 triệu đồng (ngày thường chỉ 350.000 đồng) nhưng đã hết chỗ, chỉ còn 1 vé “giường luồng” ngày 28, giá 900.000 đồng. “Yên tâm, tuy nằm dưới sàn nhưng có đệm và chăn đàng hoàng”, đại diện nhà xe trấn an. Khu vực này còn có hãng xe Năm A chạy tuyến Sài Gòn - Quảng Nam, ghế ngồi vào ngày 28 tháng chạp giá 750.000 đồng/vé. Một số hãng xe chạy tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng, Sài Gòn - Quảng Ngãi như Đình Nhân, Cẩm Vân, Việt Thành cũng lấy giá cao gần gấp 3 giá vé ngày thường. “Giá xe đã niêm yết nên không có tăng hay giảm nữa. Nếu đi thì đặt cọc giữ ghế, đến ngày đi tới bãi xe trên đường Âu Cơ và đi”, đại diện một nhà xe nói.
Còn tại BX Miền Đông, nhiều hãng xe vẫn giữ nguyên giá cước và tăng phụ thu 20 - 60%. Ghi nhận của PV Thanh Niên sáng 26.1, Hãng xe Kumho Samco đi Phan Thiết từ 24 - 29 tháng chạp phụ thu 58%; đi Buôn Ma Thuột, Vũng Tàu phụ thu 19 - 60%. Hãng xe Minh Dũng đi Ninh Hòa, Cam Ranh (Khánh Hòa) cũng đồng loạt phụ thu 40 - 60% các ngày 20 - 29 tháng chạp. Doanh nghiệp vận tải Hồng Hải có xe đi về khu vực Tây nguyên cũng đồng loạt phụ thu 40 - 60%...
Ông Thượng Thanh Hải, Phó tổng giám đốc BX Miền Đông, cho rằng việc phụ thu dịp tết để bù chi phí chiều xe chạy rỗng, nhưng giá xăng dầu giảm thì các hãng xe cũng phải tính toán giảm giá cước tương ứng thì mới sòng phẳng với người tiêu dùng. Tuy nhiên, trách nhiệm kiểm tra, xử phạt các nhà xe chây ì không giảm giá cước thì... thuộc Sở Tài chính - nơi các hãng vận tải đăng ký hoạt động.
Trả lời Thanh Niên, một phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM nhìn nhận, thực tế hiện nay có tình trạng một xe khách sử dụng 2 phù hiệu khác nhau. Khi vào bến, xe sử dụng phù hiệu xe khách theo tuyến cố định, nhưng ra khỏi bến để vào khu vực nội thành bắt khách thì sử dụng phù hiệu xe hợp đồng. Vì vậy, lực lượng Thanh tra GTVT khó xử phạt hành vi chạy sai lộ trình, lấy quá giá (do hình thức hợp đồng thì chủ xe và khách tự thỏa thuận giá cước, nhà nước không can thiệp).
“Hiện nay, tình trạng xe khách bỏ BX Miền Đông ra ngoài khu vực Tân Bình, Tân Phú... để hoạt động dưới danh nghĩa xe hợp đồng rất phổ biến. Thậm chí, một số tuyến TP.HCM đi miền Trung như Quảng Nam, trong BX Miền Đông không còn chiếc nào. Nhiều xe khách đăng ký tại BX An Sương, BX Ngã Tư Ga, nhưng sau khi vào bến làm lệnh rồi chạy vào nội thành rước khách, lấy quá giá, Sở GTVT sẽ kiên quyết xử phạt. Hành khách nên đi xe trong bến để được an toàn. Không nên đi xe bên ngoài tiềm ẩn nhiều nguy hiểm”, vị Phó giám đốc sở nói.
Quản lý kiểu “ba rọi “
Chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng: “Nếu dùng biện pháp cứng, xem giá cước vận tải như giá các mặt hàng điện, nước... thì nhà nước phải kiểm soát giá. Ngược lại, nếu dùng biện pháp mềm, tức thả theo cơ chế thị trường tự do thì phải sửa luật quản lý giá. Còn hiện nay, giá cước đang được quản lý theo dạng “ba rọi “, tức vừa quản lý theo cơ chế bao cấp, vừa thị trường “.
Trước thực trạng hãng xe bên ngoài bến hét giá trên trời, ông Sanh cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp bảo vệ người tiêu dùng. Chứ như hiện nay, Sở Tài chính nói do các nhà xe ngoài bến, không đăng ký nên không quản lý được; còn Thanh tra GTVT bảo chỉ xử phạt lỗi dừng đậu không đúng quy định, chạy sai lịch trình... chứ không có chức năng xử phạt về giá. Trong khi đó, người lao động đến tết không về quê không được, buộc phải mua vé bằng mọi giá. “Tôi thấy hiện nay cứ gần tết là các ban ngành như Sở GTVT, Bộ GTVT cứ la lên, nhưng sau tết lại im lìm, không tổ chức phân tích, rút kinh nghiệm để có giải pháp tốt hơn “, ông Sanh nói.
|
Bình luận (0)